Vụ rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 - Gấp rút tìm phương án đối phó sự cố vỡ đập

Chiều 26-3, đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 5, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Công ty CP Thủy điện Sông Tranh tại nhà điều hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 về công tác phòng chống lụt bão năm 2012. Tuy nhiên, Công ty CP thủy điện Sông Tranh 2 không cho tất cả các phóng viên báo đài dự cuộc họp này với lý do: họp với quân đội.
Vụ rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 - Gấp rút tìm phương án đối phó sự cố vỡ đập

Chiều 26-3, đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 5, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Công ty CP Thủy điện Sông Tranh tại nhà điều hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 về công tác phòng chống lụt bão năm 2012. Tuy nhiên, Công ty CP thủy điện Sông Tranh 2 không cho tất cả các phóng viên báo đài dự cuộc họp này với lý do: họp với quân đội.

Sau cuộc họp, đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trường đập thủy điện Sông Tranh 2 – nơi nhiều ngày qua xảy ra hiện tượng rò rỉ nước ra thân đập bằng bê tông. Theo ghi nhận tại hiện trường, mặc dù đơn vị thi công đang nỗ lực khắc phục nhưng nước vẫn chảy ra thân đập. Chủ đầu tư công trình đã phong tỏa hiện trường bằng lưới B40 kèm theo biển cấm vào.

Nước rò rỉ vẫn chảy xối xả khi “nhốt” vào đường ống nhựa mới lắp.

Nước rò rỉ vẫn chảy xối xả khi “nhốt” vào đường ống nhựa mới lắp.

Trong cuộc làm việc với chủ đầu tư chiều 26-3, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án phối hợp trong công tác phòng tránh lụt bão với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam để thông tin rộng rãi giúp người dân chủ động bảo vệ tài sản và tính mạng.

Cũng tại cuộc họp này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thẳng thắn: “Đến lúc này, phải gấp rút tìm phương án đối phó với sự cố vỡ đập. Việc đập chính thủy điện Sông Tranh 2 an toàn hay không an toàn chỉ có Ban Quản lý dự án thủy điện 3 biết rõ nhất, vì vậy phải công khai thông tin. Ban Quản lý dự án thủy điện 3 vừa rồi tổ chức khắc phục các sự cố này rất thô sơ, rất phản cảm không chấp nhận được. Không thể xem thường tính mạng người dân như vậy, an dân là trên hết!”.

Kết luận cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết Bộ Quốc phòng vừa chỉ đạo Quân khu 5 thành lập Ban Phòng chống cứu nạn cứu hộ. Quân khu 5 rất quan tâm xây dựng phương án cùng với địa phương phòng chống và trên hết phải đảm bảo an toàn cuộc sống nhân dân. Tài sản của Nhà nước và nhân dân đều cấp thiết.

“Chúng tôi kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2 và yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3 phải gấp rút có biện pháp phòng chống và lường trước trường hợp xấu nhất xảy ra. Ban Quản lý dự án thủy điện 3 phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để bố trí lực lượng giải quyết, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân chứ không thể nói đập chính thủy điện Sông Tranh 2 đang an toàn tuyệt đối được. Chủ động xây dựng phương án và phải báo cáo ngay, để chúng tôi tham gia cùng. Chủ đầu tư phải thông báo công khai để nhân dân biết phương án PCLB khi mùa mưa đến. Quân khu V đề nghị Ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam nhanh chóng tổ chức khảo sát nắm tình hình tất cả các công trình thủy điện trên địa bàn để có sự phối hợp chặt chẽ”, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn chỉ đạo.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 (bìa phải) đi kiểm tra tại đập thủy điện Sông Tranh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 (bìa phải) đi kiểm tra tại đập thủy điện Sông Tranh 2.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án thủy điện 3 phải xây dựng phương án đảm bảo an toàn đập và phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du trong tháng 4-2012. Sau đó gửi Bộ Công thương duyệt và gửi Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh phối hợp thực hiện. 

NGUYÊN KHÔI  

EVN: Khống chế được 80% hiện tượng thấm 

Hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là do chưa đúng với sơ đồ thấm và thoát nước theo thiết kế. Nguyên nhân của hiện tượng trên do hệ thống các ống thu nước bố trí trong các hành lang thu nước trong thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập; đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa xuất hiện các vết nứt trong bê tông và với mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn đập. Đó là những đánh giá của đoàn công tác và các chuyên gia Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đưa ra sau khi kiểm tra sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2.

Đoàn công tác đã yêu cầu chủ đầu tư, tổng thầu và cơ quan tư vấn khẩn trương thông rửa các ống thu thoát nước, sửa chữa, bổ sung các rãnh thoát nước trong các hành lang để thu hết nước về hố thu theo thiết kế. Hoàn thiện hệ thống quan trắc và tiến hành đo đạc, phân tích số liệu và đánh giá kết quả một cách hệ thống; phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu về diễn biến động đất và có đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của động đất trong khu vực đến công trình; tiếp tục kiểm tra bề mặt phía thượng lưu đập khi hạ thấp mực nước hồ và đề ra các giải pháp xử lý thấm bổ sung.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi cơ quan chức năng ngày 26-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng với mức độ thấm như hiện nay chưa ảnh hưởng đến an toàn đập. Về việc xuất hiện động đất kích thích trong thời gian gần đây tại khu vực công trình có cường độ thấp hơn cường độ tính toán trong thiết kế. Do đó qua kiểm tra cho thấy không ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn của đập. Chưa kể EVN còn lý luận, theo quy luật tự nhiên, các dư chấn của động đất kích thích có cường độ thấp hơn nhiều và sẽ giảm dần theo thời gian.

Theo EVN, đến nay, qua việc thông rửa các lỗ khoan bị tắc, đục rãnh thoát nước để thu nước về hố thu trong thân đập đã có hiệu quả và hiện tượng thấm về hạ lưu đập đã giảm 80% và phần lớn lượng nước thấm tại các khe nhiệt này đã chảy vào hành lang.

L.Phong - H.My

Thông tin liên quan

Nước vẫn chảy xối xả

- Yêu cầu chống thấm trước mùa mưa lũ

- Nhà thầu vi phạm thiết kế

- Khẩn trương kiểm tra, khắc phục việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2

- Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước - Đề nghị mời chuyên gia tư vấn độc lập

- Vết nứt thủy điện Sông Tranh 2 là khe nhiệt?

Tin cùng chuyên mục