Đồng bằng sông Cửu Long – Mùa không nước nổi

Đồng bằng sông Cửu Long – Mùa không nước nổi

Những ngày này, khi đồng bào miền Trung phải căng mình hứng chịu những cơn bão lũ, ở miền Tây Nam bộ, người dân lại mong đợi nước lên từng ngày. Ví von như những lão nông ở đây: miền Trung bão lũ là thiên tai, còn miền Tây không có lũ cũng là thiên tai…

Bài 1: Lũ không về!

Hàng năm, ở miền Tây, từ tháng 8 đến tháng 10, nước ngập trắng đồng, nhất là các tỉnh giáp ranh với nước bạn Campuchia như Long An, Đồng Tháp, An Giang… và người dân miền Tây quen gọi mùa nước nổi. Nhưng năm nay, đã giữa tháng 10 chẳng thấy nước về, người dân “rầu thúi ruột” vì “mất trắng” một mùa làm ăn!

Ngóng... nước lên

Ông Nguyễn Văn Thanh, một lão nông tri điền ở huyện Tân Hưng tỉnh Long An, than vãn: “Tụi tui đợi mấy tháng nay rồi, tới giờ cũng không có nước. Năm nào cũng như vầy chắc tụi tôi… chết khô”. Bà Lài, một nông dân ở huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp, cũng than tương tự. Còn anh Thành ở thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, buồn rầu: “Tụi tui sống được nhờ mùa nước. Năm nay nước ít như vầy… chắc “đi đứt” một mùa làm ăn nữa rồi”. Theo người dân, không có nước “khổ dữ lắm”. Người làng nghề chuyên sản xuất lọp lờ, xuồng ghe… nếu không có nước xem như “bó tay”. Nhà nông cũng khốn khó khôn cùng, nước không lên đồng nghĩa với dự báo mùa vụ đông-xuân tới gặp nhiều bất trắc.

Đồng ruộng khô nước.

Đồng ruộng khô nước.

Quả thật, có đi xuyên qua vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, rồi vượt sông Tiền, sông Hậu về vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên thuộc 3 tỉnh, TP An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang, chúng tôi mới hiểu được phần nào nỗi lo lắng của người dân nơi đây. Năm nay nước trên đồng chỉ mới lấp ló bờ, nơi trũng nhất nước cũng chỉ vượt qua được ranh ruộng. Ai đến đây lần đầu chắc không nghĩ đây đang mùa nước nổi ở miền Tây.

Trên đồng “bói” không ra nước nên cỏ dại mọc um tùm. Dưới kinh, rạch nước cũng “lững lờ trôi”, nên có nơi bèo, cỏ dại đã lấp kín dòng. Ngay hai con sông Tiền, sông Hậu, đoạn chảy qua Hồng Ngự của Đồng Tháp; Tân Châu, Châu Đốc của An Giang, mực nước cũng chỉ lấp sấp dưới mé sông. Anh bạn đồng nghiệp quê Quảng Bình, lần thứ hai đến vùng lũ ở miền Tây cũng không khỏi ngạc nhiên, thảng thốt hỏi: “Lũ ở đây cũng lạ hỉ. Năm 2000 nước lên “kinh” thế, bây giờ sao chẳng thấy đâu?”.

Mùa thất thu

Thật lòng, sau mấy ngày chu du vùng lũ miền Tây, nghe người dân than thấy nao lòng. Như anh Thủy, 45 tuổi, quê ở Tam Nông (Đồng Tháp), đến sinh sống tại xã Vĩnh Thuận huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An trên 10 năm nay, than thở: “Mấy năm trước, lúc đó ngày nào kiếm cũng được 70.000 – 80.000 đồng từ mấy cái dớn. Nay mỗi ngày, giỏi lắm kiếm cá đủ ăn cho cả nhà”. Nhà anh Thủy nghèo, không đất sản xuất nên phải tha phương cầu thực. Mùa khô vợ chồng con cái làm công mướn, kiếm sống qua ngày.

Một hộ sản xuất lọp cua ở Mỹ Đức (huyện Châu Phú - An Giang) lo ngại không tiêu thụ được sản phẩm.

Một hộ sản xuất lọp cua ở Mỹ Đức (huyện Châu Phú - An Giang) lo ngại không tiêu thụ được sản phẩm.

Đến mấy tháng nước nổi, cuộc sống gia đình có khá hơn, nhờ mấy con cá. Anh nói vui, chỉ mấy tháng nước mình được “làm chủ” chính mình, tự đi bắt cá kiếm thêm thu nhập chứ không làm công làm mướn cho người ta. Còn anh Hiểu ở xã Vĩnh Thạnh huyện Tân Hưng (Long An), nhăn nhó: “Trước đây, mỗi ngày tôi kiếm cũng được gần 100.000 đồng từ 100 cái lọp cá. Năm nay coi như “treo mỏ” rồi”. Theo anh Hiểu, nước lên, ngoài chuyện kiếm cá ăn hàng ngày, sau mỗi mùa nước gia đình anh còn tích lũy được vài triệu đồng để lo làm ruộng vụ đông-xuân, lo tiền học cho con. Năm nay coi như “trớt quớt”.

Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn An Giang, cho biết: Đến cuối tháng 9, mực nước tại Tân Châu (sông Tiền) mới đạt 2,89m. Còn tại Châu Đốc (trên sông Hậu) cũng chỉ đạt 2,42m. Dự báo đến giữa tháng 10, đỉnh lũ có thể đạt từ 3 - 3,1m, thấp hơn cùng kỳ hàng năm. Như vậy, có thể nói năm nay miền Tây chắc chắn không có lũ.

Ngay như anh Hòa, từ Tiền Giang đến vùng lũ Đồng Tháp Mười kinh doanh chuột đồng mùa lũ cũng méo xẹo than: “Mấy năm trước, mỗi ngày tôi thu gom gần nửa tấn chuột sống, đem bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu ở Tiền Giang, TPHCM, Cần Thơ… mỗi ký kiếm lời 2.000 – 3.000 đồng. Năm nay kiếm chuột để nhậu cũng trần ai nói chi đến chuyện đem bán”. Chị Thanh bán cá dạo ở xã Lê Chánh huyện Tân Châu (An Giang) cũng cho biết, cá đồng năm nay rất hiếm, do nước không nhiều. Mùa lũ trước, mỗi ngày chị bán vài chục ký cá, nay phải lấy mối cá nuôi bán dạo, lâu lâu mới mua được vài ký cá đồng để bán, mà cá cũng tí tẹo, ốm nhom.

Năm nay, không chỉ những người ăn theo lũ bằng nghề câu lưới… bị mất trắng, mà cả những làng nghề ăn theo mùa lũ cũng tiêu điều. Như làng nghề đóng xuồng ở Long Hậu (huyện Lai Vung - Đồng Tháp), ở Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới - An Giang); làng lưỡi câu ở Mỹ Hòa (TP Long Xuyên); làng lọp cua Mỹ Đức (huyện Châu Phú - An Giang)… cũng đìu hiu, xơ xác vì ế ẩm, đời sống người lao động cũng gặp nhiều khó khăn… Ngay ngành du lịch ăn theo mùa lũ mở tour mấy năm gần đây cũng ế ẩm.

ĐĂNG NGUYÊN – TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục