Sập dầm cầu cạn Pháp Vân – Linh Đàm (Hà Nội): Hiệu ứng domino hay sơ suất trong thi công?

(SGGP). – Chiều 19-4, Bộ GTVT ra thông cáo báo chí cho biết đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân ban đầu của sự cố rơi 4 thanh dầm tại gói thầu 3A xây dựng cầu cạn Pháp Vân.

(SGGP). – Chiều 19-4, Bộ GTVT ra thông cáo báo chí cho biết đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân ban đầu của sự cố rơi 4 thanh dầm tại gói thầu 3A xây dựng cầu cạn Pháp Vân.

Theo đó, nguyên nhân việc rơi 4 phiến dầm là do sơ suất của nhà thầu trong quá trình thi công. Hệ mặt cầu gồm các dầm dọc bê tông cốt thép được đúc sẵn và được liên kết bằng các dầm ngang bê tông cốt thép đổ tại chỗ. Các dầm dọc đã được đơn vị thi công lắp xong từ ngày 4-12-2009. Trong khi chuẩn bị tiến hành thi công các dầm ngang, nhà thầu đã kê kích tạm thời các dầm dọc bằng các thanh gỗ.

Tuy nhiên nhà thầu đã không thi công kịp thời dầm ngang và thời gian kê kích tạm thời kéo dài dẫn đến 1 thanh dầm bị mất ổn định, đổ nghiêng kéo theo các dầm khác đổ và rơi xuống.

Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sự cố, có văn bản báo cáo bộ trước ngày 24-4. Đồng thời khẩn trương rà soát lại hồ sơ thiết kế các hạng mục công trình, thiết kế biện pháp tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn lao động; có giải pháp khắc phục ngay các tồn tại liên quan đến quá trình thi công các hạng mục công trình của gói thầu 3A nói riêng và toàn bộ dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội, không để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian thi công.

Trong khi đó, chiều 19-4, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc PMU Thăng Long cho biết, bước đầu có thể nhận định sự cố gãy dầm là một tai nạn, do công nhân thi công không cẩn thận, biện pháp thi công của nhà thầu không đảm bảo.

Trên thực tế, trong quá trình thi công, Ban QLDA Thăng Long và tư vấn giám sát đã hơn 10 lần nhắc nhở nhà thầu thi công về vấn đề tuân thủ các quy định an toàn. Tất cả các chỉ đạo nhắc nhở đều đã được làm bằng văn bản và các văn bản này đang tập hợp báo cáo Bộ GTVT.

Hôm qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15), Công an TP Hà Nội cùng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an quận Hoàng Mai, Viện KSND TP, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty Cầu 7 Thăng Long và đại diện nhà thầu chính – liên doanh Tổng Công ty Xây dựng cầu Thăng Long và Sumitomo (Nhật Bản) đã khám nghiệm hiện trường vụ sập 4 thanh dầm nhịp dẫn cầu cạn Pháp Vân, đường Vành đai 3, quận Hoàng Mai.

Tại hiện trường, 4 thanh dầm bị gãy nối 2 trụ 73, 74 có hình chữ I, chiều dài 33m, thuộc làn bên trái, ký hiệu P73L. Mỗi làn gác 5 thanh dầm đỡ mặt cầu. 4 thanh dầm bị rơi gãy hướng ra phía ngoài ký hiệu P73L G2 đến G5. Cả 4 thanh dầm khi bị rơi xuống còn nguyên 3 vết gãy trơ cả khung sắt.

Từ những vết nứt gãy của các thanh dầm tại hiện trường, giả thiết thứ nhất của cơ quan chức năng đưa ra là có thể một thanh dầm đã bị nứt võng từ trước, khi rơi xuống kéo theo những thanh bên cạnh theo kiểu “domino”.

Sau khi khám nghiệm bề mặt phía trên, các thanh dầm sẽ được được đi nơi khác để tiếp tục khám nghiệm phần dưới đất, từ đó xác định điểm rơi đầu tiên của các thanh dầm. Ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long đưa ra giả thiết khác cho rằng, đã có một số sơ suất trong quá trình thi công. Có thể các thanh giằng sắt bị gỉ do tác động của tự nhiên dẫn đến việc đổ thanh dầm cầu. Cơ quan điều tra cũng ghi nhận ý kiến này như một nhận định quan trọng.

Hiện tại, cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc. “Nếu có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án” - một cán bộ điều tra khẳng định.

Bích Quyên - Anh Minh

  • Thông tin liên quan:

- Sập 4 dầm cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục