Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 1: Bão dồn, lũ dập

Xóa sổ làng mạc
Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 1: Bão dồn, lũ dập

LTS: Năm nào bão, lũ cũng càn quét miền Trung. Sau mỗi đợt thiên tai “đổ bộ” người dân vùng lũ ngập chìm trong tang tóc: mất mát tính mạng, hoang tàn tài sản, xóa sổ làng mạc! Sau bão lũ, đồng bào cả nước chung tay san sẻ nỗi khổ đau, người dân sửa sang lại cuộc sống mới; nhưng rồi có thể bị mất tiếp, nếu năm sau lại xảy ra bão lũ! Loạt bài này Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ đề cập cách tiếp cận mới: Miền Trung đã chuẩn bị gì để sống chung với bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, hay đang phó mặc cho sự định đoạt của thủy thần? Vấn đề này thuộc miền Trung hay đó là trách nhiệm của cả nước?

Xóa sổ làng mạc

“Miền Trung oằn mình chống lũ”, “miền Trung bị nhấn chìm trong cơn đại hồng thủy”, “miền Trung hoang tàn sau bão lũ”… Những cụm từ này thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi khi mùa mưa bão về, đặc biệt nhiều hơn trong những năm gần đây. Tất nhiên, miền Trung ngày càng hứng chịu nhiều trận bão, lũ với mức độ ngày càng lớn và tần suất dày hơn!

Đã 10 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc đến trận lũ hồi tháng 11-1999, người dân làng Phương Trung thuộc xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà Nguyễn Thị Nà, 74 tuổi, nhớ lại: “Tui sống tới chừng này mà chưa bao giờ thấy trận lũ nào khủng khiếp như thế. Trời mưa như trút nước hai ngày liền, nước từ trên nguồn đổ về, dâng cao và bao quanh khắp làng. Chập choạng tối, phía ngoài bờ sông vang lên tiếng ầm ầm vì đất lở. Cả làng hốt hoảng bỏ nhà để chạy lên gò đất cao, ngay lập tức lũ đã cuốn trôi cả làng với 300 ngôi nhà”.

Cũng trong cơn “đại hồng thủy” năm 1999, cách làng Phương Trung hàng trăm kilômét ở bên kia đèo Hải Vân là làng Hòa Duân nằm sát bãi biển Thuận An, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bị xóa sổ. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Hòa Duân, người Huế không khỏi chạnh lòng, đau xót. Chỉ trong một đêm cả ngôi làng bị cuốn phăng ra biển, 64 ngôi nhà và 14 người cũng bị lũ cuốn đi. Trong đó, thảm thương nhất là gia đình ông Trần Văn Kiệu, 12 người chết gồm hai ông bà già, 4 người con trai, 4 đứa cháu nội, 2 cô con dâu. Người duy nhất sống sót là anh Trần Văn Thu, 10 năm đã trôi qua, nhưng cái đêm hãi hùng đó với anh như mới diễn ra.

Nỗi kinh hoàng trong mùa lũ

Nỗi kinh hoàng trong mùa lũ

Anh nhớ lại: “Trưa 2-11, khi thấy nước lũ đổ về, nghĩ rằng lũ to, nhưng không nghĩ sẽ đến mức ngập ngôi nhà của bố mẹ tôi. Vì thế tôi đưa vợ và 3 đứa con đến nhà bố mẹ để tránh lũ, còn tôi quay lại ngôi nhà riêng của mình để trông coi. Đến chiều thấy nước lên dữ quá, tôi lại chèo thuyền vào nhà bố mẹ. Nhưng chèo ra chưa được bao xa thì bị lật úp. Tôi cố gắng bơi và bám vào đường dây điện chờ cứu. Do nước chảy xiết nên đến gần 12 giờ đêm tôi mới được lực lượng Đồn biên phòng 220 Thuận An cứu vớt khi đã cạn kiệt sức lực”.

Chỉ một lúc sau, từ đồn biên phòng nhìn về ngôi nhà của bố mẹ, anh thấy ánh đèn măng sông sáng xanh phụt tắt, chỉ nghe tiếng nước réo ào ào cuồn cuộn. Anh Thu ngất đi khi biết 12 người ruột thịt gồm bố, mẹ, vợ con, anh em mình đã bị dòng nước lũ hung dữ cuốn phăng ra biển.

Lũ lụt lịch sử năm 1999, nhấn chìm 100% nhà cửa của người dân Thừa Thiên - Huế trong biển nước.
Lũ lụt lịch sử năm 1999, nhấn chìm 100% nhà cửa của người dân Thừa Thiên - Huế trong biển nước.

Đúng 10 năm sau, vào đêm ngày 3-11-2009, tại Xóm Trường trù phú nằm bên hữu ngạn sông Kỳ Lộ (thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) bỗng chốc bị lũ dữ cuốn phăng. Cơn lũ đã làm 18 người chết, đặc biệt gia đình ông Võ Ra, có đến 4 người gồm vợ và con bị lũ cuốn trôi. Giờ đây, Xóm Trường được dựng lên một nơi khác chuẩn bị cho cuộc sống mới, nhưng nỗi đau còn hằn sâu trên mỗi khuôn mặt của người dân!

Ông Nguyễn Ty Niên, nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và phòng chống lụt bão, cho rằng: Năm nào miền Trung cũng gặp nhiều thiên tai. Đặc biệt, dấu ấn về trận lũ lịch sử năm 1999 mãi mãi không bao giờ phai đối với những người làm công tác phòng chống lụt bão và người dân vùng bị ảnh hưởng. Bởi chỉ trong vòng 1 tháng liên tiếp xảy ra 2 đợt lũ đặc biệt lớn, trên cùng một khu vực, làm trên 1.000 người chết, 52.000 ngôi nhà bị trôi, thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng. Và “thảm họa” thiên tai đó lại xảy ra đúng 10 năm sau, năm 2009. Hai đợt bão lũ đã tàn phá, nhấn chìm cả miền Trung, làm gần 300 người chết và mất tích, gần 100.000 ngôi nhà bị sập, trôi, tốc mái; thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng.

Làm một năm, “phá” một giờ!

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, thống kê hơn 50 năm qua cho thấy, đường đi của các cơn bão đã phủ kín các tỉnh miền Trung. Sau bão là lũ lớn, hoặc vừa xảy ra bão vừa xảy ra lũ như năm 2009. Chính vì vậy, mức độ tàn phá của bão lũ vô cùng lớn, không chỉ gây thiệt hại nhân mạng mà làm kinh tế của miền Trung bị kiệt quệ.

10 năm qua, trung bình hàng năm bão lũ gây thiệt hại về kinh tế là 1,5% GDP của cả nước. Đặc biệt năm 2006, bão Xangsane đã làm thiệt hại các tỉnh miền Trung lên tới 18.500 tỷ đồng. Đà Nẵng là tâm bão, chưa đầy một giờ tung hoành bão Xangsane đã “quét” địa phương này “bay đứt” 5.290 tỷ đồng, coi như gần mất hết GDP của năm 2006.

Sau cơn bão số 9, lũ gây thiệt hại nặng nề vùng hạ du sông Vu Gia. Ảnh: Nguyên Khôi
Sau cơn bão số 9, lũ gây thiệt hại nặng nề vùng hạ du sông Vu Gia. Ảnh: Nguyên Khôi

Quảng Nam, một tỉnh nghèo của cả nước, 6 tháng đầu năm 2009 “cày” cật lực để đạt được mức GDP là 4.140 tỷ đồng, thế nhưng cơn bão lũ hồi tháng 9 đã “nuốt” hết 3.500 tỷ đồng! Còn đối với cơn lũ năm 1999, ông Ngô Yên Thi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã từng chua xót nhìn nhận: “Với tổn thất ước tính 1.780 tỷ đồng và 352 người chết, Thừa Thiên-Huế sau 24 năm xây dựng nay đã trở về số không!”.

Đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ như in cảnh tượng người dân ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế đi nhặt từng nhành cây, cái bát hứng mủ cao su mà nước mắt lưng tròng. Bởi hơn 700ha cây cao su đồng bào ở đây bỏ công sức tiền của chăm sóc 10 năm trời đã trở thành những đống củi khô sau khi cơn bão Xangsane quét qua.

Nhà cửa, làng mạc miền Trung bị ngập chìm trong cơn lũ hồi tháng 9-2009. Ảnh: Nguyễn Hùng
Nhà cửa, làng mạc miền Trung bị ngập chìm trong cơn lũ hồi tháng 9-2009. Ảnh: Nguyễn Hùng

Mới đây, ngay sau khi cơn bão số 9, trong lúc lũ nhấn chìm nhiều làng mạc, nhà cửa của người dân, chúng tôi đã tìm đến với những vùng “rốn lũ” ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế để cứu trợ. Điều chúng tôi không thể cầm lòng là hàng trăm hộ dân đã bị bão lũ cướp đi người thân và tất cả tài sản. Nước mắt cứ thế chảy theo dòng nước lũ đục ngầu, cuồn cuộn. Nhiều gia đình có người chết phải buộc dây, treo quan tài lên gác cả 5-7 ngày vì lũ nhấn chìm tất cả, không nơi chôn cất. Cảnh tượng đói, khát trong những đợt bão lũ ở miền Trung thì hầu như nơi nào cũng xảy ra. Đặc biệt là đồng bào ở các vùng núi cao, có khi bị đói cả tháng trời vì tắc đường, cô lập!

Trong một lần đi thị sát tình hình lũ lụt ở miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thốt lên: “Không biết bao giờ miền Trung mới khá lên được. Đi đến đâu cũng thấy cảnh hoang tàn, xơ xác, tang thương. Cả năm quần quật làm lụng, chỉ một cơn bão hay trận lũ quét qua thì tất cả trở thành đống bùn đất. Trắng tay!”.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, trong những năm tới, miền Trung sẽ còn tiếp tục hứng chịu nhiều trận bão lũ với cường độ ngày càng mạnh hơn. Bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu toàn cầu thì chắc chắn những tác động hủy hoại môi trường sống do con người “ra tay” đã làm cho bão, lũ tàn phá miền Trung khốc liệt.

Những đợt bão lũ gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung:

- Năm 1964, 2 cơn bão liên tiếp Iris và Joan đổ bộ vào Phú Yên và Bình Định, làm chết hơn 7.000 người.

- Năm 1985 cơn bão Cecil cấp 12 đổ bộ vào Quảng Trị – Thừa Thiên-Huế gây chết hơn 800 người ở vùng phá Tam Giang.

- Năm 1989, 3 trận bão cấp 12 đổ bộ liên tiếp vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh làm chết 484 người.

- Năm 1996 có 4 cơn bão và 11 trận lũ đổ vào khu vực miền Trung đã làm chết 1.028 người.

- Năm 1999 là năm được xem là kỷ lục ở miền Trung về lũ lụt, làm trên 1.000 người chết, 52.000 ngôi nhà bị trôi, thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng.

- Năm 2006, bão Chanchu đã làm chết và mất tích 268 ngư dân. Cơn bão Xangsane làm 76 người chết và 9 đợt lũ quét làm 77 người chết và mất tích.

- Năm 2009, bão Ketsana và Mirinae kết hợp với lũ đặc biệt lớn làm gần 300 người chết và mất tích.

N.HÙNG - V.THẮNG

Tin cùng chuyên mục