Bỏ nhà vào rừng… tránh động đất

Sau khi liên tục xảy ra động đất với cường độ ngày càng mạnh, hơn 3 tháng qua, lo sợ động đất làm sập nhà xây, người dân các xã Trà Đốc, Trà Bui,… huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đã chọn giải pháp… bỏ nhà xây, tức tốc vào rừng khai thác gỗ về dựng nhà tạm để ở cho… an toàn. Một số khác bỏ về làng cũ nằm ở ven hồ thủy điện Sông Tranh 2 làm nhà tạm để ở. Động đất đã làm đảo lộn đời sống người dân nơi đây.

Sau khi liên tục xảy ra động đất với cường độ ngày càng mạnh, hơn 3 tháng qua, lo sợ động đất làm sập nhà xây, người dân các xã Trà Đốc, Trà Bui,… huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đã chọn giải pháp… bỏ nhà xây, tức tốc vào rừng khai thác gỗ về dựng nhà tạm để ở cho… an toàn. Một số khác bỏ về làng cũ nằm ở ven hồ thủy điện Sông Tranh 2 làm nhà tạm để ở. Động đất đã làm đảo lộn đời sống người dân nơi đây.

Hai ngày qua, dọc con đường dẫn vào xã Trà Đốc, người dân tập kết gỗ để dựng nhà tạm. Anh Hồ Văn Viên (thôn 1, xã Trà Đốc) có nhà xây bị nứt sau các trận động đất trước đây. Nay, sau trận động đất 4,6 độ richter khiến vết nứt nở toác. Lo sợ, anh cùng hàng xóm rủ nhau vào rừng lấy gỗ về dựng nhà tạm.

Cùng cảnh ngộ, nhà ông Hồ Văn Thiện (thôn 2, xã Trà Đốc) cũng bị nứt toác sau những trận động đất. Mấy ngày qua, anh cùng hàng xóm vào rừng lấy gỗ và giúp nhau dựng nhà tạm bằng gỗ cách nhà cũ 2km về phía rừng. Anh cho biết: “Động đất liên tục sợ quá. Nhất là động đất vào ban đêm, lỡ sập nhà khi đang ngủ làm sao chạy kịp. Mình cùng bà con vào rừng lấy gỗ làm nhà ở tạm. Nếu có động đất mạnh xảy ra, nhà xây bị sập chứ còn nhà gỗ chắc yên tâm”.

Đêm 22-10, người dân Bắc Trà My và vùng lân cận phải chịu trận động đất với cường độ mạnh 4,6 độ richter, cộng mấy ngày qua mưa nhiều khiến nỗi sợ hãi trong lòng người dân lớn hơn cả cường độ động đất trong đêm. Trước đây, nghe các nhà khoa học nói động đất kích thích sẽ giảm dần, nhưng nay, sau trận động đất 4,6 độ richter (tăng dần - PV) khiến người dân chẳng còn dám tin. Trong khi đó, tại xã Trà Sơn có gần 100 nhà dân, trường học và trụ sở UBND xã bị nứt do động đất. Ông Nguyễn Thanh Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết Trà Sơn có 4 thôn là Mậu Long, Dương Hòa, Lâm Bình Phương và Tân Hiệp bị thiệt hại nặng do động đất.

Ngoài ra, trụ sở UBND xã, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Trường Mầm non Họa Mi bị nứt nẻ. Chiều 24-10, thầy Trần Văn Đồng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi dẫn chúng tôi đến chứng kiến tận mắt ngôi trường 2 tầng bị nứt toác tường sau mấy trận động đất vừa qua. Thầy Đồng cho biết: “Động đất ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy - học của thầy trò trong trường. Trường có 160 học sinh nhưng chỉ có 18 cán bộ, giáo viên nên khi xảy ra động đất học sinh chạy toán loạn”.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết động đất liên tục làm người dân bỏ nhà ở khu tái định cư vào rừng làm nhà tạm để ở ngày càng nhiều, nhất là tại các khu tái định cư khi cuộc sống của họ vốn đã rất khổ. Hiện hai xã có lượng người dân vào rừng làm nhà tạm để ở nhiều nhất là xã Trà Bui và Trà Đốc. Vì vậy, UBND huyện đang đề nghị với EVN và tỉnh Quảng Nam nhanh chóng có kế hoạch và bố trí kinh phí lo vấn đề “hậu tái định cư”.

Theo ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, hiện UBND huyện rất lo lắng vì mưa lũ đang đến gần, trong khi động đất liên tục xảy ra. Điều đáng nói, tại ngầm sông Trường cứ sau mỗi trận mưa lớn là bị ngập sâu gây cô lập tuyến độc đạo dẫn đến đập thủy điện Sông Tranh 2 và chia cắt hơn 5.000 hộ dân của các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui (Bắc Trà My) và cả huyện Nam Trà My với bên ngoài. Nếu vừa có mưa lũ vừa có động đất thì công tác điều hành, chỉ đạo của huyện gặp khó khăn. Vì vậy, hiện nay huyện Bắc Trà My và Nam Trà My rất cần cây cầu tại ngầm sông Trường.

  • Đạt 70% kế hoạch phát điện

Chiều 24-10, ông Vũ Đức Toàn, Phó trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3, thuộc EVN cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc không được tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2, hiện EVN huy động chạy 2 tổ máy để đảm bảo hồ ở mực nước chết (140m). Tuy nhiên điều rất khó hiểu, dù không được tích nước, nhưng tính đến nay, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 vẫn đạt 70% kế hoạch phát điện năm 2012. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2, cho UBND huyện Bắc Trà My, mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 139,82m, lượng nước về hồ là 82m³/giây, lượng nước phát qua hai tổ máy tối đa là 230m³/giây. Hiện nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 được huy động phát điện để đảm bảo duy trì mức nước dưới mực nước chết.

Nguyên Khôi

Thông tin liên quan

- Mức độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 còn nhiều ý kiến trái ngược

- Động đất ở Sông Tranh là đặc biệt

- Động đất 3,5 độ Richter tại Quảng Nam

- Lập phương án xử lý nếu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2

- Động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có thể đến 6 độ richter

- Quảng Nam: Đề nghị nghiên cứu sâu về động đất

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 có thiếu sót

- Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào kiểm tra

Tin cùng chuyên mục