Tràn lan khu công nghiệp ở ĐBSCL. Bài 2: Mặt trái và những hệ lụy

Một thực tế đáng báo động là nhiều địa phương ở ĐBSCL nôn nóng muốn “vượt trội”, quên mất tiềm năng và lợi thế nông nghiệp của mình. Có tỉnh, thành bất chấp các khuyến cáo về môi trường, phát triển công nghiệp nặng, gây ô nhiễm nặng nề. Đời sống người dân bị giải tỏa lâm vào cảnh khốn khó, thiếu công ăn việc làm, vất va vất vưởng.Ô nhiễm trầm trọng
Tràn lan khu công nghiệp ở ĐBSCL. Bài 2: Mặt trái và những hệ lụy

Một thực tế đáng báo động là nhiều địa phương ở ĐBSCL nôn nóng muốn “vượt trội”, quên mất tiềm năng và lợi thế nông nghiệp của mình. Có tỉnh, thành bất chấp các khuyến cáo về môi trường, phát triển công nghiệp nặng, gây ô nhiễm nặng nề. Đời sống người dân bị giải tỏa lâm vào cảnh khốn khó, thiếu công ăn việc làm, vất va vất vưởng.

Ô nhiễm trầm trọng

Đất đai ở ĐBSCL vốn được sử dụng để trồng trọt là chính. Các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài cũng khẳng định đây là vùng đất tuyệt vời để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, một phần không nhỏ đất nông nghiệp có vị trí đẹp đang trồng lúa và vườn cây ăn trái đã trở thành nơi quy hoạch khu, cụm công nghiệp (KCCN). Chính áp lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chạy theo tăng trưởng GDP đã khiến các địa phương ở ĐBSCL bằng mọi giá phải có ngay các KCCN.

Ở TP Cần Thơ, các KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 và Thốt Nốt đi vào hoạt động nhưng chưa có khu nào xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nguồn nước thải đen ngòm, đặc quánh từ các nhà máy trong KCN Trà Nóc 1 và 2 được thải trực tiếp ra sông.

Gần 10 năm nay, người dân ở rạch Sang Trắng (phường Phước Thới, quận Ô Môn) phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm do các nhà máy, xí nghiệp trong KCN Trà Nóc và một số nhà máy, xí nghiệp lân cận thải ra bốc mùi hôi thối. Cá tôm tại rạch Sang Trắng lần hồi chết dần, một số loài cá biến mất. Các KCN chưa có hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải rắn an toàn về môi trường, đặc biệt là chất thải nguy hại.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hạ tầng KCN chỉ xây dựng nhà máy xử lý nước thải trung tâm khi đã lắp đầy 50%-70% diện tích đất công nghiệp, mà lẽ ra phải xây dựng ngay từ khi triển khai dự án cùng với công trình giao thông, cấp - thoát nước.

Tại Long An, hiện mới có KCN Đức Hòa 1 và Thuận Đạo đang vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1. Các KCN Long Hậu, Đức Hòa 3 - Việt Hóa, Cầu Tràm đang xây dựng nhà máy. Riêng công trình xử lý rác thải, theo quy hoạch chi tiết và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, tại các KCN chỉ có khu xử lý rác sơ bộ, đóng vai trò bãi rác trung chuyển đi khu xử lý rác tập trung (tại Tân Thành, huyện Thủ Thừa), nhưng hiện tại khu xử lý rác này chưa hoạt động.

Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, trong bối cảnh hiện nay, ĐBSCL không nên lôi kéo dự án mà nơi khác từ chối để tổn hại đến các ưu thế đang có. Làm như vậy, một lần nữa, ĐBSCL lại là khu vực đi sau và rơi vào vòng luẩn quẩn.

Tiến sĩ Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng (Bộ KH-CN), cảnh báo: “Triển vọng phát triển KCN của ĐBSCL rất lớn, nhưng nếu không có giải pháp xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm sẽ dẫn đến nguy cơ về môi trường rất khó lường trong tương lai gần. Cần phải giải quyết tốt quy hoạch phát triển gắn với quy hoạch bảo vệ môi trường trên tất cả cấp độ, ngành và địa phương”.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho rằng: “Để phát triển bền vững, cần hài hòa 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. ĐBSCL là hệ sinh thái ngập nước dễ bị tổn thương. Muốn giữ gìn chất lượng môi trường, việc phát triển công nghiệp ĐBSCL phải quyết định dựa trên cơ sở khoa học và nhận thức về vai trò tối quan trọng của nguồn nước đối với hệ sinh thái. Phát triển công nghiệp ĐBSCL vội vã, chúng ta sẽ mất nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, có khi đánh đổi cả chất lượng cuộc sống”.

KCN Sông Hậu hiện là bãi đất hoang dùng để thả bò. Ảnh: H.PHONG

KCN Sông Hậu hiện là bãi đất hoang dùng để thả bò. Ảnh: H.PHONG

Nông dân lâm cảnh khốn khó

Cách nay khoảng 5 năm, người dân xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) háo hức đón nhận CCN Cái Côn. An Lạc Thôn là xã thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì thế, khi CCN ra đời ai cũng mừng vì hy vọng đổi đời. Thế nhưng, sau 5 năm quy hoạch đến nay, CCN Cái Côn chẳng thấy hình hài ra sao, trong khi người dân khốn đốn bởi tình trạng “treo” kéo dài.

Ông Phạm Thế Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn, thừa nhận: “CCN cứ ì ạch, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, trong khi người dân gặp khó khăn do sản xuất không hiệu quả. Đến lúc này, UBND xã cũng không biết bao giờ CCN được triển khai và thời điểm đưa vào hoạt động thì… mù tịt!”.

Trong lúc CCN Cái Côn vẫn bế tắc đầu ra thì nhiều hộ nhận tiền đền bù cách đây mấy năm nay đã trắng tay do chuyển nghề không hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Diệp, ở ấp An Bình, xã An Lạc Thôn, cho biết: “Tiền đền bù không thể mua được đất nơi khác nên phải đem ra trả nợ ngân hàng, nợ nóng, chi tiêu hàng trăm thứ khác… quay qua quay lại đã hết sạch. Bây giờ rất nhiều hộ ở CCN Cái Côn đã hết tiền, hết đất, không nghề, buộc phải đi làm mướn sống qua ngày”.

“Hồi trước khi vận động bà con nhận tiền đền bù, mấy ổng hứa sẽ tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm vào các nhà máy - xí nghiệp để có thu nhập cao hơn làm ruộng. Tới nay có thấy ai dạy nghề gì đâu, còn việc làm cũng không có. Đời sống của người dân trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp rất khốn đốn”, ông Diệp kể tiếp. Tại CCN Sông Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), tình trạng cũng tương tự. Nhiều hộ nhận tiền đền bù nhưng sử dụng không hiệu quả, chẳng bao lâu đã hết.

Lên một chiếc trẹt nhỏ qua sông Cái Sắn, chúng tôi đến KCN Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Sau 3 năm công bố quy hoạch KCN, đến nay chủ đầu tư cũng chưa thực hiện gì. Cuộc sống, sản xuất của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì vướng vào quy hoạch.

Ông Lê Văn Nhơn, ấp Hòa Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành bức xúc: “3 năm qua người dân nơi đây bị thiệt thòi rất nhiều. Không được cất nhà mới, chỉ sửa chữa tạm bợ, không được trồng cây lâu năm… Làm các thủ tục giấy tờ có liên quan tới đất đai vô cùng khó khăn”. Nông dân Hồ Hữu Đáng có 20 công đất lúa bị dính vào quy hoạch KCN Thạnh Lộc than thở: “Đất ở đây trồng lúa rất trúng, vụ đông - xuân đến 8 tấn/ha. Thế nhưng, khi lập KCN chỉ đền bù 50.000 đồng/m²”.

Ở KCN Sông Hậu (Hậu Giang) nằm ven sông Hậu, thuộc xã Đông Phú huyện Châu Thành, thật khó có thể hình dung đây là một KCN vì hàng trăm hécta đất trống đầy cát và cỏ dại um tùm như rừng. Cuộc sống phần lớn người dân rất khó khăn, không ai có việc làm. Nông dân Võ Văn Mười có 9.000m² đất và nhà cửa bị thu hồi.

Đến nay đã bán ăn hết 2/3 suất nền tái định cư nhưng vẫn chưa được nhận nền để có thể cất nhà ở. Ông Mười chua chát nói: “Trước khi bị thu hồi đất làm KCN tôi là nông dân sản xuất giỏi nhưng mấy năm nay thì chịu chết”.

Một cán bộ xã Đông Phú (Châu Thành, Hậu Giang) phản ánh: “Có gần 1.500 hộ dân của ấp Phú Nhơn, Phú Hưng bị thu hồi nhà đất trong KCN Sông Hậu nay đã 5 năm trôi qua nhưng KCN vẫn chưa hoạt động. Trước kia vùng đất này sản xuất một năm 2 vụ lúa năng suất 12 tấn và 1 vụ màu thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng”.

Cách KCN Sông Hậu khoảng 10km, về phía hạ nguồn sông Hậu, một “đại công trường” khác là CCN Phú Hữu A (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) không khí vắng lặng cũng không kém. Phần lớn diện tích CCN như là một bãi hoang đầy cỏ dại.

Nơi đây cũng có một “siêu dự án” là nhà máy giấy Lee & Man, xây dựng trên diện tích 200ha, tổng số vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; tổng công suất 630.000 tấn/năm; sau đó sẽ nâng lên mức hơn 2 triệu tấn/năm. Theo kế hoạch thì nhà máy sẽ hoạt động sau 14 tháng kể từ ngày khởi công (6-8-2007) nhưng đến nay mọi thứ bị bỏ phế giữa nắng mưa.

ĐBSCL có trên 12.700 doanh nghiệp đang hoạt động, tác động mạnh đến các thành phần của môi trường, nhất là môi trường nước. Đặc biệt có 111 KCCN, 119 cơ sở chế biến thủy sản với công suất 3.200 tấn/ngày… sử dụng các nguồn nước trong sản xuất chế biến đã cho ra lượng nước thải trên 47 triệu m³/năm; các đô thị và các khu dân cư thải ra 102 triệu m³/năm.

Lượng nước thải này chưa được xử lý triệt để, tiếp tục thải ra nguồn tiếp nhận là sông, kinh, rạch, làm suy giảm chất lượng nước mặt, gây nên các dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là gây hại đến sức khỏe người dân.

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Tràn lan khu công nghiệp ở Đồng bằng Sông Cửu Long - Chạy đua và lãng phí

Tin cùng chuyên mục