Thông xe cầu vượt bằng thép lớn nhất Hà Nội

Sáng 16-12, đã diễn ra lễ thông xe cầu vượt nút giao thông đường Nguyễn Chí Thanh - đường Láng. Đây là cây cầu vượt kết cấu thép lắp ghép lớn nhất từ trước tới nay do UBND thành phố Hà Nội thực hiện, với tổng kinh phí đầu tư gần 350 tỷ đồng.

Sáng 16-12, đã diễn ra lễ thông xe cầu vượt nút giao thông đường Nguyễn Chí Thanh - đường Láng. Đây là cây cầu vượt kết cấu thép lắp ghép lớn nhất từ trước tới nay do UBND thành phố Hà Nội thực hiện, với tổng kinh phí đầu tư gần 350 tỷ đồng.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đinh La Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã đến dự và cắt băng thông xe.

Sau hơn 7 tháng khẩn trương thi công, cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - đường Láng đã được khánh thành đưa vào sử dụng, vượt tiến độ gần 2 tháng so với kế hoạch. Cây cầu có chiều dài 315,7 m, mặt cắt ngang rộng 16 m bố trí 4 làn xe chạy hai chiều, sử dụng dầm hộp thép liên hợp, bản bê tông cốt thép; mố trụ cầu bằng bê tông cốt thép trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính 1.000mm...có hệ thống thoát nước, tổ chức giao thông, ngoài chiếu sáng thông thường còn tổ chức chiếu sáng kiến trúc. Do cây cầu được thiết kế với tải trọng HL93 nên các loại phương tiện giao thông đường bộ tải trọng lớn đều có thể đi qua.

Phát biểu và phát lệnh thông xe, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công trình cầu vượt nút giao thông đường Nguyễn Chí Thanh- đường Láng rất quan trọng góp phần xóa một điểm nút thường xuyên ùn tắc giao thông của Thủ đô. Cây cầu sử dụng kết cấu thép lắp ghép lớn nhất từ trước tới nay do Hà Nội thực hiện vượt tiến độ gần 2 tháng, không chỉ thể hiện trách nhiệm của ngành Giao thông Vận tải và chính quyền Thành phố trước nhân dân trong việc triển khai các công trình cấp bách, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, mà còn cho thấy bước tiến quan trọng của công tác thi công xây dựng cầu đường, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách của Nhà nước. Đây cũng là mô hình tổ chức giao thông hiệu quả, để các địa phương khác học tập trong việc chống ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn.

Phó Thủ tướng đã biểu dương cố gắng, tinh thần vượt khó, hăng say lao động của các đơn vị nhà thầu, tư vấn, Ban Quản lý dự án và các cơ quan tham gia thực hiện dự án, sự phối hợp hiệu quả giữa UBND thành phố và Bộ Giao thông Vận tải, sự ủng hộ của nhân dân.... Đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội, để triển khai các biện pháp toàn diện và đồng bộ giải quyết tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Thành phố Hà Nội cần tập trung nguồn lực, xác định nhiệm vụ ưu tiên để hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị đến năm 2015, trong đó tiếp tục triển khai mô hình cầu vượt tại một số nút giao thông dễ ùn tắc và tai nạn, phấn đấu có thêm nhiều công trình giao thông hoàn thành trước tiến độ như công trình cầu vượt nút giao thông đường Nguyễn Chí Thanh- đường Láng. Thành phố cũng cần có những biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết lập lại trật tự giao thông, tổ chức phân luồng giao thông, bố trí điểm đỗ xe hợp lý; giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông.

Tại lễ thông xe, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận, quản lý đưa vào khai thác phát huy hiệu quả công trình, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên điạ bàn thành phố. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố thực hiện tốt tổ chức giao thông, phân luồng, phân làn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên cầu; giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng công trình an toàn và hiệu quả nhất. Cùng với cầu vượt nút giao thông đường Nguyễn Chí Thanh- đường Láng, ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2013, thành phố cũng sẽ thông xe cầu vượt tại nút giao giữa đường Nam Hồng với tuyến đường Mai Dịch - Nội Bài và chuẩn bị vật tư, điều kiện, nhân lực để tiếp tục khởi công thêm 2 cầu vượt tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và nút giao Daewoo; đồng thời tiếp tục nghiên cứu lập dự án cầu vượt tại một số nút giao hay xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông khác.

Theo phương án phân luồng, tổ chức giao thông của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ 10 giờ ngày hôm nay (16-12), việc đi lại khu vực nút giao thông này như sau: Các phương tiện lưu thông theo hướng đường Trần Duy Hưng đến đường Nguyễn Chí Thanh và ngược lại qua khu vực nút giao sẽ ưu tiên lưu thông trên cầu vượt, cấm toàn bộ xe đạp, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông trên cầu vượt. Còn các phương tiện đi theo hướng từ ngã tư Sở đến Cầu Giấy và ngược lại qua khu vực nút giao cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng sẽ di chuyển theo hệ thống tín hiệu đèn và biển báo giao thông để đi thẳng hoặc rẽ trái đi Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh. Các phương tiện được phép rẽ phải không phụ thuộc vào tín hiệu đèn.

Sở Giao thông Vận tải yêu cầu lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông– Công an thành phố và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc chốt trực, hướng dẫn phân luồng giao thông, tổ chức lực lượng ứng trực kịp thời khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên các tuyến trong phạm vi dự án như đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng và đường Láng.

T.M

Tin cùng chuyên mục