Lũ lụt hoành hành Trung Trung bộ

Quảng Ngãi: Lại sạt lở núi
Lũ lụt hoành hành Trung Trung bộ
  • 7 người chết, 10 người bị thương
  • Vật lộn cứu người trong lũ

Theo tin từ Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Trung Trung bộ, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường và hoạt động mạnh của đới gió Đông trên cao, hôm qua ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Chiều tối 16-11, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam vượt mức báo động 2; ở Quảng Ngãi vượt mức báo động 3. Dự báo, lũ trên các sông ở miền Trung tiếp tục lên và vượt mức báo động 3.

Bà Đào Thị Tương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được đưa ra khỏi nhà sau 2 ngày dầm trong lũ. Ảnh: Hà Minh

Bà Đào Thị Tương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) được đưa ra khỏi nhà sau 2 ngày dầm trong lũ. Ảnh: Hà Minh

Quảng Ngãi: Lại sạt lở núi

Ở Quảng Ngãi nước lũ dâng cao làm ngập cầu sông Liên, trên quốc lộ 24 đi Kon Tum qua địa phận thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Cầu tạm để thi công cầu Tài Năng trên tuyến quốc lộ 24 cũng bị nước lũ cuốn trôi mố cầu, gây ách tắc giao thông tại hai điểm này. Tại huyện đảo Lý Sơn, mưa to kèm theo gió lớn khiến hàng chục hécta hành tỏi ở xã đảo An Bình đang kỳ thu hoạch bị hư hại. UBND huyện đảo Lý Sơn quyết định xuất 1 tấn gạo dự trữ, hỗ trợ mỗi nhân khẩu hơn 3kg.

Ngày 16-11, do mưa lớn kéo dài, một vụ sạt lở núi với khối lượng hàng ngàn m3 đất đá đổ ập xuống khu dân cư Giếng Hồ thuộc thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn. Lượng đất đá sạt lở đã vùi lấp căn nhà của bà Huỳnh Thị Môn và gây nứt vách, sạt đổ tường nghiêm trọng đối với hàng chục ngôi nhà khác trong khu tái định cư.

Nước lũ dâng cao khiến nhiều đoạn đường trên tuyến QL1A đã bị ngập nước. Hiện tại CSGT tỉnh Quảng Ngãi đang dẫn đường cho từng chiếc xe đi qua những đoạn đường này. Dự báo trong đêm nay, khi mực nước các con sông vượt trên báo động 3, QL1A sẽ bị gián đoạn giao thông.   

Huyện Bình Sơn là vùng bị lũ nặng nhất. Đến chiều 16-11, toàn huyện có 2 người chết, 9 người bị thương; 21 nhà sập hoàn toàn, 13 nhà hư hỏng nặng; hàng ngàn hécta lúa và hoa màu bị ngập trong nước; 1 tàu bị chìm; hơn 42km đường bị sạt lở; 3 trường học bị hư hỏng; 1.200 giếng nước bị ngập. Ước tổng thiệt hại hơn 72 tỷ đồng.

Thủy điện xả lũ, TP Huế chìm trong nước

Ngày 16-11, tại Thừa Thiên- Huế lũ hạ du lên nhanh do mưa lớn ở thượng nguồn đổ về hồ thủy điện Bình Điền (sông Hương) với lưu lượng 1.442m³/giây và hồ thủy điện Hương Điền (sông Bồ) lớn nhất 4.700m³/giây buộc cả hai thủy điện xả lũ vào ban ngày. Đến chiều, TP Huế ngập sâu trong nước, có nơi ngập 0,5 - 1m, hàng ngàn nhà dân phải di chuyển lên cao tránh lũ, các trường học tạm đóng cửa.

Đã có 3 người chết do lũ cuốn trôi, 1 người bị thương. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lên kế hoạch di dời hơn 20.000 dân trong vùng lũ quét, sạt lở đến nơi ở an toàn. Đồng thời chỉ đạo các địa phương chuẩn bị thuốc men, nhu yếu phẩm tại chỗ, sẵn sàng đối phó với mưa lũ đang diễn biến phức tạp.

Quảng Nam: 3 người chết, sơ tán 3.000 dân

Sáng 16-11, cầu Gò Nổi còn gọi là cầu Đen (huyện Duy Xuyên) trên tuyến ĐT610B nối QL1A với 3 xã Gò Nổi huyện Điện Bàn bị sụt nhịp tại trụ số 5 và số 6 khiến giao thông ách tắc. Cơ quan chức năng đã bố trí lực lượng cấm người và phương tiện lưu thông qua lại để đảm bảo an toàn.

