Vàng mắt vì... vàng

Vàng mắt vì... vàng

Vài tháng nay, tình trạng đào đãi vàng sa khoáng trái phép tại các xã vùng Loan (gồm Tà Năng, Đa Quyn và Đà Loan) của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã nổi lên như một “cơn lốc” tàn phá đồi đất, suối nguồn…

Suối cạn, núi mòn

Tình trạng đào đãi vàng sa khoáng trái phép tại các xã vùng Loan khởi đầu từ địa bàn xã Tà Hine và âm ỉ diễn ra từ nhiều năm qua. Từ đầu năm 2010 đến nay, các đối tượng đãi vàng đã chuyển địa bàn hoạt động sang các xã Đa Quyn, Tà Năng và Đà Loan.

Nhiều người dân bỏ nương rẫy để đi theo “giấc mộng vàng”.

Nhiều người dân bỏ nương rẫy để đi theo “giấc mộng vàng”.  

Khác với đánh giá của địa phương rằng các đối tượng này chỉ lén lút đào đãi vàng sa khoáng vào ban đêm, khi chúng tôi có mặt vào ban ngày tại khu vực suối Đạ Quyn, các đối tượng đang công khai đào đãi vàng ồ ạt với đầy đủ phương tiện, cách xa hàng cây số đã nghe tiếng máy nổ, máy múc, máy bơm, máy xay đá hoạt động. Riêng tại thôn Tou Néh (xã Tà Năng) có hơn 10 máy nổ cùng với dây hút cát và máng đãi vàng nằm ngổn ngang. Con suối Đạ Quyn trong xanh ngày nào giờ đã đổi màu đục quánh, nhiều đoạn chảy qua xã Đa Quyn đã bị chặn dòng chảy khiến nước dâng ngập cục bộ đất đai và hoa màu. Những ngọn đồi trải dài qua các xã Đa Quyn, Tà Năng bị đào bới nát bươm, để lại nhiều hố sâu đến 10m “ăn” vào sát mép nhà dân. Nhiều đối tượng còn ngang nhiên dùng máy ủi đào và san gạt đất lâm nghiệp ở thôn Toa Cát (xã Đạ Quyn).

Lãnh đạo xã Đa Quyn cho biết, tình trạng đào đãi vàng trái phép đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và tình hình an ninh trật tự trong khu vực. Sự xuất hiện ồ ạt các nhóm “vàng tặc” cùng với tiếng máy móc ầm ào suốt đêm ngày đã làm đảo lộn cuộc sống vốn yên bình của người dân nơi đây. Không dừng lại đó, từ đầu năm đến nay, đã có ít nhất 2 vụ ẩu đả giữa người dân địa phương với các đối tượng đào vàng khiến 3 người nhập viện.

“Cơn lốc vàng” cũng mang tai họa đến nhiều hộ dân (trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số) khi họ hám lợi trước mắt đem đất sản xuất bán cho các đối tượng đào vàng. Chỉ riêng xã Đa Quyn, ngành chức năng phát hiện hơn 50 hộ dân tộc thiểu số sang nhượng đất trái phép cho người đào vàng. Một số ảo tưởng theo “giấc mộng vàng” nên cũng đào, cũng đãi trên phần đất của mình, bất chấp nguy hiểm rình rập. Mới đây, một vụ sập hầm tại thôn Toa Cát, xã Đa Quyn đã vùi lấp 2 vợ chồng, người vợ chết tại chỗ, còn người chồng bị thương. Những hộ khác cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi cây trồng, vật nuôi chết do nguồn nước ô nhiễm hoặc bị lọt hố đào vàng…

Xử lý thiếu kiên quyết

Những hệ lụy về môi trường và an ninh trật tự do tình trạng đào đãi vàng sa khoáng đã rõ, vậy nhưng tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có những biện pháp xử lý kiên quyết. Ông Huỳnh Văn Chín, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền cấp xã, vì đây là cấp quản lý trực tiếp, nắm bắt tình hình sớm. Cùng quan điểm, lãnh đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đức Trọng cho rằng, UBND huyện đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo nhưng các xã thực hiện chưa nghiêm túc. Đặc biệt, UBND xã Đa Quyn gần như không thể kiểm tra, xử lý, để tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra trên diện rộng.

Còn chính quyền các xã lại cho rằng do lực lượng mỏng và kinh phí hạn hẹp nên khó thực hiện các biện pháp mạnh nếu không có sự hỗ trợ của cấp trên. Trong khi đó, Công an và Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Trọng là 2 đơn vị được giao hỗ trợ UBND các xã trong việc truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép cũng không có biện pháp hữu hiệu đối với tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trong phạm vi được giao quản lý.

Ông K’Tem, nguyên Chủ tịch UBND xã Đa Quyn, hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Đa Quyn, thừa nhận: Ngay việc tịch thu tang vật (máy múc, máy bơm…) cũng khó vì các loại máy móc này nằm ở các hầm vàng sâu 8 – 10m, không có phương tiện để vận chuyển. Vì vậy, sau khi bị phát hiện, các đối tượng đào đãi vàng đã huy động hàng chục người đến tẩu tán tang vật. Nghiêm trọng hơn, một số cán bộ công an xã còn bị dọa “giết cả nhà” hoặc “chặt tay” sau khi tham gia giải tỏa, đập bỏ phương tiện hành nghề của “vàng tặc”.

Ông Huỳnh Đức Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tăng cường xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Đức Trọng. Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tăng cường lực lượng để hỗ trợ UBND huyện Đức Trọng trong việc ngăn chặn, giải tỏa, điều tra, xử lý và chốt chặn để bảo vệ khu vực có quặng vàng gốc. Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, làm rõ những đối tượng cầm đầu khai thác, chế biến vàng trái phép để xử lý theo pháp luật. Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng 2 đơn vị này chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm Công an và Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Trọng vì để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép kéo dài trong khu vực đất đã được giao quản lý.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục