Chuyện lạ có thật ở Quảng Nam: Phá rừng để… trồng rừng!

Trơ trụi rừng phòng hộ
Chuyện lạ có thật ở Quảng Nam: Phá rừng để… trồng rừng!

Thời gian gần đây, các cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thuộc địa bàn các xã phía Tây huyện Núi Thành trơ trụi gần bên trụ sở lực lượng kiểm lâm. Điều đáng nói là lãnh đạo huyện thừa nhận có phá rừng, còn lực lượng chức năng bảo vệ rừng thì… ngẩn ngơ. Và càng ngạc nhiên hơn là việc phá rừng còn có mục đích… lấy đất trồng rừng!

Chuyện lạ có thật ở Quảng Nam: Phá rừng để… trồng rừng! ảnh 1
Phóng viên Báo SGGP bên một cây gỗ to vừa bị chặt phá tại rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: MINH THANH

Phóng viên Báo SGGP bên một cây gỗ to vừa bị chặt phá tại rừng phòng hộ Phú Ninh. Ảnh: MINH THANH

Trơ trụi rừng phòng hộ

Theo phản ánh của người dân, một ngày đầu tháng 7-2009, chúng tôi có mặt tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành để “mục sở thị” rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Ninh bị tàn sát theo cách nói của một người dân. Để tránh “tai mắt” của lâm tặc, chuẩn bị chuyến đi hôm sau, chúng tôi phải có mặt tại Tam Mỹ Tây từ chiều hôm trước.

Hàng chục ha rừng phòng hộ Phú Ninh (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) bị tàn phá.
Hàng chục ha rừng phòng hộ Phú Ninh (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) bị tàn phá.

5 giờ sáng, một người dân tự nguyện dẫn chúng tôi đến xem tận mắt cảnh rừng phòng hộ đầu nguồn Phú Ninh bị tàn sát. Ngụy trang người làm rừng, băng bộ đường rừng mất hơn 2 giờ, qua những ngọn núi cao “cằm chạm gối” theo lối mòn hoặc phải tự phát đường để tránh “tai mắt” của lâm tặc.

Trước mắt chúng tôi là những cánh rừng đầu nguồn trơ trụi trong màu nâu của đất, màu đen của tro và lởm chởm, ngổn ngang cây rừng. Những cánh rừng tự nhiên loang lổ như da beo vì bị phá, đốt. Tại một khoảnh rừng rộng hơn 2ha, nhiều gốc cây chừng 1 người ôm với vết cắt còn tươi rói, bên cạnh là cây gỗ dài hàng chục mét với đường kính từ 30 - 40cm nằm vắt vẻo trên sườn núi.

Tiếp tục vượt qua một vực sâu, rồi qua những đỉnh núi cao hơn, lại thêm những cánh rừng bạt ngàn bị chặt phá với diện tích và thân cây rừng lớn hơn… bị đốt cháy từ chân cho đến đỉnh núi. Thay vào màu xanh trước đây, nay rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Ninh được thay bằng một “chiếc áo nâu” của sự trơ trụi, trọc lóc.

Chỉ tay về những cánh rừng không còn cây xanh, người dẫn đường bức xúc: “Toàn bộ những sườn núi này đều bị chặt phá một cách không thương tiếc. Họ đang giết rừng và cũng đang “giết” hồ Phú Ninh và “giết” cả người dân chúng tôi. Ước tính diện tích mới bị tàn phá thời gian gần đây ít nhất là hơn 20ha. Phải mất ít nhất 10 tiếng đồng hồ các anh mới đi hết các nơi rừng bị tàn phá.”

Cùng cảnh ngộ với những cánh rừng trên, nhiều ha rừng tại tiểu khu 613 và 614 rừng phòng hộ Phú Ninh (thuộc hố Đá Mài, thôn 8, xã Tam Trà), đoạn giáp ranh với thôn 10, xã Tam Mỹ Tây cũng bị tàn sát thảm hại.

Một số người đã lợi dụng việc làm đường dân sinh cho đồng bào dân tộc Cor nơi đây để “luôn tiện” làm đường vào rừng… khai thác gỗ trái phép. Một người dân bức xúc bởi một nhóm người đã tự tiện đưa xe đào, xe tải vào chặt phá rừng phòng hộ với đường kính cây gỗ bị chặt từ 40 - 50cm để… làm đường.

Thuê bảo kê để phá rừng

Người dẫn đường cho chúng tôi biết, toàn bộ diện tích rừng này bị tàn phá bởi 2 lẽ, đó là để lấy gỗ và để… lấy đất trồng rừng. Chuyện “phá rừng để trồng rừng” rất vô lý nhưng lại đang diễn ra như rất có lý tại Quảng Nam.

Khi hỏi về chuyện phá rừng hiện nay ở Tam Mỹ Tây và Tam Trà, người dân địa phương mặc dù rất phẫn nộ nhưng cũng rất dè dặt vì họ sợ “lâm tặc” sẽ trả thù. Tuy nhiên, sau một đêm thuyết phục, họ mới cho biết hầu hết những người phá rừng để trồng rừng nơi đây hoặc là những người giàu có hoặc là cán bộ thôn, xã… đứng “đằng sau” rồi giao tiền cho một người tên T. là người địa phương vừa đi tù về đứng ra “bảo kê” và thuê người làm.

Chính vì thế, người dân nơi đây mặc dù biết chuyện phá rừng, biết người phá rừng nhưng không hề dám “hé răng” với cơ quan chức năng vì sợ “rước họa vào thân”. “Từ 5 giờ chiều trở đi, lâm tặc có khi dùng xe máy chở những phách gỗ to và dài từ 1,5 - 2m chạy ngang nhiên trên đường, có khi dùng cả xe tải chở những cây gỗ to có đường kính 40 - 50cm và dài 4 - 5m chạy trên đường lộ để về xuôi.

Cây gỗ to đùng và dài ngoằn được chở giữa thanh thiên bạch nhật chứ có phải là cây kim, sợi chỉ gì đâu mà cơ quan chức năng không biết? Trong khi đó, một trạm liên ngành gồm kiểm lâm, công an, thuế vụ... đóng cách nơi rừng bị tàn phá chừng vài kilômét với gần chục con người để làm gì ?” – một người dân bức xúc.

Chính quyền địa phương lúng túng

Mang những bức xúc của người dân Tam Mỹ Tây và Tam Trà đến gặp các lực lượng chức năng, nhưng tất cả cũng chỉ… ngẩn ngơ. Trạm đầu tiên chúng tôi đến là Đội kiểm tra liên ngành của huyện Núi Thành đóng tại xã Tam Mỹ Tây. Tuy nhiên, khi đến đây, 2 cán bộ của đội liên ngành cho biết, đội trưởng đi vắng, cán bộ kiểm lâm địa bàn cũng đi vắng nên không thể cung cấp thông tin.

Điểm thứ 2 chúng tôi đến là Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành. Thật ngạc nhiên, cả Hạt Kiểm lâm nhưng chỉ duy nhất có 1 người ngồi trong phòng kế toán trực và người này cho biết lãnh đạo hạt đi vắng cả. Khi chúng tôi liên lạc qua điện thoại thì lãnh đạo hạt kiểm lâm này hẹn… tuần sau gặp vì đang ở xa.

Tiếp đến, chúng tôi liên lạc với ông Huỳnh Đức, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Phú Ninh, thì ông cho biết, đang… ở xa nên không gặp được. Cuối cùng, chúng tôi phải liên lạc với ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, thì mới có thể làm việc được.

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Minh Khả thừa nhận việc tàn phá rừng ở Tam Trà và Tam Mỹ Tây là có thật. UBND huyện Núi Thành đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, báo cáo. Tuy nhiên, theo báo cáo của tổ công tác, quá trình kiểm tra không có mặt đối tượng vi phạm; các ban ngành của thôn, xã không cung cấp thông tin về đối tượng vi phạm rõ ràng, không nêu chính xác được tên tuổi, địa chỉ của người vi phạm. Chính vì thế, việc xử  lý những đối tượng phá rừng là không thể thực hiện được vì… không tìm ra đối tượng phá (!?).

Theo ông Khả, một nguyên nhân khác dẫn đến rừng bị tàn phá là do chính sách bảo vệ rừng hiện nay có nhiều bất hợp lý. Điển hình là BQL rừng phòng hộ Phú Ninh hiện chỉ có 11 cán bộ (kể cả ban giám đốc, kế toán và lái xe) nhưng phải quản lý đến 3.000ha rừng. Chính vì thế, cán bộ kiểm lâm địa bàn không thể quản hết địa bàn với một diện tích rừng quá lớn.

Tuy nhiên, người dân và dư luận lại đặt câu hỏi, đường nào để lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng trong khi đội liên ngành chốt giữ gần đó, nếu không có sự tiếp tay của những người có trách nhiệm? Câu trả lời xin nhường cho các cơ quan chức năng.

Nguyên Khôi

Phá rừng, bị phạt 9 tháng tù

TAND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vừa mở phiên tòa lưu động xét sử sơ thẩm vụ án hình sự bị cáo Hồ Văn Bang (SN 1964) về tội hủy hoại rừng. Theo cáo trạng, tháng 2-2009, Hồ Văn Bang cùng vợ, con vào tiểu khu 683 thuộc khu vực rừng 48 xã Phước Chánh để phát rừng làm nương rẫy.

Gia đình Hồ Văn Bang đã phá 6.818m² rừng đặc dụng, làm thiệt hại 28 cây gỗ từ nhóm 1 đến nhóm 7, với khối lượng lên đến 48,634m³, mức thiệt hại ước tính hơn 102 triệu đồng. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Hồ Văn Bang 9 tháng tù giam.

Ng.Hùng

Tin cùng chuyên mục