Miền Trung: Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

Quảng Ngãi: Vệ sinh sau lũ

Báo cáo từ Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết: Sau hơn 2 ngày hoành hành, đến chiều 18-11, lũ trên các sông ở miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) đã rút xuống mức báo động 1, báo động 2. Hiện các địa phương đang tập trung giúp người dân xử lý môi trường, nguồn nước uống, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân sau lũ.

Quảng Ngãi: Vệ sinh sau lũ

Ngày 18-11, mực nước các sông trên địa bàn Quảng Ngãi đã rút. Ở hai huyện miền núi Sơn Tây và Tây Trà vẫn tiếp tục bị cô lập do có 7 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khổng lồ khiến hàng trăm người, trong đó có nhiều giáo viên bị mắc kẹt không thể lên Tây Trà. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra và động viên cán bộ, công nhân Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực hốt xúc đất đá tại các điểm sạt lở.

Làm việc với lãnh đạo xã Bình Mỹ và Bình Chương, nơi rốn lũ vừa qua. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hòa Bình nhắc nhở các địa phương nhanh chóng đưa lực lượng thanh niên về các xã giúp dân dọn dẹp vệ sinh sau lũ, đặc biệt là hốt rửa lớp bùn đọng lại sau khi nước rút đi.

Theo BCH PCLB-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 15 đến  17-11, đã có 5 người chết và 3 người mất tích, 24 người bị thương; hơn 10.000ha hoa màu và lúa bị thiệt hại; 11 đập dâng bị hư hỏng, 8.200m kênh mương bị hư hỏng, hơn 50.000m³ đất, đá bị sạt lở, bồi lấp trên các tuyến kênh; hơn 4.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi... Ước tổng thiệt hại khoảng 230 tỷ đồng.

Thừa Thiên - Huế: Hoa màu mất trắng vì lũ... lạ

Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 500ha chuyên canh rau và hoa màu các loại bám dọc hạ du sông Hương, sông Bồ... thuộc các huyện Phú Vang, Quảng Điền và TP Huế. Trận lụt vừa qua, đồng bằng mưa không lớn nhưng lũ lớn từ thượng nguồn đổ về theo các con sông khiến rau màu bị nhấn chìm. Đặc biệt, lũ rút không để lại lớp phù sa đóng băng như mọi năm... Người dân cho rằng, lũ khác thường và ngâm lâu là do thủy điện chặn dòng rồi đồng loạt xả lũ nhiều ngày, còn phù sa đã ứ đọng hết ở lòng hồ thủy điện ?

Phú Yên: Thiệt hại hơn 223 tỷ đồng

Ngày 18-11, tất cả các hồ thủy điện đều xả lũ, đặc biệt thủy điện sông Ba Hạ xả lũ 1.700m3/giây, do vậy lũ vẫn tiếp tục dâng cao tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An. Tại huyện Tuy An, các xã An Nghiệp, An Định… đã bị lũ cô lập từ tối ngày 17-11. Hai đầu bờ tả và bờ hữu nằm ngoài công trình đập Ông Tấn (xã An Cư, huyện Tuy An) có hơn 2.000m³ đất đắp bị nước cuốn trôi, 54m³ bê tông và đá hộc dọc kênh dẫn nước bị sập, sạt lở khiến tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân gần đó đang bị uy hiếp.

Tuyến đường ĐT 641 từ thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) - thị trấn La Hai (Đồng Xuân) nhiều đoạn ngập sâu trong nước, nhiều xã của huyện Đồng Xuân bị chia cắt. Tối 17-11, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân đã sơ tán hơn 100 hộ dân các vùng trũng thấp như Chợ Lùng (Xuân Quang 3), xóm Giữa (thị trấn La Hai), Tân Long (Xuân Sơn Nam) đến nơi an toàn.

Qua hai đợt mưa lũ và áp thấp nhiệt đới đầu tháng 11 vừa qua, toàn tỉnh Phú Yên đã có 9 người chết, 1.203 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 52 nhà bị sập hoàn toàn và 48 nhà hư nặng không sử dụng được. Khoảng 2.000ha lúa bị ngập, hơn 1.000ha hoa màu bị hư hại… Ước thiệt hại hơn 223,8 tỷ đồng

Bình Định: 4 người chết, 1 người mất tích

Ngày 18-11, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to đến rất to. Các hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định đều xả lũ. Tuyến tỉnh lộ 640 từ Tuy Phước đi Phù Cát và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn khu Đông 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục bị lũ chia cắt nhiều đoạn. Các xã ven đê khu Đông phía Đông Nam huyện Phù Cát và phía Đông huyện Tuy Phước tiếp tục bị ngập chìm trong lũ từ 0,5m đến 1m. Trong ngày hôm qua, nhiều trường ở các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

BCH PCLB-TKCN tỉnh Bình Định cho biết đến chiều hôm qua mưa, lũ đã làm chết 4 người và 1 người mất tích. 15 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 37 nhà bị hư hỏng, 10.398 nhà bị ngập nước… Ước tổng giá trị thiệt hại trong đợt mưa lũ này khoảng 142 tỷ đồng.

Nhóm PV 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tiến độ khắc phục hậu quả lũ lụt

(SGGP).- Chiều 18-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã kiểm tra tình hình khắc phục lũ lụt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra và đề nghị Nhà máy thủy điện Bình Điền (thượng nguồn sông Hương) chú trọng đến quá trình vận hành hồ chứa đúng quy trình, dự báo lượng nước đến hồ điều tiết lũ để cắt lũ cho hạ lưu… Khi cần xả lũ, phải thông báo rộng rãi cho người dân biết.

Phó Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo và các ban ngành tỉnh Thừa Thiên-Huế kịp thời giúp dân phòng chống mưa lũ; kiểm tra, tổ chức vận hành, điều tiết đảm bảo lưu lượng xả lúc nào cũng ít hơn lưu lượng nước về hồ… góp phần điều tiết cắt lũ cho hạ du. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan với lũ cũng như kịp thời giúp dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị sản xuất vụ đông - xuân.

Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn gạo; tạm ứng tỉnh Thừa Thiên-Huế 30 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi, sạt lở bờ sông, bờ biển…

Ph.Lê - V.Thắng

Tin cùng chuyên mục