ĐBSCL: Sạt lở đê biển, bờ sông diễn biến phức tạp

(SGGP).- Đê biển xã Hiệp Thạnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) dài 2 km, bảo vệ gần 1.000 hộ dân và 2.200 ha đất sản xuất đang bị sạt lở rất nghiêm trọng. Ông Lê Văn Nhớ, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, cho biết: Hiện tại nước biển đã cuốn trôi hàng dương bảo vệ đê, có nơi toàn bộ thân đê dài 30m bị san bằng. Địa phương đang rất lo lắng nếu như việc sửa chữa chậm thì vào mùa chướng nước biển sẽ tràn vào đồng ruộng và nhà của dân gây thiệt hại rất lớn”.

Đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang bị sạt lở nặng nề với 12 đoạn, dài gần 30km. Quan ngại nhất là có khoảng 2.800 hộ dân (hơn 12.000 nhân khẩu) đang bao chiếm, cất nhà, sinh sống trong phạm vi bảo vệ đê. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cần 90 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, chống sạt lở và di dời dân bao chiếm trên toàn tuyến đê biển Tây dài 93km.

Tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL cũng diễn biến phức tạp, nhất là các địa phương đầu nguồn lũ, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng ngàn hộ dân. Toàn tỉnh An Giang hiện có 42 điểm sạt lở nguy hiểm trên sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao... Tỉnh Đồng Tháp hiện có gần 100km bờ sông Tiền và sông Hậu chạy qua 39 xã phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố bị sạt lở nặng nề.

Tại TP Cần Thơ gần đây xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới tại quận Ninh Kiều, Phong Điền, Bình Thủy, Thốt Nốt… Các địa phương đang khẩn trương di dời những hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm vào nơi an toàn trước khi lũ về.

B.Đại

Tin cùng chuyên mục