Từ loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ” - Thủy điện miền Trung: tầm nhìn ngắn hạn

Sau khi Báo SGGP (từ ngày 9 đến 18-12) đăng loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ”, chúng tôi đã nhận được phản hồi của các cơ quan chức năng, bộ, ngành trung ương và các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) – nơi ảnh hưởng nặng nề bởi những trận bão lũ gần đây. Trong bài trao đổi này, ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) khẳng định, các nhà máy thủy điện đã có vai trò làm giảm đỉnh lũ chứ không phải là tác nhân gây nên lũ lớn tại miền Trung vừa qua.
  • Hồ thủy điện nhỏ không cắt được lũ

Sau khi Báo SGGP (từ ngày 9 đến 18-12) đăng loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ”, chúng tôi đã nhận được phản hồi của các cơ quan chức năng, bộ, ngành trung ương và các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) – nơi ảnh hưởng nặng nề bởi những trận bão lũ gần đây. Trong bài trao đổi này, ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) khẳng định, các nhà máy thủy điện đã có vai trò làm giảm đỉnh lũ chứ không phải là tác nhân gây nên lũ lớn tại miền Trung vừa qua.

- Phóng viên: Thưa ông, trong bài viết liên quan đến việc “phủ sóng” thủy điện, Báo SGGP có đề cập đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã ồ ạt bổ sung và điều chỉnh quy hoạch hàng loạt các dự án thủy điện (như Quảng Nam 58 dự án, Bình Định 11 dự án… Sự phát triển ồ ạt các dự án thủy điện dường như mang tính chất phong trào?

Ông ĐỖ ĐỨC QUÂN: Tôi vừa đi khảo sát tại một số tỉnh miền Trung và tham dự hội thảo tại Quảng Nam về vấn đề phát triển các dự án thủy điện. Như Quảng Nam, dù được cấp phép hơn 50 dự án thủy điện, nhưng thực tế mới triển khai được khoảng 10 dự án, còn lại nhiều dự án vẫn đang giai đoạn nghiên cứu. Theo quan điểm của tôi, nếu như một nhà máy nằm trong 10 năm, phụ tải đủ lớn, lưới điện vào được và nhiều hồ chứa nhỏ thì 58 dự án tại địa phương như Quảng Nam là không nhiều. Thực chất những hồ chứa lớn mới là những nhà máy ảnh hưởng nhiều như: Đắc Mi, A Vương, Sông Tranh…

Bộ Công thương không cấp phép các dự án trừ khi tham gia ý kiến những dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án thủy điện nhóm A có: A Vương, Đắc Mi 4, Sông Tranh 2… Những dự án đó cũng nằm trong quy hoạch trước đó bộ duyệt (trước đó là Bộ Công nghiệp duyệt). Chúng tôi đã kiểm tra và rà soát lại các dự án, dự án nào chưa đấu được thì giãn tiến độ, dự án nào chiếm đất nông nghiệp nhiều thì đề nghị không làm nữa hoặc thay đổi phương án.

- Như ông vừa nói, có những dự án Bộ Công thương cho rằng phải giãn tiến độ, thay đổi phương án. Vậy cụ thể ra sao?

Có những cụm như ở trên Nam Trà Mi khoảng 6 dự án Bộ Công thương đề nghị giãn dự án vì liên quan đến đất canh tác nên đền bù, đấu nối khó khăn… hay như dự án Sông Tranh 5 liên quan đến đất nhiều. Chúng tôi đã đề nghị cần phải xem xét các phương án khác để giảm thiểu tối đa phần ngập đất không thì phải loại dự án đó ra.

- Từ thực tế trên có câu chuyện dường như các địa phương chỉ chú trọng việc cấp phép, tính đến lợi ích kinh tế mà chưa tính đến những tác động khác?

Địa phương cấp phép, nhưng cũng chưa tính đến hết hệ quả sau đó là 10 năm hay 7, 8 năm nữa mới xuất hiện. Nhìn chung các địa phương vẫn chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề mang tính chất hệ quả lâu dài.

- Nếu như đã nhìn ra vấn đề đó thì với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành, bộ có những hướng dẫn nào để hạn chế những bất cập trên?

Có chứ. Chúng tôi đã chỉ ra sau khi cấp phép thì các địa phương phải kiểm tra, kiểm soát như thế nào, chất lượng công trình ra sao, môi trường ra sao… Thực tế mà chúng tôi cảm nhận các địa phương mới chỉ quan tâm đến vấn đề đền bù, tái định cư là chính. Còn các vấn đề môi trường chưa quan tâm lắm để kiểm soát về sau. Nghĩa là sau đầu tư, những tác động về trồng rừng, tác động với môi trường cũng chưa kiểm soát… đầy đủ. Chính vì vậy, chúng tôi đã có những đề nghị địa phương nên dừng, giãn những dự án đã được cấp phép mà không phù hợp, như dự án Sông Tranh 5 ngập hơn 200 ha…

- Hiện Bộ Công thương đã đề nghị bao nhiêu dự án dừng, giãn tiến độ tại khu vực miền Trung?

Hiện với 4 tỉnh là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thì mỗi địa phương loại được một số vì không phù hợp.

- Dư luận vừa qua cho rằng, chức năng điều tiết lũ vào mùa mưa có vấn đề như trường hợp vụ A Vương xả lũ nhấn chìm toàn bộ vùng hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn vừa qua. Ông lý giải sao về vấn đề này?

Chúng tôi cho rằng việc A Vương điều tiết nước vừa qua là không vấn đề gì cả. Đến một mức theo quy định thì họ phải xả và nếu tiếp tục chứa nước và vượt qua mức quy định, từ mức đỉnh lũ 4.200 m3/giây còn 2.600 m³/giây, về lượng cũng cắt được khoảng 50%. Việc lũ ngập vừa qua là do nhiều nguyên nhân khác. Tôi có thể khẳng định chắc chắn việc vận hành thủy điện A Vương vừa qua là theo đúng quy trình và có tác dụng làm giảm cường độ lũ so với thực tế. Vả lại, nếu như A Vương không xả lũ có thể gây ra những hậu quả khác như vỡ đập chẳng hạn. Tôi nghĩ nhiều khi thông tin chưa đến đầy đủ thì sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau, về mặt nguyên tắc, khi có hồ chứa thì bao giờ đỉnh lũ cũng giảm đi.

- Ông bình luận sao về việc những địa phương có đến hơn trăm nhà máy thủy điện, như Gia Lai 113 dự án thủy điện?

Đối với những thủy điện nhỏ, tôi có thể khẳng định không có chuyện chống lũ, cắt lũ (giảm lũ không đáng kể). Như lũ vừa qua tại miền Trung, tôi nghĩ rằng chỗ Vu Gia phải có hồ chứa hơn tỷ mét khối mới bảo đảm. Đối với khu vực miền Trung, có thể nói rằng, hồ chứa ở lũ chính vụ chỉ có tác dụng giảm lũ. Chẳng hạn như hai hồ chứa thủy lợi Tả Trạch (Thừa Thiên – Huế), Định Bình (Bình Định) thì với lũ chính vụ chỉ có tác dụng giảm và giảm nhẹ. Nói như vậy để có thể khẳng định, đừng bao giờ nói chuyện dùng hồ để cắt lũ cho tỉnh như tại Quảng Nam vừa qua, bởi như thế sẽ mất hết rừng và đập phải to hơn thủy điện Sơn La.

- Xin cảm ơn ông.

Ngọc Quang

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải:
Thu hồi dự án tác động lớn đến môi trường

Tại tỉnh Quảng Nam, cũng đã có những cơn lũ đã đi vào lịch sử xảy ra như lũ 1964, gần đây là các năm 1999, 2000, 2004, 2007, 2009. Chúng ta dễ nhận thấy rằng, thời gian về sau, cường độ lũ ngày càng tăng, xuất hiện nhiều lũ quét kèm theo những sự cố sụt, lở đất… Nguyên nhân lũ lụt cường độ cao có nguyên nhân chủ quan là chưa quản lý tốt tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng.

Vừa qua, hai nhà máy thủy điện A Vương và thủy điện Sông Côn 2 đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên hai nhà máy thủy điện này thực hiện quy trình vận hành khi gặp lũ lớn kèm theo bão số 9 năm 2009. Do chưa tính toán hết các yếu tố ở phạm vi hạ du, nên việc xả lũ đã làm tăng mức độ ngập lụt và thiệt hại ở vùng hạ du của tỉnh, như phản ảnh của các địa phương, đặc biệt tại các huyện Đại Lộc, Điện Bàn và TP Hội An của tỉnh Quảng Nam. Đây là cũng bài học kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh, khẩn trương ban hành quy trình vận hành các nhà máy thủy điện trong thời gian tới. Trong đó có tính đến các yếu tố dung tích dự phòng cho đến tích lũ.

Tỉnh ủy chủ trương phát triển thủy điện phải dựa trên các cơ sở khoa học, phát triển một cách bền vững trên cơ sở đánh giá được các tác động môi trường của từng dự án để có những giải pháp giảm thiểu, góp phần điều tiết lũ, điều tiết nước vùng hạ du, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như tái định cư, đào tạo lao động, đảm bảo đời sống của nhân dân vùng dự án tốt hơn.

Các dự án không có khả năng thực hiện do năng lực của chủ đầu tư hạn chế, tác động lớn đến môi trường cần kiên quyết thu hồi. Tạm dừng cấp phép các dự án thủy điện nhỏ đang nghiên cứu chưa khả thi để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, chưa được chuẩn bị tốt.

N.Khôi ghi

Miền Trung sống chung với bão lũ

- Bài 1: Bão dồn, lũ dập

- Bài 2: Không “phòng” khó “chống”!

- Bài 3: “Phủ sóng” thủy điện - Lợi và hại

- Bài 4. Rừng xanh bị cạo trọc, lũ càng dữ dội...

- Bài 5: Cứu trợ - “muối bỏ biển”?

- Bài 6: Bình yên trong lũ dữ

- Bài 7: Thủy điện Bình Điền Thừa Thiên - Huế hỏng khi… lũ lớn

- Bài 8: Những khu tái định cư “sạt” theo lũ

Tin cùng chuyên mục