Từ loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ”: Cần trang bị thêm tàu và máy bay cứu hộ hiện đại

Báo SGGP đã đăng loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ”, trong đó đề cập thực trạng hoạt động cứu hộ cứu nạn hiện nay còn nhiều bất cập nên thiệt hại về người và của vẫn rất lớn mỗi khi bão lũ. PV Báo SGGP đã trao đổi với Trung tướng Nguyễn Sơn Hà, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) về vấn đề này.

- Thưa ông, từ cách đây 10 năm, khi xảy ra trận “đại hồng thủy” ở miền Trung, nhiều chuyên gia đã nhận định chúng ta cần phải tiến tới xây dựng một lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp mới có thể giảm thiệt hại về người và của do thiên tai, bão lũ gây ra. Vậy hiện nay chúng ta đã có lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp?

Trung tướng NGUYỄN SƠN HÀ: Ở các nước, hoạt động cứu hộ cứu nạn được tổ chức rất chuyên nghiệp. Mỗi vùng đều có hẳn một đội riêng. Họ có đủ cả nhân lực lẫn phương tiện, trang thiết bị tốt, hiện đại. Còn ở nước ta với quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, quân đội là lực lượng nòng cốt cùng với một số ít lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách tham gia như: Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và một số đơn vị chuyên trách của các bộ, ngành khác…

Tuy nhiên, hoạt động cứu hộ cứu nạn hiện nay còn gặp khó khăn là trang thiết bị, phương tiện hiện nay so với yêu cầu còn thiếu và chưa hiện đại, nhất là trang thiết bị chuyên dụng. Quân đội là lực lượng nòng cốt tham gia tìm kiếm cứu nạn nhưng hầu hết phải sử dụng trang bị chiến đấu nên có lúc hiệu quả chưa cao. Lực lượng chuyên trách còn ít, chưa được huấn luyện nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn đạt trình độ cao như các nước. Vì thế có những sự cố, thảm họa cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ mới thực hiện được, yếu tố này chúng ta còn thiếu.

- Ông nói rằng chúng ta đang gặp khó khăn về phương tiện, trang thiết bị để cứu hộ cứu nạn?

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn thường xuyên, chuyên trách mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ và kể cả các sự cố khác trên biển thì hiện nay, vẫn chủ yếu dựa vào 7 con tàu SAR túc trực tìm kiếm cứu nạn trên biển thuộc quản lý của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải - thuộc Cục Hàng hải Việt Nam - được rải đều tại 3 miền Bắc-Trung-Nam. Đây là những tàu có vận tốc trên 20 hải lý/giờ, chỗ nào có cứu nạn là đi ngay. Nhưng trong đó, loại tàu dài 41m thì cũng chỉ có thể đi cách bờ khoảng 250 hải lý, còn loại tàu dài 27m thì chỉ đi cách bờ chừng 150 hải lý, không thể chịu được sóng to gió lớn.

Các tàu đều được thiết kế đầy đủ buồng cấp cứu, các trang thiết bị sơ cứu… nhưng có hạn chế là chức năng kéo không tốt. Trong khi cứu hộ tàu bị tai nạn trên biển hiện nay có khó khăn là có thể cứu được tính mạng của ngư dân, nhưng nếu không kéo được tàu về thì ngư dân cũng không chịu rời tàu.

- Còn về máy bay cứu hộ cứu nạn, một trong những phương tiện không thể thiếu khi giao thông đường bộ bị chia cắt do bão lũ?

Hiện nay, chúng ta mới chỉ có 4 trực thăng Mi 171 chuyên dùng để cứu hộ cứu nạn. Còn lại, nhiều khi phải huy động thêm máy bay của các đơn vị không quân. Tuy nhiên, do đặc điểm của các máy bay nên trong các đợt bão lũ lớn, thời tiết xấu, máy bay không thể bay được vào các vùng bị lũ cô lập hoặc không tiếp cận được mục tiêu gặp nạn. Do mây mù, mưa lớn, gió mạnh, lại không có bãi đỗ nên máy bay cứu nạn đành phải quay về.

- Theo ông, làm thế nào để hoạt động cứu hộ cứu nạn thực sự mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra, đặc biệt là với khu vực miền Trung?

Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở. Có lẽ phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, công việc như xây dựng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, phát huy phương châm “4 tại chỗ” để cứu hộ cứu nạn được kịp thời, hiệu quả, nêu cao ý thức chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ trong mỗi người dân, đề cao trách nhiệm của các chính quyền địa phương… Nhưng điều quan trọng là phải đầu tư một hệ thống phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn đủ mạnh.

Hiện nay, khó khăn nhất khi thiên tai, bão lũ xảy ra là hệ thống đường giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập, cần phải kịp thời tiếp cận để cứu bà con hoặc cứu các tàu cá của ngư dân trong vùng bão. Do đó, chúng tôi đang có chủ trương trang bị hệ thống máy bay cứu nạn đảm bảo hoạt động được trong điều kiện gió bão lớn. Cụ thể là Chính phủ đã đồng ý về chủ trương mua một máy bay EC 155 B1 của Pháp, dự kiến sẽ nhận về trong tháng 5-2010. Đây là máy bay trang bị hệ thống dò đường bay và lái tự động, thay vì lái “bằng mắt thường” như 4 chiếc trực thăng hiện nay. Đồng thời, Chính phủ cũng đã cho phép mua thêm 2 máy bay cứu hộ cứu nạn hiện đại khác để tăng cường thêm năng lực cứu nạn trên biển.

Về tàu biển, mục tiêu đặt ra là tiến tới trang bị cho mỗi địa phương ven biển 1 thậm chí là 2 tàu biển chuyên dùng cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, để làm được thì vẫn phải theo lộ trình do kinh phí còn khó khăn. Năm 2010, chúng tôi sẽ xây dựng dự án đóng thử nghiệm 1 tàu cứu hộ đa năng trên biển, chạy tốc độ cao, có thể “áp sát” mục tiêu trong khoảng thời gian sớm nhất, tàu chịu được cả sức gió bão đạt cấp 10, thời gian hoạt động liên tục 20 ngày và 1 tàu tìm kiếm cứu nạn kết hợp tuần tra.

Nếu 2 con tàu hiện đại hoàn thành, chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện đáng kể hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển, việc cứu nạn sẽ bớt khó khăn hơn so với hiện nay.

Văn Phúc Hậu

  • Từ loạt bài “Miền Trung sống chung với bão lũ”:

- Ông Võ Thành Tiên, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định: Thiệt hại rồi mới biết

- Thủy điện miền Trung: tầm nhìn ngắn hạn

Tin cùng chuyên mục