Nỗi buồn di tích

Bài 2: Đi tìm Phật viện

Mặc dù được một đồng nghiệp ở Quảng Nam cho biết di tích Phật viện Đồng Dương đã xuống cấp nhiều lắm, nhưng tôi không ngờ mức độ trầm trọng khi tận mắt chứng kiến di tích, phải gọi là phế tích mới đúng. Cả Phật viện đồ sộ ngày xưa, nay thua một lò gạch bỏ hoang...
Bài 2: Đi tìm Phật viện

Mặc dù được một đồng nghiệp ở Quảng Nam cho biết di tích Phật viện Đồng Dương đã xuống cấp nhiều lắm, nhưng tôi không ngờ mức độ trầm trọng khi tận mắt chứng kiến di tích, phải gọi là phế tích mới đúng. Cả Phật viện đồ sộ ngày xưa, nay thua một lò gạch bỏ hoang...

Hỡi ôi di tích!

Từ thị trấn Hà Lam, chúng tôi chạy xe máy gần nửa giờ tới xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Trên suốt tuyến đường dài gần 15km này, hỏi Phật viện Đồng Dương ai cũng biết. Điều đó, chứng tỏ Phật viện rất nổi tiếng trong vùng. Thế nhưng phải lần quần cả giờ chúng tôi mới tìm được khu rừng, nơi mọi người chỉ Phật viện ở trong đó. Trước mắt chúng tôi cả một khu rừng keo lá tràm, bạc hà mọc um tùm, tối mịt. Một đồng nghiệp còn nghi ngờ: “Phật viện đâu nằm trong rừng ni. Chắc họ chỉ nhầm”. Nhưng tôi kiên quyết: “Vào tìm mới thấy chứ”.

Vạch những bụi cây rậm rạp men theo con đường mòn đầy gai góc, chúng tôi chậm chạp tiến vào khu rừng vì sợ rắn rết. Hơn 30 phút lạc vào “mê cung”, chúng tôi đành bó tay vì không tìm ra “cái tháp màu đen đen, được chống đỡ bởi những cây gỗ” như lời ông Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc Trương Văn Việt, mách bảo trước đó. Phải đến lần thứ ba quay ra quay vào, chúng tôi mới mừng rỡ khi chạm được Tháp Sáng - dấu tích còn lại duy nhất của Phật viện Đồng Dương.

Trước mắt chúng tôi, một hình khối cao khoảng 5m, rộng 3m meo mốc, đen xì; tường gạch lở loét, nham nhở được chống đỡ bởi những cây gỗ đã mục gốc. Nhìn còn thua cái lò gạch cũ bỏ hoang. Xung quanh Tháp Sáng, những bụi dây leo, những tán bạc hà, keo lá tràm đang dần lấn át.

Phật viện Đồng Dương vốn đồ sộ, nay chỉ còn Tháp Sáng nhưng cũng đang xuống cấp nghiêm trọng do keo lá tràm, bạc hà bao phủ.

Phật viện Đồng Dương vốn đồ sộ, nay chỉ còn Tháp Sáng nhưng cũng đang xuống cấp nghiêm trọng do keo lá tràm, bạc hà bao phủ.

Ông Trương Văn Việt cho biết: Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 2001, giờ trở thành phế tích rồi. Xã cố gắng gìn giữ những gì có thể bằng cách… chèo chống mấy cái cột, mà cũng cách đây 7 - 8 năm rồi. Không biết giờ nào cột đổ, Tháp Sáng đổ và Phật viện lùi vào dĩ vãng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hiện vật của Phật viện cũng thất thoát rất nhiều. Hàng ngàn viên gạch cổ (cỡ 20x30x5cm) bị người dân lấy từ các tháp về xây nhà, khi có người từ Đà Nẵng, Hội An tìm đến mua với giá cao thì gỡ ra bán. Tại nhà thờ nhánh 2 tộc Trà, một tượng voi cao khoảng 70cm, dài 1m cũng bị kẻ gian đánh cắp, may mà chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, giữ lại.

Di tích cực quý

Theo sử sách ghi lại, năm 875 vua Chăm Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Qua nội dung các bi ký còn lại cũng như các tác phẩm điêu khắc đặc sắc ở Đồng Dương, cho thấy đây là di tích văn hóa - lịch sử và tôn giáo quý hiếm. Năm 1901, L. Finot, một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm mang đậm các yếu tố nghệ thuật Ấn Độ. Một năm sau đó, H. Parmentier, nhà nghiên cứu Chămpa người Pháp, đã khai quật di tích Đồng Dương, ông tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.

Theo H. Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật, dài 326m, rộng 155m, gồm 3 nhóm kiến trúc được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch, bao gồm tu viện Phật giáo (Vihara) với pho tượng Thích Ca ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Champa ngồi trên ngai vàng, nhiều tượng thần bảo vệ giáo luật của đạo Phật trên những bệ đá. Ở nhóm tháp giữa là ngôi nhà dài có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) cao khoảng 2m, như những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa. Trên các công trình kiến trúc còn có các trụ ốp tường được chạm những hoa văn cành lá cách điệu như hình vết sâu bò, loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương.

Trong đền thờ chạm trổ những dải hoa văn hình vết sâu bò, có cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời của Phật Thích Ca. Những đường nét trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm. Tượng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực lớn...

Đến năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Bodhisattva (Bồ Tát) bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Nhân vật trong tư thế đứng thẳng; tóc được búi lại thành hình chóp (jata) trên chóp chạm một tượng Phật A-Di-Đà; gương mặt nữ thần nghiêm nghị. Thân trên để trần với bộ ngực căng tròn; thân dưới quấn một sa-rông dài đến mắt cá, có nhiều nếp lượn cong tạo vẻ mềm mại. Hai tay nữ thần cầm hoa sen (đã bị gãy mất) hướng ra phía trước. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ Tát Laksmindra Lokesvara, tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chămpa.

Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo Đại Thừa ở phương Bắc, kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa đến cuối thế kỷ IX.

Câu hỏi được đặt ra: Một di tích cấp quốc gia, vô cùng quý hiếm như Phật viện Đồng Dương sao các cấp, ngành lại thờ ơ, phó mặt cho xuống cấp, hoang phế như vậy. Do thiếu tiền hay thiếu trách nhiệm?

Cùng chung số phận với Phật viện Đồng Dương, trên suốt dãy đất miền Trung còn có hàng trăm di tích Chămpa khác có niên đại hàng ngàn năm cũng bị bỏ hoang và dần biến mất, như: Gò Cấm, chùa Vua, Khương Mỹ (Quảng Nam), Chánh Lộ, Khánh Vân, Cổ Lũy (Quảng Ngãi) hay tháp Hà Trung, Thành Lồi, tháp Liều Cốc (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế)…

Vương quốc Chămpa để lại cho hậu thế một chuỗi dài di tích ở miền Trung Việt Nam với hơn 250 di tích đền tháp và khoảng 1.000 phù điêu, tượng thờ liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo Chăm như tượng thần Siva, Vishnu, Brahma, Phật Lokesvara, vũ nữ Apsara và nữ thần Dewi... được các nghệ nhân Chămpa tạc khắc từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 17. Trong đó, tượng vũ nữ Apsara (Trà Kiệu, thế kỷ 7) được các nhà nghệ thuật học đánh giá là “kiệt tác điêu khắc đá ở vùng Đông Nam Á”.

Nguyễn Hùng

Thông tin liên quan:

Nỗi buồn di tích. Bài 1: Xót xa lăng Bà Chúa, thành Hoàng Đế

Tin cùng chuyên mục