ĐBSCL: Lúa chất lượng thấp lại “lên ngôi” (?)

Mô hình sản xuất lúa năng suất cao
ĐBSCL: Lúa chất lượng thấp lại “lên ngôi” (?)

Lúa IR 50404 đang “lên ngôi” khi giá bán vượt qua ngưỡng 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, IR 50404 chỉ chịu “lép vế” khoảng 200 đồng/kg so với nhiều loại lúa chất lượng cao. Nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao đâm ra “ghen tị” với những nông dân trồng lúa IR 50404.

Năm ngoái, cánh nông dân trồng lúa IR 50404 khóc hận vì hàng trăm ngàn tấn bán không được và rơi vào cảnh bị ẩm mốc, được ngành nông nghiệp khuyến cáo hạn chế trồng! Giờ phải chăng “gió đã đổi chiều”?

“Lên ngôi” nhờ hên

ĐBSCL: Lúa chất lượng thấp lại “lên ngôi” (?) ảnh 1

Doanh nghiệp đang tăng tốc thu mua lúa - lúa IR 50404 được dịp lên ngôi. Ảnh: C.PHONG

“7 tấn/ha, lúa IR 50404 vụ đông-xuân này trúng bể tay. Nhà mới bán 7 tấn lúa với giá 87.000 đồng/giạ (tương đương 4.350 đồng/kg), tính ra trúng đậm” - anh Trần Văn Hết (Năm Hết) ở Tam Bình – Vĩnh Long không giấu được niềm vui nói với chúng tôi chiều ngày 12-3.

Theo anh Năm Hết, vụ đông-xuân do chạy tìm giống chất lượng cao không được nên đành làm lại lúa IR 50404. Vụ hè-thu, rồi thu-đông năm ngoái, Năm Hết “ôm hận” vì cả trăm giạ lúa không bán được do thu hoạch gặp mưa, lúa ẩm mốc không trữ được lâu!

Không chỉ lúa IR 50404 mà lúa Hàm Trâu cũng bán được giá khá cao. Anh Ba Bảnh, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang vừa thu hoạch xong 5 công lúa đông-xuân cho biết: Thương lái mua lúa Hàm Trâu đến 4.500 đồng/kg, năng suất trên 7 tấn/ha. Vụ này, tính ra làm lúa “ngang” ngon hơn lúa thơm nhiều”.

Nông dân ở Vĩnh Long, gọi lúa IR 50404, Hàm Trâu là lúa thường, còn ở Phụng Hiệp nông dân gọi 2 giống lúa này là lúa “ngang”.

Trong khi đó, nông dân trồng các loại lúa thơm nhẹ, lúa chất lượng cao bán giá chỉ cao hơn 2 giống lúa “ngang” này 200 – 400 đồng/kg, nhưng năng suất lại thấp hơn 1 - 2 tấn. Tính ra, làm lúa “ngang” lãi cao hơn lúa thơm!

Tại Đồng Tháp, năng suất lúa đông-xuân vừa thu hoạch bình quân đạt khoảng 6,7 tấn/ha; còn người trồng lúa IR 50404 năng suất đạt trên 7 tấn/ha, không ít nơi đến 8 tấn/ha.

Vụ đông-xuân 2008 - 2009, khoảng 15% diện tích đất lúa ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang sử dụng giống lúa IR50404 đạt năng suất rất cao (7 - 8 tấn/ha). Ông Nguyễn Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho rằng: Lúa IR50404 có đặc tính ngắn ngày, ít sâu bệnh nhưng cho năng suất cao.

Một công ty lương thực xuất khẩu gạo ở ĐBSCL nhìn nhận: 50% lượng gạo xuất khẩu (từ đầu năm đến nay) của công ty là gạo 25% tấm (cần dạng gạo IR 50404 làm nguyên liệu). Điều này cũng dễ hiểu, bởi các hợp đồng xuất khẩu hiện nay có số lượng lớn gạo 25% tấm. Chuyện lúa IR 50404 lên ngôi có yếu tố “hên”.

