Miền trung sống chung với bão lũ- Bài 6. Bình yên trong lũ dữ

Khi bão lũ xảy ra, quý nhất là giữ được tính mạng. Chính vì lẽ đó, người miền Trung đã nghĩ ra nhiều cách để bình yên trong lũ dữ. Nhưng đôi khi việc đó trở nên quá tầm tay của người dân…
Miền trung sống chung với bão lũ- Bài 6. Bình yên trong lũ dữ

Khi bão lũ xảy ra, quý nhất là giữ được tính mạng. Chính vì lẽ đó, người miền Trung đã nghĩ ra nhiều cách để bình yên trong lũ dữ. Nhưng đôi khi việc đó trở nên quá tầm tay của người dân…

Bài học từ Đại Lãnh

Sau cơn lũ lịch sử cuối tháng 9-2009 chúng tôi trở lại xã Đại Lãnh, phía Tây huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - nơi thường xuyên đối mặt với những cơn “đại hồng thủy”. Mặc dù gần 3 tháng trôi qua, nhưng dấu vết hoành hành của thủy thần vẫn còn đó: rác rưởi vương vất đầy trên ngọn cây, cột điện; ngấn nước còn in rõ trên những nóc nhà; ruộng lúa và đường sá vẫn chìm trong lớp bùn non, cát bồi. Những bậc cao niên cho biết, chưa bao giờ ở đây phải hứng chịu một cơn lũ lớn như vậy.

Thầy Nguyễn Cơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quang Tám xã Đại Lãnh, kể lại: “Ngày 28-9-2009, mưa lớn kéo dài, nước lũ bắt đầu dâng cao, người dân tổ chức đưa lúa, heo gà lên gác lửng - được làm cao hơn mức nước lũ năm 1999 - để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên đến chiều tối 29-9, lũ dâng cao vượt mức lũ năm 1999 cả mét nước, có nơi lên tới 1,5m. Người dân bỏ mặc tài sản cho lũ cuốn trôi để lo thoát thân. Lũ lên rất nhanh trong đêm, đỉnh lũ cao chưa từng có, nhưng xã Đại Lãnh không bị tổn thất nhân mạng. Theo ông Nguyễn Tấn Nại, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, “kỳ tích” đó là nhờ chính quyền và người dân ở đây đã có cách “sống chung với lũ”.

Dân Đại Lộc (Quảng Nam) nhờ áp dụng phương án sơ tán theo từng tổ dân cư nên đã hạn chế số người thiệt mạng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Dân Đại Lộc (Quảng Nam) nhờ áp dụng phương án sơ tán theo từng tổ dân cư nên đã hạn chế số người thiệt mạng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Đầu tiên, ngôi nhà của người dân làm bằng gỗ hoặc xây đều có gác lửng. Gác lửng sẽ cao hơn mức nước lũ lớn nhất. Trên đó sẽ chứa toàn bộ của cải, lương thực nhằm không cho lũ cuốn trôi. Và, khi lũ lên người dân cũng di chuyển lên gác lửng cho an toàn tính mạng. Thế nhưng, nếu lũ quá lớn thì sao? “Phải thực hiện sơ tán dân tại chỗ!

Cụ thể, trước mỗi mùa mưa lũ, các thôn trong xã lập phương án sơ tán dân cho từng tổ dân cư, chọn ra những ngôi nhà kiên cố nhất, cao nhất trong tổ dân cư đó để làm sao đảm bảo di dân với quãng đường ngắn nhất. Bởi vì lũ có cường độ dòng chảy lớn thì không có ghe thuyền nào có thể di chuyển được, nếu sơ tán dân trên diện rộng thì độ nguy hiểm rất cao. Chỉ có phương án sơ tán dân tại chỗ theo từng tổ dân cư mới đảm bảo được an toàn tính mạng cho người dân. Phương án này được áp dụng thành công từ 10 năm qua”- ông Nguyễn Tấn Nại kể lại.

Tuy nhiên, trên thực tế số lượng nhà kiên cố tại các tổ dân cư vùng lũ rất ít nên khi xảy ra lũ lớn thường bị quá tải, câu chuyện tại thôn 8 là ví dụ. Đây là thôn nghèo nhất, cũng là nơi ngập sâu nhất của Đại Lãnh, gồm có 165 nóc nhà với 750 người dân. Mặc dù dân số đông đúc nhưng chỉ có 30 căn nhà xây cấp 4, tuy vậy, ngần ấy ngôi nhà đã trở thành nơi chen chúc tránh lũ của 750 người trong cơn bão số 9 vừa qua.

Ông Nguyễn Tấn Nại ao ước: “Nếu như thôn 8 được xây 2 căn nhà kiên cố, làm nhà cộng đồng chống lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản thì chúng tôi mừng vô cùng”. Nguyện vọng của xã Đại Lãnh đã đề đạt lên cấp trên, nhưng khi nào có thì chưa biết!

Pháo đài trong lũ: muối bỏ biển!

Muốn sống chung với lũ, đầu tiên phải có nơi tránh lũ an toàn. Đó là những căn nhà cộng đồng rộng lớn, vững chãi trong mùa mưa bão, là nơi thắp sáng lên hy vọng cuối cùng cho những người bỏ nhà cửa, trốn chạy khỏi lưỡi hái của thủy thần. Tại miền Trung, những “đóm sáng” như thế bắt đầu le lói hình thành như nhà cộng đồng An Lưu, thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Khởi thủy từ một công trình phúc lợi làm cho quận, công trình hoàn thành, còn dư gần 1 tỷ đồng. Từ lâu, lãnh đạo phường Hòa Quý rất bức xúc chuyện lũ lụt vì đây là rốn lũ của quận. Thế là nghe tin “có tiền” liền chạy lên quận xin số tiền đó để làm nhà cộng đồng chống lũ. Tất nhiên, chủ trương này được quận ủng hộ ngay. Vậy là căn nhà hoàn thành kịp sử dụng trong đợt lũ lớn năm 2007. Pháo đài cao hai tầng, xây dựng kiên cố, tầng dưới có thể làm nơi sinh hoạt, tầng trên dùng để tránh lũ với đầy đủ các phòng ở, nhà bếp, nhà vệ sinh, máy phát điện và có thể chứa gần 200 người trong thời gian 7 ngày. Qua mấy đợt lũ lụt thử thách đã chứng minh sự an toàn của “pháo đài” An Lưu.

Nhà trú ẩn đa năng (phường Hòa Quý, Đà Nẵng) một giải pháp được lựa chọn cho việc chung sống an toàn với lũ. Ảnh: HÀ MINH Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhà trú ẩn đa năng (phường Hòa Quý, Đà Nẵng) một giải pháp được lựa chọn cho việc chung sống an toàn với lũ. Ảnh: HÀ MINH Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhận thấy đây là mô hình hay, UBND quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục trích 800 triệu đồng từ ngân sách địa phương xây dựng các nhà trú ẩn đa năng tại khối phố Mân Quang, cũng ở phường Hòa Quý. Trong khi đó, thành phố thấy hiệu quả rõ rệt đã cấp kinh phí cho quận Liên Chiểu nhân rộng mô hình xây dựng thêm một “pháo đài” nữa ở khu vực Thủy Tú thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, có thể chứa được gần 300 người dân trong lúc bão lũ hoành hành.

Từ mô hình thiết thực này, Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung (HTTT) tại Đà Nẵng đã hỗ trợ thôn Phong Nam, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) xây dựng nhà cộng đồng phòng chống thiên tai trị giá 1,4 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, Quỹ HTTT hỗ trợ thôn An Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) dùng 1 tỷ đồng để xây một nhà trú ẩn đa năng nơi hạ nguồn sông Trà Khúc, giúp bà con “vượt” lũ. Nhờ đó, đợt lũ lớn vừa qua, ngoài số hộ dân được di dời vào đất liền, số còn lại tập trung vào nhà tránh lũ nên thiệt hại về người đã không xảy ra như các năm trước.

Mới đây nhất, quỹ này cũng đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế khởi công xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng tránh lũ tại vùng tái định cư mới thuộc thôn Miêu Nha, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Tổng kinh phí xây dựng khu nhà này khoảng 1,6 tỷ đồng, trong đó Quỹ HTTT tài trợ 1,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ngoài việc xây nhà cộng đồng, một tổ chức có sáng kiến giúp dân vùng lũ bằng việc hỗ trợ tiền để người dân xây gác lửng cất trữ tài sản và nương náu trong mùa bão lũ. Dọc theo quốc lộ 14B, thuộc xã Hòa Phong của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), với sự hỗ trợ của địa phương lẫn tổ chức Vietnam of Children, hàng chục ngôi nhà tránh lũ đã được xây dựng. Những hộ nằm trong diện xóa nhà tạm, khi nhận tiền hỗ trợ, việc đầu tiên là quỹ này yêu cầu họ phải xây một cái gác lửng cao hơn 2m. Thậm chí có nhiều hộ không đủ tiền đổ bê tông xây gác lửng thì cũng làm cho được một cái gác lửng bằng gỗ, tre để neo giữ đồ dùng, lúa gạo,… khi lũ về.

Nếu trước năm 1999, xã Hòa Phong có tới 80% nhà tạm thì nay thay bằng nhà xây kiên cố, khoảng 30% hộ có ghe thuyền di chuyển khi nước lớn. Nhờ cách làm như vậy, trong trận lũ sau cơn bão số 9 vừa qua, xã không có người nào chết hoặc mất tích do lũ. Bà con trong xã đã hoàn toàn chủ động trong việc sống chung với lũ.

Muốn sống chung với lũ thì hầu như tỉnh nào cũng phải xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ, mỗi xã ít nhất phải có vài nhà cộng đồng tránh lũ, đó là một khoản tiền cực lớn. Chẳng hạn, riêng tỉnh Quảng Ngãi có đến 20 điểm ngập sâu trong lũ thì cần ít nhất 40 công trình chống lũ, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Chưa hết, việc xây dựng công trình chống lũ cần phải tính toán quy hoạch cho vùng lũ, đặc biệt phải di dời nhà cửa những nơi xung yếu…

Câu chuyện muốn bình yên trong lũ dữ nếu không là mối quan tâm đặc biệt của chính quyền các vùng thường xuyên bị hứng chịu lũ, bão thì khó có tổ chức nào có thể làm hết được. Chính quyền trở bộ càng chậm chạp thì sự thiệt hại của người dân vùng lũ sẽ khó bề thuyên giảm, chỉ mong chờ vào điều kỳ diệu mà thôi!


NGUYÊN KHÔI - HÀ MINH – LƯƠNG THIỆN

 Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc phá rừng nguyên sinh ở Phú Yên

Thủ tướng vừa có chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với Công ty TNHH Bình Nam đã lợi dụng việc tỉnh Phú Yên cấp phép trồng rừng kinh tế để tàn phá rừng.

Theo phản ánh của người dân và dư luận (bài “Cạo trọc rừng xanh, lũ càng hung dữ” trong loạt bài "Miền Trung sống chung với bão lũ" trên Báo SGGP): Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, hơn 1.000 ha rừng ở huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên đã nhanh chóng biến mất, thay vào đó là những bãi đất nham nhở, gốc cây trơ trụi… Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản của nhân dân huyện Đồng Xuân trong trận lũ kinh hoàng vừa qua.

Những sai phạm trên thuộc về Công ty TNHH Bình Nam (có trụ sở chính tại Bình Định), đã được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, có kết luận về sai phạm và yêu cầu công ty này phải có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Bình Nam vẫn thản nhiên tiếp tục phát dọn thực bì, không trồng rừng kín diện tích đã phát dọn theo kết luận mà các đoàn kiểm tra của tỉnh Phú Yên kiến nghị.

Trước phản ánh này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên nhanh chóng kiểm tra sự việc, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-12-2009.

MINH YÊN

Tin bài liên quan

>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 5: Cứu trợ - “muối bỏ biển”?

>>> Miền Trung sống chung với bão lũ- Bài 4. Rừng xanh bị cạo trọc, lũ càng dữ dội...

>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại

>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!

>>> Miền Trung sống chung với bão lũ - Bài 1: Bão dồn, lũ dập

Tin cùng chuyên mục