Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận còn kéo dài nhiều ngày

• 5 người chết và mất tích, gần 6.000 ha lúa, màu bị ngập 
Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận còn kéo dài nhiều ngày

• 5 người chết và mất tích, gần 6.000 ha lúa, màu bị ngập 

(SGGPO).- Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương,  từ tối và đêm nay, 1-11, mực nước trên sông các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục lên. Đợt lũ này có thể kéo dài nhiều ngày và các sông từ Thừa Thiên-Huế đến đến Ninh Thuận có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận.

Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận còn kéo dài nhiều ngày ảnh 1

Hàng trăm căn nhà ở phía đê sông Dinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận bị ngập nước 90%. Ảnh: An Bình

Dự báo Lũ các sông ở Ninh Thuận và bắc Bình Thuận tiếp tục lên và ở mức cao. Chiều tối nay, 1-11, mực nước Sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ lên mức 39,5m, trên báo động 3 là 1,5m; tại Phan Rang lên mức 5,3m, trên báo động 3 là 0,8m (tương đương đỉnh lũ năm 2003). Lũ tại Sông Lũy lên mức 28,0m (báo động 3).

* Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận, tính đến ngày 1-11, mưa lũ đã làm 3 người chết (Khánh Hòa); 4 người mất tích (Phú Yên 1 người, Bình Định 1 người, Khánh Hòa 1 người và Ninh Thuận 1 người). Có 453 nhà bị sập đổ (Khánh Hòa 450 nhà, Ninh Thuận 3 nhà), 114 nhà bị ngập, tốc mái (Khánh Hòa 1 nhà, Ninh Thuận 113 nhà). Diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, hư hại là 5.961ha (Khánh Hòa: 528ha, Ninh Thuận: 5.433ha).

Tỉnh Bình Định có tàu BĐ 50377-TS (với 10 ngư dân) bị hỏng máy tại vùng biển Trường Sa hiện đã liên lạc được và đang neo đậu. Tàu BĐ96247-TS (với 8 ngư dân) bị gẫy lái trôi dạt ra vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), đã cứu hộ được 7 người, 1 người đã tìm được thi thể. Tàu BĐ 30462 gãy chân vịt ở tọa độ 9,5 độ vĩ bắc 107,3 độ kinh đông hiện đang liên lạc với trực canh Biên phòng Vũng Tàu. Khánh Hòa có 1 tàu bị đánh chìm ở cầu Bóng. Tại Ninh Thuận trôi 1 xà lan của Hàn Quốc đang neo đậu tại cảng cá Đông Hải. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 tàu bị nạn (BV5696 và BV0033) với 23 lao động ở khu vực cách Vũng Tàu khoảng 12 hải lý. Các tàu này đã được cứu nạn, nhưng còn 1 thuyền viên mất tích.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương thường xuyên thông báo tình hình thời tiết nguy hiểm, diễn biến lũ để các tỉnh tổ chức theo dõi, chủ động tham mưu và chỉ đạo các biện pháp phòng tránh. Trong đó nhấn mạnh việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, tổ chức lực lượng cứu hộ tại chỗ (cần triển khai đến tận cấp xã, phường) tại những khu vực thường xuyên bị chia cắt khi có lũ để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Các tỉnh ven biển tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó với lũ và thời tiết nguy hiểm theo nội dung công điện số 32CĐ/PCLBTW ngày 30-10-2010 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và công văn số 347/PCLBTW ngày 30-10-2010 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLBTW. Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức di dời 1.137 hộ/4.548 người, Khánh Hòa di dời 270 hộ/1.034 người đến nơi an toàn.

Đến sáng 1-11, diện tích ngập lụt tại các tỉnh đã giảm nhiều. Hiện chỉ còn một số vùng hạ lưu các sông tại Khánh Hòa và Ninh Thuận còn bị ngập cục bộ nhưng không bị chia cắt. Các hồ chứa nước thủy lợi trong khu vực từ Phú Yên đến Ninh Thuận hiện đảm bảo an toàn và đang chủ động vận hành xả tràn theo đúng quy trình.

Về giao thông: Đường quốc lộ 1A và 25 đã thông xe; đường sắt K1320+700 khu vực đèo Cả thuộc tỉnh Khánh Hoà đã thông tàu bước 1 vào 13 giờ 30 ngày 31-10. Các tuyến đường tránh 642, 643, 644, 645, 647 bị ngập một số đoạn tại các tràn từ 0,7-0,8m gây ách tắc giao thông, một số đoạn mặt đường xói lở, sình lún gây ùn tắc, đi lại khó khăn. Trên quốc lộ 1A và quốc lộ 27, tỉnh lộ và các tuyến đường liên huyện, liên xã của tỉnh Ninh Thuận một số vị trí bị nước lũ tràn qua qua đường gây ngập sâu từ 0,1m-0,5m. Lực lượng Công an và các lực lượng xung kích đã tổ chức hướng dẫn đảm bảo giao thông an toàn. Đến 7 giờ ngày 1-11, hầu hết các tuyến đường đã hết ngập, các địa phương vẫn đang tiếp tục khắc phục sự cố sạt lở để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong ngày 1-11, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và nhiễu động trong đới gió đông vẫn còn hoạt động mạnh, vùng áp thấp đang có xu hướng di chuyển về phía tây ở khu vực giữa và nam Biển Đông có gió mạnh cấp 7 – 8, giật trên cấp 8. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7; kèm mưa dông, sóng biển cao từ 3 – 5m; biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông.

Nguyễn Hùng - TTX

>> Mưa lũ làm một người chết ở Đức Trọng, Lâm Đồng

Tin cùng chuyên mục