Từ loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ”

Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định: Thiệt hại rồi mới biết

Qua 2 trận lũ lịch sử ở miền Trung mới đây, có ý kiến cho rằng lãnh đạo tỉnh Bình Định nên xem xét lại công tác quy hoạch các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp ở hạ lưu, các cửa sông, cửa biển... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT - Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Bình Định về vấn đề này.
Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định: Thiệt hại rồi mới biết

Qua 2 trận lũ lịch sử ở miền Trung mới đây, có ý kiến cho rằng lãnh đạo tỉnh Bình Định nên xem xét lại công tác quy hoạch các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp ở hạ lưu, các cửa sông, cửa biển... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT - Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Bình Định về vấn đề này.


- PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đợt lũ bất thường ở TP Quy Nhơn và thị trấn Diêu Trì năm nay là do xây dựng các công trình dân sinh và công nghiệp ở hạ lưu sông Hà Thanh đã chặn dòng thoát lũ . Theo ông, ý kiến này có đúng không?

Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định: Thiệt hại rồi mới biết ảnh 1

- Ông VÕ THÀNH TIÊN (ảnh): Đúng. Nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là biến đổi khí hậu, những công trình xây dựng đặt không đúng chỗ làm hẹp dòng thoát lũ càng khiến cho lũ thất thường hơn. Việc quy hoạch xây dựng các công trình công nghiệp, trường học, các cụm dân cư... dọc theo tuyến sông Hà Thanh trước đây không hề tính đến yếu tố phòng chống thiên tai nên đều nằm trên hành lang thoát lũ hoặc làm hẹp đi dòng chảy của lũ. Nhiều công trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, đường quốc lộ, tỉnh lộ... đã trở thành những bờ đê ngăn lũ, trong khi khẩu độ các cầu cống thoát lũ lại không được mở rộng ra. Bây giờ lũ lớn thì càng không thể thoát nhanh được nên gây ra thiệt hại lớn. Nhiều đơn vị khi quy hoạch, thiết kế không tính phương án phòng chống thiên tai đến khi xảy ra thiệt hại rồi mới biết. Ngay cả pháp quy của nhà nước hiện nay cũng chưa có văn bản nào quy định rõ ràng về hành lang thoát lũ!

- Trong thời gian sắp đến, tỉnh Bình Định đã có những phương án nào giải quyết tình trạng hẹp dòng thoát lũ ở vùng hạ lưu?

- Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT tư vấn giúp cho tỉnh về vấn đề tiêu thoát lũ và chỉnh trị các cửa sông, cửa biển. Hiện Viện Quy hoạch thủy lợi của Bộ NN-PTNT đang triển khai nghiên cứu để thực hiện vấn đề này. Trong thời gian chờ đợi, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở NN-PTNT chủ trì đi thuê các các nhà tư vấn có năng lực để nghiên cứu làm quy hoạch tiêu thoát lũ cho riêng sông Hà Thanh.

- Vậy việc quy hoạch xây dựng những cụm công nghiệp, khu dân cư... ở vùng hạ lưu các sông sẽ được thực hiện như thế nào?

- Theo tôi biết thì Sở Xây dựng của Bình Định cũng đang thuê Viện Khí tượng thủy văn Trung ương nghiên cứu về vấn đề tiêu thoát lũ trong quá trình xây dựng cụm dân cư, cụm công nghiệp... trên địa bàn các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú... của TP Quy Nhơn. Vấn đề này chúng tôi vừa mới phát hiện ra còn trước kia thì do khó khăn về nguồn kinh phí và lũ không có thường xuyên, khốc liệt như hiện nay nên không mấy chú trọng đến yếu tố phòng chống thiên tai trong quy hoạch xây dựng. Bây giờ, khi quy hoạch xây dựng, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ vấn đề thủy văn để tạo hành lang thoát lũ an toàn, phải tính tần suất lũ cao để giảm nguy cơ.

Đối với những công trình đã quy hoạch rồi thì phải tiến hành quy hoạch tiếp, bố trí lại các cụm dân cư ở những vùng ven sông, ở các cửa biển, vùng trũng... đặc biệt là ở hạ lưu sông Hà Thanh. Chắc chắn là phải mở hành lang thoát lũ ở hạ lưu các sông như mở rộng cửa sông, giải tỏa các công trình chặn dòng thoát lũ, mở thêm khẩu độ thoát lũ ở các cầu, cống trên các tuyến đường giao thông...

- Việc mở rộng hành lang thoát lũ này sẽ được thực hiện trong thời gian bao lâu?

- Thực hiện vấn đề này phải có lộ trình, làm đến đâu chắc chắn đến đó, không thể nóng vội nếu không sẽ dẫn đến chắp vá. Trước tiên phải có một quy hoạch tổng thể chính thức rồi đến phê duyệt, cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách cho hợp lý... tất cả phải đảm bảo được mục tiêu đề ra.

- Xin cảm ơn ông

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó trưởng ban PCLB-TKCN TP Đà Nẵng: Cửa thoát lũ đã bị “bóp” lại

Trong thời gian qua, việc xây dựng hàng loạt cầu trên sông Hàn cũng như việc lấn sông để xây dựng các khu tái định cư, khu đô thị đã làm cho việc thoát lũ ở các vùng hạ lưu của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bị hạn chế nhiều do cửa thoát lũ bị “bóp” nhỏ lại. Để giải quyết vấn đề này thì ngoài việc chấm dứt tình trạng lấn sông để xây dựng các khu đô thị, khu tái định cư thì cần tăng cường nạo vét trên sông Hàn, bù vào những khoảng không bị lấp cũng như các mố cầu cản dòng chảy trên sông Hàn.

Việc xây dựng, nâng cấp trên tuyến QL1A cũng như các tuyến đường tránh đã góp phần rất lớn làm cho lũ lụt ở miền Trung ngày càng nghiêm trọng hơn do trên các tuyến đường này có quá ít cầu, cống để thoát lũ. Để giải quyết tình trạng này thì cần tiến hành dỡ bỏ nhiều đoạn trên những “bờ đê” trên để xây dựng các cầu có khẩu độ lớn. Đồng thời, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng, nâng cấp các tuyến đường ở miền Trung trong thời gian tới.

N.HÙNG

HOÀNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục