Khóc cùng vẹm

Vẹm chết hàng loạt
Khóc cùng vẹm

Hàng trăm hộ nông dân nuôi vẹm thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang chịu cảnh hàng ngàn tấn vẹm nuôi đến độ thu hoạch bỗng chết sạch mà chưa rõ nguyên nhân. Cả cơ nghiệp dồn hết vào vụ mùa năm nay bỗng tan theo bọt nước, hàng trăm hộ dân vay vốn ngân hàng không có khả năng trả nợ.

Vẹm chết hàng loạt

Khóc cùng vẹm ảnh 1

Vẹm chết được chất thành đống.

Chúng tôi đến thôn Tân Đảo, nơi có đầm Nha Phu nỗi tiếng cả nước với sự phong phú về cả số lượng và trữ lượng thủy sản, không khí vắng lặng và buồn tẻ thể hiện lên từng khuôn mặt của mỗi người dân.

Tân Đảo không còn sôi động và tấp nập như những mùa xuân trước. Ngồi lặng lẻ bên bờ đìa có đống vẹm hàng trăm tấn nhưng chỉ còn vỏ, ông Phạm À, một người có thâm niên xót xa kể lại: Chiều 30 Tết, một buổi chiều cuối năm đáng ra phải được nghỉ ngơi để đón một cái tết sung túc vì thông tin vẹm được giá nhất từ trước đến nay, nhưng đùng một cái, cơ nghiệp của gia đình mất hết vì vẹm chết không còn một con. Đầu vụ, gia đình tôi đã đầu tư 2.000 trụ vẹm với số tiền tích góp và vay ngân hàng hơn 30 triệu, cứ nghĩ khi bán với giá vẹm 4.000đồng/kg, trừ mọi chi phí cũng lãi được 40-50 triệu đồng, nhưng giờ vốn và lãi chẳng thu được một xu.

Ông Trần Chảng, trưởng thôn Tân Đảo cho biết, hiện toàn thôn có hơn 200 hộ dân, thì có hơn 50% hộ sống chủ yếu vào nghề nuôi vẹm, hộ đầu tư ít nhất cũng không dưới 20 triệu đống, hộ nhiều nhất thì ba, bốn trăm triệu, những năm qua, nhiều gia đình đã thoát nghèo, mua được xe, xây được nhà, con cái cũng được đến trường nhờ nuôi vẹm, nhưng nay thì khốn đốn rồi. Khi phát hiện vẹm chết, mọi người cũng cố gắng tập trung nhân lực để vớt vát chút ít, nhưng tiền bán vẹm không đủ chi phí thuê nhân công nên bà con nông dân thả nổi cho vẹm chết ở đáy đầm. Theo thống kê ban đầu, đến nay có khoảng hơn 4.000 tấn vẹm chết, thiệt hại 16 tỷ đồng.

Vì sao vẹm chết?

Theo người dân, khu vực vẹm bị chết đầu tiên là ở bãi triều, vẹm chết dần từ cạn ra sâu, nằm cạnh với khu vực bãi thải của cơ sở nuôi heo Việt Thắng (cơ sở này được xây dựng từ 3 năm trước, vào cao điểm có lúc nuôi hàng ngàn con heo).

Được biết, tại khu vực đầm Nha Phu, đây là lần đầu tiên có hiện tượng vẹm chết hàng loạt như vậy, trước đây, nước ở khu vực này rất trong, đáy hồ chỉ có đá và san hô, nhưng ngày chúng tôi đi thị sát với người dân Tân Đảo tại khu vực cống xã của Công ty Việt Thắng, thì ngay mép biển tiếp giáp với khu vực này đã có lớp bùn đen ngòm, dày hơn 1m và có mùi hôi nồng nặc.

Nghiêm trọng hơn, công ty này còn đào một con kênh dài chứa chất thải song song với bờ biển, nhưng đê chắn con kênh này chỉ cao hơn mực nước biển 5 cm, nếu như khi thủy triều dâng, toàn bộ chất thải ở kênh chứa này cũng theo ra biển. Một số người dân ở đây khẳng định rằng: Vào lúc sáng sớm khi thủy triều xuống, họ đã phát hiện hai cống nước thải ngầm có đường kính từ 25-30cm được Công ty Việt Thắng chôn thông ra biển, khi thủy triều dâng, đơn vị này tống chất thải ra ngoài mà chẳng ai hay biết?. 

Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung (thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) đã tiến hành lấy mẫu để phân tích mẫu ở các khu vực gồm: khu vực nuôi vẹm tập trung tại Tân Đảo; khu vực cống thải Công ty Việt Thắng và khu vực ba hồ, khu vực nuôi cá sấu ở gần đó.

Kết quả phân tích mẫu nước, đất cho thấy, mẫu lấy từ cống chất thải Công ty Việt Thắng có hàm lượng hữu cơ và nhu cầu sử dụng ô xy trầm tích đều cao hơn những nơi khác, đặc biệt là ô nhiễm trầm tích vượt mức cho phép. 

Trung tâm đã đưa ra kết luận ban đầu, môi trường ô nhiễm là do trầm tích vùng nuôi, có nghĩa là lượng phân vẹm thải ra bị tích tụ lâu ngày nên ô nhiễm; hai là do thời tiết lạnh và nền đáy dày ảnh hưởng đến lượng ô xy hòa tan… Người dân Ninh Ích đang rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, để đầm Nha Phu sẽ còn được nhiều người biết đến như tên gọi bấy lâu nay!

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục