ĐBSCL: Sạt lở đang lan rộng

  • Chợ Trà Nóc: Xuất hiện vết nứt kéo dài thêm 100m

Ông Nguyễn Hùng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cho biết: Triều cường và mưa  trong mấy ngày qua, làm xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới dài hơn 100m đường lộ và hàng chục nhà dân cặp sông Trà Nóc, khu vực chợ Trà Nóc.

Riêng nơi có 13 nhà dân bị trôi xuống sông (hôm 10-6) nay sạt lở tiếp tục ăn sâu vào mặt đường, đe dọa dãy nhà bên trong lộ. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, đến nay mới có hơn 40/71 hộ dân trong khu vực nguy hiểm đã di dời. Hầu hết những hộ di dời phải tự tìm nơi ở tạm tại nhà trọ công nhân hoặc nhờ nhà người thân… Những căn nhà sạt lở trước đó đã chìm hẳn xuống lòng sông Trà Nóc, gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại, hiện chưa được trục vớt do thiếu kinh phí.

Tại Bến Tre, tình hình sạt lở ở sông An Hóa (huyện Châu Thành) đang báo động. Theo ông Hồ Hữu Sang, Phó Bí thư xã An Hóa, cho biết: Mới xảy ra vụ sạt lở dài 6m, ăn sâu vào đất liền 3m, có 48 hộ đang nằm trong vùng nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Dự báo, từ nay đến lũ về, tình hình sạt lở ở ĐBSCL sẽ lan rộng và diễn biến phức tạp.

Qua khảo sát thực địa tình hình xói, lở bờ tại các sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Mỹ Tho-Cửa Đại, Ba Lai, Bến Tre-An Hóa, Mỏ Cày, Chợ Lách, Vàm Cái Quao… hầu hết đường bờ tại các sông đều bị sạt lở ở mức độ bình quân 3-5m/năm. Sông Cổ Chiên bị sạt lở nặng nhất với 35,5km bờ bị sạt lở từ 0,5-10m/năm. Dòng chảy ngầm từ bờ là nguyên nhân tạo nên xâm thực ngang lòng sông đối với những nơi đất bờ sông có kết cấu rời rạc.

Ngoài ra, sóng do các loại tàu thuyền hoạt động trên sông với mật độ lớn, quá trình khai thác các bãi bồi, khai thác cát trên sông, các công trình xây dựng dọc theo bờ sông làm thay đổi điều kiện dòng chảy và lòng dẫn, gây mất ổn định hình thái lòng sông dẫn đến tình trạng xói lở bờ ngày càng nghiêm trọng trên các tuyến sông, rạch.

H.P.L. - B.Đ. - T.M.T.

Tin cùng chuyên mục