Lũ ở sông Thu Bồn và Vu Gia ngấp nghé báo động 3 khiến nhiều xã huyện Đại Lộc bị ngập sâu trong lũ. Giao thông nối các xã này với trung tâm huyện bị chia cắt toàn bộ. Đến cuối ngày 16-11, toàn huyện đã sơ tán được hơn 3.000 dân vùng trũng thấp. Lũ gây ngập và cô lập nhiều xã ở 2 huyện miền núi Nông Sơn, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam. Huyện Nam Trà My đã bố trí 40 tấn gạo dự trữ tại các điểm xã: Trà Nam, Trà Cang, Trà Doong và Trà Vân để phục vụ cho 10 xã của huyện.

Đợt lũ làm 2 người chết tại huyện Tiên Phước. Chiều 16-11, ông Trần Thành Cảnh (SN 1931, trú thôn Thuận Mỹ, Đại Phong, Đại Lộc) trong khi dọn lụt đã bị ngã chấn thương sọ não, tử vong.

Khoảng 22 giờ ngày 15-11, ô tô khách do tài xế Nguyễn Văn Nam (SN 1967, trú TP Vũng Tàu) điều khiển chạy tuyến Nghệ An - TPHCM, khi đến Km985 + 900 QL1A (thuộc địa bàn xã Tam An, huyện Phú Ninh) do trời mưa to, đường trơn, mất lái, xe lao xuống vùng nước lũ. Gần 30 hành khách trên xe đã kịp thời phá cửa thoát ra. Đến sáng 16-11, cảnh sát giao thông và các cơ quan chức năng huyện Phú Ninh đã trục vớt xe khỏi mặt nước.

Bình Định: Lũ quét dữ dội

Từ 21 giờ đến 23 giờ đêm 15-11, một cơn lũ quét bất ngờ xảy ra tại huyện miền núi An Lão (Bình Định) khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn bị sạt lở nặng. Có khoảng gần 4.000m³ đất đá trên núi đổ xuống các tuyến đường An Hòa - An Toàn, tuyến từ trung tâm huyện An Lão đi xã An Vinh bị sạt lở... 6 trụ sở UBND các xã An Vinh, An Nghĩa, An Dũng, An Quang, An Toàn, An Hưng bị tốc mái, dột ướt. Nhiều khu dân cư tại các thôn Trà Cong, Vạn Long, Vạn Khánh, Xuân Phong Nam… của xã An Hòa bị ngập 0,5 - 0,7m, giao thông bị ách tắc nhiều nơi.

Nhóm PV

Quảng Ngãi: Vật lộn cứu người trong lũ

Chiều 16-11, khi mưa vẫn xối xả, nước lũ dâng nhanh, chúng tôi xoay xở tìm cách về với rốn lũ Bình Chương. Hơn 4 giờ vật lộn với lũ dữ, 8 cán bộ chiến sĩ của Huyện đội Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã tiếp cận và cứu hai hộ gia đình 9 người, trong đó có 2 cụ bà, 4 trẻ em… trong điều kiện tối trời và nước lũ ngấp nghé nóc nhà.

Gian nan tiếp cận

Tất cả các tuyến đường đều bị nước lũ chia cắt. Làng mạc lẻ loi giữa nước lũ. 16 giờ ngày 16-11, chiếc ca nô chuyên dụng của Lữ đoàn 270 Quân khu 5 hỗ trợ được Huyện đội Bình Sơn sử dụng đem theo 8 cán bộ chiến sĩ ngược lũ về với Bình Chương, nơi rốn lũ đang hoành hoành; nơi bà con đang cầu cứu. Đường về Bình Chương trắng băng. Chiếc ca nô như bị ngộp nước, gồng mình vượt qua những cuộn sóng xoáy sâu đục ngầu chậm chạp khiến mọi người cùng đi ai cũng nóng lòng với ánh mắt hướng về những căn nhà đang chìm dần. Mưa vẫn xối xả.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chương Phạm Văn Long đi cùng nói át mưa: Phải tối mới tiếp cận được. Trời xẩm tối dần, những hộ dân bị cô lập vẫn chưa thể tiếp cận. Tuyến đường mà đoàn đi vốn dĩ là cánh đồng, nay nước ngập trắng nên khó xác định luồng đi cho ca nô trong khi dây điện lại chằng chịt. “Phải cắt điện mới đảm bảo an toàn” - Chỉ huy đoàn tiếp cứu, Thượng tá Phạm Ngọc Tân, Chủ nhiệm Hậu cần Cơ quan Quân sự huyện Bình Sơn, hét lên.

Hai bên luồng đi, những ngôi nhà đã ngập đến nóc. Tiếng gọi nhau chạy lũ chới với xa xa. Tối trời, việc xác định mục tiêu vô cùng khó. Từ bên trong những căn nhà như những cây nấm giữa mênh mông nước lũ, tiếng kêu cứu vọng lên. Bất chấp nước lũ xoáy bên dưới, mưa như táp bên trên, chiếc xuồng vẫn lầm lì thẳng tới người cần cứu.

Sống rồi!

Hộ đầu tiên tiếp cận là nhà anh Huỳnh Văn Tân. Anh Tân leo lên nóc nhà, dỡ ngói, nhá đèn pin cầu cứu. Có những ai trong nhà? Thượng tá Phạm Ngọc Tân làm loa bằng tay hét giữa lũ. 5 người! 2 chiến sĩ liền lao xuống nước, chui qua khe cửa đã ngập gần hết. Cụ bà Đào Thị Tương được đưa ra trước, ướt mèm, ôm chầm lấy một chiến sĩ, nói run: “Già sống rồi con!”. Lần lượt các thành viên trong gia đình được đưa lên.

Khi tất cả đã được yên vị trên ca nô, chị Phạm Thị Thúy Hòa, vợ anh Tân nói rớt nước mắt: “Tranh thủ chủ nhật về thăm mẹ, ai ngờ nước lũ lên nhanh. Cả ngày nay nằm giữa vùng lũ, tính mạng coi như xong rồi!”. Chị Hòa là giáo viên Trường Tiểu học Sơn Hà 2, huyện Sơn Hà, tranh thủ đưa 2 cháu về thăm bà, suýt chút đã ở lại cùng lũ.

Khi đoàn quay trở ra, trời tối sầm, ánh sáng từ 3 chiếc đèn pin đem theo dẫn đường. Nước lũ vốn đã màu trắng, trắng đục nên dù phát huy hết công suất ánh sáng vẫn không thể dẫn chiếc ca nô thoát khỏi vùng dây điện chằng chịt. “Dây điện đấy, cúi xuống!”. Tất cả cúi rạp người vừa khi đường dây điện sát rạt vụt qua. Dù vậy, chiếc ca nô đã không tránh khỏi nạn, vướng dây điện xoay tròn mất hướng.

Tứ bề nước lũ bao vây, mưa mù trời không ai xác định được phương hướng. Thế là đi mò. Ánh đèn pin xa xa phát sáng. Cả đoàn quyết định nhằm mục tiêu ứng cứu. Căn nhà bà Phạm Thị Phao, 74 tuổi, xóm 3, Nam Thuận đã ngập gần 2/3. Trong nhà, chỉ có bà và hai đứa cháu: Huỳnh Văn Thái, học lớp 7 và Huỳnh Văn, học lớp 3.

Bà Phao nghẹn ngào: Nếu không có các chú bộ đội, chỉ có nước chết. Hỏi bố mẹ đâu, Thái mếu máo: “Ba mẹ con đi làm dưa ở Gia Lai rồi. Không ngờ nước lũ lên nhanh quá, định sáng mai mới di dời, nhưng không kịp, may nhờ có cậu Mười”. Phạm Văn Mười, 30 tuổi, là cậu của hai đứa bé, ở gần đó khi thấy nước lũ dâng nhanh đã bơi sang cứu giúp. “Vừa sang đến nơi, nước lũ lên nhanh nên cả nhà kẹt cứng. May nhờ các anh, chứ em không biết xoay xở thế nào” - Mười nói. Đưa được 9 người lên xuồng đến nơi an toàn, đoàn cứu trợ thở phào!

Bước chân từ xuồng lên bờ, kim đồng hồ chỉ đúng 20 giờ. Ngoái đầu nhìn lại phía Bình Chương một màu trắng mênh mông của biển nước. Văng vẳng xa xa, tiếng gọi cứu vẫn í ới. Ánh đèn pin vẫn loang loáng trên mặt nước. Chiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Cơ quan Quân sự huyện Bình Sơn dù nét mặt đã đỡ căng thẳng, nhưng âu lo vẫn hiện lên, nói: Gian nan và vất vả, đường về trắc trở quá. Nhưng mệnh lệnh của trái tim, mệnh lệnh về với bà con đang chới với giữa lũ ai cũng sẵn sàng.

“Còn 300 hộ của xã, đặc biệt 43 hộ thôn Ngọc Trì đã bị cô lập từ 2 ngày nay, đang chới với giữa lũ, mong được tiếp cứu” - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chương Phạm Văn Long nói rồi xa xăm nhìn về vùng lũ. Lời của ông Long vừa dứt cũng vừa lúc chiếc ca nô quay mũi xé màn đêm đen đặc nhằm hướng tâm lũ thẳng tiến...

Hà Minh

>>Tối nay, lũ trên các sông ở Thừa Thiên- Huế lên mức báo động 3

Tin cùng chuyên mục