Không thể “cấm” trồng lúa IR 50404

Đến giữa tháng 3-2009, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (NNCĐ) – Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm hơn 5.600 ha lúa đông-xuân với năng suất bình quân 6,25 tấn/ha. Điều đáng nói là gần như toàn bộ diện tích đất nói trên đều sử dụng giống lúa thơm Jasmin và được Công ty NNCĐ bao tiêu với giá bình quân 5.000 đồng/kg.

Theo tính toán, giá thành sản xuất lúa ở đây dao động từ 2.500 – 2.700 đồng/kg, hợp đồng viên đạt mức lợi nhuận khoảng 40% so tổng doanh thu. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty NNCĐ cho biết: “Chuẩn bị vào vụ sản xuất mới, chúng tôi sẽ cung cấp giống lúa chất lượng cao cho hợp đồng viên (5.664 ha). Giống lúa IR 50404 sẽ không có cơ hội xuất hiện trên đồng ruộng của công ty”.

“Chúng tôi cũng không biết nói sao với nông dân. Vụ rồi khuyến cáo nông dân hạn chế không trồng lúa IR 50404. Giờ họ trúng mùa, trúng giá ngành nông nghiệp cũng… quê” – một vị lãnh đạo ngành nông nghiệp ĐBSCL nói vui!

Cái khổ của ngành nông nghiệp là vẫn phải tuân thủ khuyến cáo của Bộ NN-PTNT: Nông dân ĐBSCL chỉ nên trồng khoảng 15% - 20% giống lúa chất lượng thấp (có IR 50404, Hàm Trâu)! Song, khi trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp thừa nhận: Khuyến cáo là vậy nhưng đâu ai có quyền cấm dân trồng lúa IR 50404!

Thậm chí có người còn đặt câu hỏi: Có ai kiểm tra đâu mà biết giống lúa IR 50404 chiếm bao nhiêu. Vì vậy, năm ngoái khi hàng trăm ngàn tấn lúa IR 50404 tồn đọng, mới té ra chuyện có địa phương sản xuất lúa IR 50404 đến 50% diện tích.

Thời điểm đó, lúa IR 50404 bạc bụng lại ẩm mốc - không ai mua - nằm ứ đọng trong nhà dân hàng trăm ngàn tấn, cánh doanh nghiệp viện dẫn là do chất lượng. Thậm chí có lúc, người ta phải tính đến phương án mua lúa IR 50404 của nông dân ĐBSCL để chế biến thức ăn cho gia súc!?

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp: Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần khuyến cáo cụ thể để nông dân ĐBSCL nắm thông tin về lúa IR 50404. Đừng để tình trạng lúa IR 50404 có chất lượng thấp tồn đọng không tiêu thụ được như năm rồi khi người dân đổ xô trồng vì được giá ở thời điểm này.

Mô hình sản xuất lúa năng suất cao

(SGGP). – Ngày 12-3, tại An Giang, diễn ra lễ công bố kết quả chương trình “Much More Rice” (tăng năng suất lúa) do Công ty Bayer (chuyên sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp) thực hiện thành công sau gần 3 tháng thí điểm trên vụ lúa đông-xuân ở các tỉnh, thành ĐBSCL.

Chương trình này giới thiệu đến nông dân bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật như Nativo, Antracol… và quy trình sử dụng trong các giai đoạn sinh trưởng có khả năng hạn chế tối đa dịch hại lúa như: bệnh đạo ôn, vàng lá, lép hạt, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá…

Theo đánh giá thực tiễn, diện tích lúa thực hiện đúng quy trình của “Much More Rice” đều cho năng suất bình quân gần 7 tấn/ha; tăng trên 400 kg (khoảng 6%) so với những vụ trước khi tham gia chương trình. Ngoài ra còn giúp nông dân tiết kiệm 50 - 60kg lúa giống/ha; giảm giá thành sản xuất từ 150 – 200 đồng/kg lúa. Dự kiến mô hình sản xuất theo chương trình của “Much More Rice” sẽ được nhân rộng trong vụ lúa hè-thu tới.

Đ.TUYỂN

C.PHONG – Á.DƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục