Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thị sát, chỉ đạo khắc phục thiên tai tại Nam Trung bộ

Khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với đợt mưa lũ mới

* 15 người chết và mất tích * Xuất hiện thêm vùng áp thấp tại biển Đông
Khắc phục hậu quả, chủ động ứng phó với đợt mưa lũ mới

* 15 người chết và mất tích

* Xuất hiện thêm vùng áp thấp tại biển Đông

Ngày 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã thị sát tình hình thiên tai và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Tại Ninh Thuận, đến thăm thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nơi nước lũ tàn phá, gây thiệt hại lớn về cây trồng vật nuôi, Chủ tịch nước xúc động, chân tình thăm hỏi bà con, chia sẻ những mất mát, thăm hỏi người già trẻ em, chúc mừng bà con đã vượt qua những khó khăn từ cơn lũ dữ. Chủ tịch nước cũng đã tặng một số phần quà cho các gia đình có nhiều khó khăn sau lũ và hỗ trợ cho thôn Thuận Lợi 200 triệu đồng để cứu trợ cho đồng bào.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và tặng quà nhân dân vùng lũ tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VĂN NGỌC

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm và tặng quà nhân dân vùng lũ tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VĂN NGỌC

Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch nước yêu cầu nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bà con, nhất là nhà cửa, lương thực, nước uống, vệ sinh môi trường, thuốc chữa bệnh; động viên bà con đoàn kết giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, không để người dân nào không có nơi ở, lạnh rét hoặc thiếu đói tại các địa phương. Trước mắt, đặc biệt là giống cây trồng; khôi phục lại hạ tầng như đường sá, đê điều, nhất là trường học, bảo đảm các hoạt động trở lại bình thường để ổn định đời sống cho dân.

Hỗ trợ khẩn cấp thuốc khử trùng, hóa chất xử lý nước

Ngày 3-11, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công văn gửi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, đề nghị phối hợp trong việc vận chuyển khẩn cấp một số hàng cứu trợ cho các tỉnh Nam Trung bộ đang đối phó với đợt mưa lũ lớn diễn ra hiện nay.

Theo đó, số hàng này sẽ được vận chuyển khẩn cấp trong tối 3-11 và sáng 4-11, qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) và sân bay Đông Tác (Phú Yên). Khánh Hòa sẽ nhận hơn 800kg Cloramin B và 700kg hóa chất xử lý nước, Ninh Thuận được hỗ trợ 700kg hóa chất xử lý nước và Phú Yên sẽ nhận trên 1.000kg Cloramin B, 700kg hóa chất xử lý nước. Đây là nguồn viện trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho Việt Nam.

Tính đến chiều ngày 2-11, nước lụt đã làm ngập nặng hơn 5.150 ngôi nhà, 454 nhà bị sập, đổ, hư hỏng; 3 người chết, 1 người mất tích; gần 13.000 ha cây trồng bị ngập; hàng chục ngàn gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi... Ước tổng thiệt hại ban đầu khoảng 800-900 tỷ đồng.

Làm việc với tỉnh Khánh Hòa chiều 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đã tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp ứng phó, hạn chế các thiệt hại do mưa lũ gây ra; đồng thời biểu dương chính quyền cơ sở trong tỉnh cùng với người dân đã chủ động, tích cực và đoàn kết vượt qua khó khăn, tổ chức cứu người, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

Chủ tịch nước lưu ý, theo dự báo thời tiết, trong vài ngày tới còn có đợt mưa lớn, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục cảnh giác, sớm triển khai các biện pháp ứng phó. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Tỉnh Khánh Hòa là trọng điểm kinh tế của miền Trung, nhất là trên lĩnh vực du lịch, do đó chính quyền tỉnh cần sớm khắc phục về cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các doanh nghiệp sớm ổn định kinh doanh, sản xuất. Trung ương sẽ đáp ứng các yêu cầu của tỉnh về việc cấp 500 tấn gạo để cứu đói cho dân; hỗ trợ lúa giống, rau giống và thuốc khử trùng; đồng thời hỗ trợ sớm 30 tỷ đồng giúp Khánh Hòa khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cam Thịnh Đông (thị xã Cam Ranh) và xã Vĩnh Trung (TP Nha Trang), tặng quà cho một số gia đình thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt này. Bộ Công an đã trao tặng 100 triệu đồng từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để Khánh Hòa hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.

Phải 4 - 5 người mới khiêng hoặc dắt được xe máy qua đoạn sạt lở trên đèo Hòn Giao thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) . Ảnh: NAM VIÊN

Phải 4 - 5 người mới khiêng hoặc dắt được xe máy qua đoạn sạt lở trên đèo Hòn Giao thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) . Ảnh: NAM VIÊN

Tại Khánh Hòa có 5 người chết, 1 người mất tích, 2 bị thương; gần 9.200 ngôi nhà ngập sâu trong nước... Tổng thiệt hại ước tính 300 tỷ đồng.

Làm việc với tỉnh Phú Yên chiều tối cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh tinh thần đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên trong công tác đối phó và khắc phục hậu quả lũ lụt, cố gắng giảm thiểu thiệt hại về người và của.

Chủ tịch nước yêu cầu các cấp chính quyền, nhân dân Phú Yên chuẩn bị mọi phương án để ứng phó với đợt mưa lũ mới trong vài ngày tới khi đợt áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang hướng vào đất liền. Theo dự báo, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp đợt áp thấp nhiệt đới này là các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Phú Yên.

Song song với công tác chuẩn bị ứng phó, Chủ tịch nước chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Phú Yên tập trung cứu đói, cứu rét cho người dân vùng lũ. Chính phủ sẽ cung ứng lương thực cứu đói giáp hạt cho dân, Bộ NN-PTNT sẵn sàng cung ứng giống cây trồng cho người dân vùng lũ phục hồi sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có 4 người chết và một người bị mất tích; gần 2.100 ngôi nhà dân bị ngập trong nước lũ; hơn 2.200ha các loại cây trồng bị ngập úng, ngã đổ; nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở... Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại về vật chất tại tỉnh Phú Yên trên 95 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Trung tướng Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ Công an đã trao 100 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an đóng góp ủng hộ đồng bào vùng lũ tỉnh Phú Yên.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, khu vực cuối trên tuyến đường sắt Thống Nhất bị hư hỏng do mưa lớn tại các tỉnh Nam Trung bộ là đoạn đường sắt Lương Sơn - Nha Trang đã được thông xe vào chiều ngày 3-11, chính thức khai thông chạy tàu trên toàn tuyến đường sắt Thống Nhất sau gần 5 ngày gián đoạn.

Tổng công ty cũng cho hay, ngay sau khi toàn tuyến Thống Nhất được khai thông, ga Nha Trang đã tổ chức phục vụ 13 chuyến tàu khách Thống Nhất; trong đó có 7 đoàn tàu số chẵn (đi Hà Nội) và 6 đoàn tàu số lẻ (đi Sài Gòn) qua ga Nha Trang an toàn.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến 7 giờ sáng 3-11, giao thông trên các tuyến quốc lộ trong khu vực Nam Trung bộ cũng đã cơ bản được phục hồi. 

Xuất hiện thêm một vùng áp thấp ngoài biển Đông

Hồi 19 giờ ngày 3-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,4 đến 12,4 độ vĩ Bắc; 110,2 đến 111,2 độ kinh Đông, cách bờ biển Phú Yên - Ninh Thuận 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 - 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 19 giờ ngày 4-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 đến 12,0 độ vĩ Bắc; 109,4 đến 110,4 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 - 49km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió Đông Bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 - 10 và có mưa dông mạnh. Biển động rất mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to đến rất to. 

*****

Quảng Ngãi: Cứu nạn thành công một tàu đánh cá
 
 
Sáng 3-11, đại tá Ngô Duy Mười, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Tối ngày 2-11, tàu của Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi) đã vượt sóng to gió lớn ra khơi cứu nạn, lai dắt thành công chiếc tàu đánh cá QNg 1013-TS cùng 7 ngư dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vào bờ an toàn.

Trước đó, trưa ngày 1-11, tàu cá QNg 1013-TS do ông Phạm Chí Tâm làm thuyền trưởng, trên tàu có 7 ngư dân, bị chết máy trôi dạt trên biển với vận tốc khoảng 4 hải lý/giờ. Trên tàu cá này các ngư dân đã điện cho các tàu cá có công suất lớn ra cứu nạn nhưng sóng quá lớn không có tàu nào dám ra cứu. Chính quyền xã Bình Đông đã báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi để cho tàu ra cứu tàu cá và 7 ngư dân nêu trên.

 

NHÓM PV

Thông tin liên quan

>> Các tỉnh Nam Trung bộ tập trung ứng cứu dân vùng lũ

>> Mưa, lũ hoành hành các tỉnh Nam Trung bộ: Thủ tướng yêu cầu không để người dân bị đói, khát

>> Cứu hộ 3 tàu cá Bình Định gặp sự cố trên biển

>> Phú Yên lại đối mặt với lũ dâng cao

>> Các tỉnh Nam Trung bộ đối mặt với đợt lũ đặc biệt lớn

Tin cùng chuyên mục