Nước thấm qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa giảm

Ngày 18-5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu đoàn công tác kết hợp với đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam... giám sát, kiểm tra việc khắc phục sự cố rò rỉ nước tại thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 18-5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu đoàn công tác kết hợp với đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam... giám sát, kiểm tra việc khắc phục sự cố rò rỉ nước tại thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi thực hiện các biện pháp chống thấm ban đầu, tổng lưu lượng nước thấm đo và ước tính trong ngày kể từ 31-3 đến nay, giảm dần từ 91,6 lít/giây đến 71,57 lít/giây. Trong đó, lượng nước thấm chủ yếu qua 10 khe nhiệt lớn chiếm 79% tổng lượng nước thấm. Lưu lượng nước thấm qua nền chiếm khoảng 6%, lưu lượng nước thấm qua các vị trí bê tông khuyết tật chiếm 7%, tổng lưu lượng nước thấm. Hiện nay mực nước hồ xuống cao trình 156,8m, tổng lượng nước thấm đo được qua các máng đo ở hố thu cao trình 95m là 75 lít/giây.

Sau khi giám sát, kiểm tra tại hiện trường, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, đối với Thủy điện Sông Tranh 2, ngoài phương án xử lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu ra, phải có thêm phương án dự phòng các đợt lũ bất thường ở thời điểm này. Ông Huy đề nghị chủ đầu tư đưa tất cả các thiết bị quan trắc đi vào hoạt động, để thu thập và xử lý các thông tin từ các thiết bị quan trắc.

Ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đặt ra 3 vấn đề cần lưu tâm. Đó là chủ đầu tư báo cáo rõ ràng về nguyên nhân hiện tượng rò rỉ nước thân đập, các số liệu quan trắc được còn rất sơ sài, chưa có bản đánh giá toàn diện về sự an toàn thân đập. Bên cạnh đó, kết luận của chủ đầu tư khẳng định rằng không có vết nứt bất thường nhưng cần phải có căn cứ khoa học. Ông Võ Tuấn Nhân yêu cầu cần thành lập tổ chuyên gia độc lập, sử dụng các thiết bị hiện đại kiểm tra, đánh giá để khẳng định bằng luận cứ khoa học rằng đập an toàn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thực tế lượng nước thấm qua thân đập chưa giảm, tuy nhiên việc quan trọng hiện nay là triển khai các giải pháp giảm nước thấm qua thân đập để đảm bảo chất lượng thân đập. Cơ quan thiết kế và nhà thầu chống thấm sớm triển khai xử lý chống thấm. Tới đây, song song với việc triển khai xử lý chống thấm, sẽ tiến hành đánh giá toàn diện từ khâu thiết kế đến thi công và đưa vào vận hành để công bố cho nhân dân và chính quyền địa phương yên tâm. 

P.TRUNG

Thông tin liên quan

- Nhà thầu vi phạm thiết kế

- Khẩn trương kiểm tra, khắc phục việc thấm nước tại thủy điện Sông Tranh 2

- Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước - Đề nghị mời chuyên gia tư vấn độc lập

- Vết nứt thủy điện Sông Tranh 2 là khe nhiệt?

Tin cùng chuyên mục