Miền Trung sống chung với bão lũ-Những khu tái định cư “sạt” theo lũ

Để đối phó với bão lũ, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) phục vụ di dời dân. Tuy nhiên, những bất cập từ khâu khảo sát thiết kế, đến thi công, rồi thiếu đất sản xuất… nên hầu như năm nào kế hoạch di dời dân đặt ra trong năm cũng nằm ở mức độ… không hoàn thành.
Miền Trung sống chung với bão lũ-Những khu tái định cư “sạt” theo lũ

Để đối phó với bão lũ, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) phục vụ di dời dân. Tuy nhiên, những bất cập từ khâu khảo sát thiết kế, đến thi công, rồi thiếu đất sản xuất… nên hầu như năm nào kế hoạch di dời dân đặt ra trong năm cũng nằm ở mức độ… không hoàn thành.

“Có mới vẫn không... nới cũ”

Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ dân thuộc diện TĐC trong dự án TĐC xã Tam Phú, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), cho biết, mỗi hộ đến nơi ở mới được cấp 500m2 đất và 1,5 triệu đồng để di dời nhà cửa. Trong đó, một nửa diện tích đất dành cho xây nhà, nửa còn lại cho sản xuất. 7 năm qua, cuộc sống tại nơi ở mới gặp muôn vàn khó khăn bởi đất sản xuất là đất cát, lại gần biển, gió mang hơi nước mặn tạt vào, cây lâu năm cũng như hoa màu… cháy lá, chết!

Lấn sông, xây dựng các khu đô thị, khu tái định cư ở Đà Nẵng khiến việc thoát lũ trở nên khó khăn.Ảnh: NG.HÙNG

Lấn sông, xây dựng các khu đô thị, khu tái định cư ở Đà Nẵng khiến việc thoát lũ trở nên khó khăn.Ảnh: NG.HÙNG

Khu TĐC Đông Thuận là chốn cư ngụ mới của hơn 200 hộ dân thuộc 2 xã Bình Đông và Bình Thuận (huyện Bình Sơn) từ tháng 5-1998. Sau 11 năm, khu TĐC vẫn như xưa: giao thông vẫn là con đường đất, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất thì khó khăn. Nhiều người đã phải rời bỏ “miền đất hứa” để về lại quê xưa. Ở đây, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, hoặc rao bán. Đến Đông Thuận, tôi còn nghe bà con bảo, có nhiều người ở đây không biết làm gì để sống, đành bán đất để... “ăn” dần (!).

Cuộc sống của 17 hộ dân với gần 100 nhân khẩu ven biển tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhiều nhà lâm vào cảnh màn trời chiếu đất ở ngay vùng sạt lở do bị “treo” tiền hỗ trợ TĐC.

Trước khi di dời 17 hộ dân ven biển Cự Lại, chính quyền xã ký cam kết với các đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) cho người dân mua nợ xây nhà và thông báo mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 14,5 triệu đồng từ chương trình định canh, định cư cho người dân vùng sạt lở. Thế nhưng, nhiều nhà dân đến phần hoàn thiện vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

Do nợ dây dưa quá lâu, đại lý VLXD, chủ nợ không bán tiếp hàng nên các hộ dân này đành quay ngược lại vùng sạt lở để ở, chịu những nguy cơ ngay trong mùa bão lũ “treo” trên đầu. Tại cuộc họp mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có kết luận: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng dân quay về vùng sạt lở thì địa phương đó chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, thực tế tại các khu TĐC, mặc cho dân quay về nơi ở cũ, cũng chả thấy ai… bị xử lý.

Bất cập!

Tỉnh Quảng Nam là địa phương chiếm tỷ lệ “khổng lồ” về việc di dời dân và sắp xếp lại dân cư vùng ngập úng, sạt lở. Tỉnh đã đầu tư 3.679 tỷ đồng cho dự án di dời và sắp xếp lại 10.367 hộ với 40.910 nhân khẩu của 15 xã ven biển thuộc 4 huyện, TP với 3 giai đoạn từ năm 2008 đến 2020. Trong đó 480 tỷ đồng xây dựng 30 khu TĐC quy mô hơn 900 ha; 153 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng tại dự án TĐC…

Riêng năm 2009 tỉnh này tổ chức di dời 486 hộ dân tại 14 huyện, TP ra khỏi vùng nguy hiểm với tổng kinh phí hỗ trợ gần 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đưa được 242 hộ đến nơi ở mới an toàn (đạt 49,79% so với mục tiêu đề ra).

Dự án TĐC xã Tam Phú, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) được triển khai năm 2002 cho hơn 150 hộ dân vùng sạt lở sông Trường Giang. Khi mới hoàn thành, 100 căn nhà đã được xây dựng, nhưng 7 năm trôi qua, 50% những ngôi nhà ấy hiện đang bị bỏ hoang phế.

Hỏi Chủ tịch UBND xã Tam Phú Nguyễn Văn Lương mới biết: “Số hộ dân trên ban đầu hồ hởi lắm, nhưng đến nơi “chân chưa ráo” đã vội vã lục đục quay về nơi ở cũ, bỏ lại hàng loạt ngôi nhà xây dựng dang dở, phơi nắng mưa, nên hiện tại đã hư hỏng, có nhà đã đổ sập xuống thành đống gạch vụn”. Còn ông Đỗ Kỳ Ân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận: “Dự án TĐC ở thôn Diên Hữu, xã Long Mai, huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) đã san lấp xong mặt bằng, nhưng cơ sở hạ tầng không đồng bộ nên hiện chỉ có 2/3 số hộ trong diện di dời đến nhận đất làm nhà ở”.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng các khu TĐC cũng có nhiều chuyện lạ. Đó là Khu TĐC Đồi Gu, huyện Sơn Hà, cho các hộ dân vùng sạt lở núi; mặc dù trên bản đồ của huyện có đánh dấu rành rành nơi xây dựng khu TĐC là nơi có nguy cơ sạt lở. Vậy nhưng, đơn vị khảo sát, thiết kế không biết từ đâu “rơi xuống” mà lập dự án, trình lên, các cơ quan chức năng phê duyệt và tổ chức thi công. Khi triển khai được gần một nửa, phát hiện vết nứt từ sườn núi cách biên khu dân cư 292m, rẽ thành 2 nhánh cắt ngang khu TĐC. Vậy là để “đảm bảo an toàn” tính mạng và tài sản cho các hộ dân trong khu vực nguy hiểm trên, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo dừng thi công 2/3 điểm, đồng nghĩa với hàng tỷ đồng của nhà nước “lọt” vào vết nứt.

Chưa hết, điểm TĐC thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương (Bình Sơn), cho hơn 100 hộ sạt lở ven sông Trà Bồng, đã được khảo sát, quy hoạch và lập thiết kế, khi tiến hành khởi công xây dựng dự án thì phải dừng lại vì phát hiện… vướng đường điện cao thế. Dự án này phải di dời đến địa điểm khác và điều chỉnh thiết kế 2 - 3 lần… với khoản kinh phí phát sinh không nhỏ.

Trước nguy cơ 32 hộ dân sống quanh các triền núi ở thôn Dương Lâm (xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My) bị đất đá đè, chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng phương án để triển khai di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm trước mùa mưa bão 2009. Được biết, tổng kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng tại khu TĐC để bố trí cho toàn bộ số hộ dân nơi đây là gần 3,6 tỷ đồng, do Chi cục PTNT Quảng Nam làm chủ đầu tư. “Tuy nhiên, không thể triển khai xây dựng các hạng mục cần thiết vì... chưa có mặt bằng. Và dù đã được phê duyệt từ lâu nhưng đến thời điểm này khu TĐC (rộng hơn 2ha, tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng) vẫn chưa được triển khai thực hiện để bố trí chỗ ở mới cho 65 hộ dân sống trong vùng ngập lụt sâu và sạt lở bờ sông của thôn Vĩnh Thành (xã Cẩm Kim, TP Hội An). Bão lũ năm nay đã qua, nhưng năm tới lại đang cận kề, điệp khúc “chạy” chắc chắn sẽ lặp lại với người dân nơi đây” - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Viết Gặp cho biết.

Làm việc với ngành nông nghiệp một số tỉnh, thành miền Trung mới hay hàng chục ngàn tỷ đồng đã được dành cho công tác di dời dân và sắp xếp lại dân cư dọc các tỉnh miền Trung.

Thực tế là những khu TĐC đang giữ vai trò tích cực đảm bảo an toàn cho những người dân vùng ngập lụt, sạt lở mỗi khi lũ về. Chính vì vậy, tháng 12-2007, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án “Chung sống an toàn với lũ tại các tỉnh miền Trung”. Trước mắt là hoàn thành việc di dời, sắp xếp lại các khu vực dân cư thường xuyên bị thiên tai kéo dài, vùng đặc biệt nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu dài ngày...

Theo những người có trách nhiệm, đề án này sẽ tác động trực tiếp tới khoảng 5 triệu dân và gián tiếp tới hơn 15 triệu dân ở 11 tỉnh miền Trung.

“Tuy nhiên, muốn đề án thật sự phát huy hiệu quả, tránh được lãng phí, và gắn liền với người dân theo chủ trương “nơi ở mới phải tốt hơn, hoặc bằng nơi ở cũ…” thì những bất cập trong quá trình thực hiện (khảo sát sai địa điểm, thi công ì ạch, thiếu tư liệu sản xuất và phương tiện sản xuất...) phải được đặt lên bàn những người xây dựng đề án, người thực hiện và ngay cả chính người dân” - đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đều thống nhất quan điểm như vậy.

Nhưng làm cách nào thì... chưa có đơn vị nào dám đưa ra một giải pháp mang tính đảm bảo và căn cơ ?!

NGUYÊN PHƯƠNG

Tin bài liên quan

>>> Miền trung sống chung với bão lũ

Tin cùng chuyên mục