Vụ người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh: Các bên đùn đẩy trách nhiệm

Liên quan đến việc một số người Trung Quốc nuôi cá trái phép trên vùng vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), sáng 4-6, chính quyền TP Cam Ranh đã tổ chức họp bàn cách xử lý và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, kết quả đang dừng lại ở việc tổng hợp, rà soát và báo cáo cấp trên.
Vụ người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh: Các bên đùn đẩy trách nhiệm

Liên quan đến việc một số người Trung Quốc nuôi cá trái phép trên vùng vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), sáng 4-6, chính quyền TP Cam Ranh đã tổ chức họp bàn cách xử lý và làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, kết quả đang dừng lại ở việc tổng hợp, rà soát và báo cáo cấp trên.

Một bè cá của người Trung Quốc tại Cam Ranh.

Một bè cá của người Trung Quốc tại Cam Ranh.

Như tin đã đưa, từ cuối tháng 5 đến nay, báo chí liên tục lên tiếng phản ánh có gần chục người Trung Quốc hoạt động trên vùng vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không hay biết, dù những người Trung Quốc này hoạt động công khai cả 10 năm qua. Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Đào Văn Hòa, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh thừa nhận, công tác quản lý vịnh Cam Ranh phải siết chặt hơn những nơi khác. Nhưng, thực tế việc quản lý ở đây có những lỗ hổng. “Qua cuộc họp này, chúng tôi sẽ tổng hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh ngày 8-6. Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong quản lý vẫn là TP Cam Ranh. Riêng cá nhân tôi, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng có phần trách nhiệm trước vụ việc này”, ông Hòa nói.

Được biết, năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Cam Ranh kiểm tra công tác nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh, tuy nhiên, chỉ đạo này chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Thực tế, TP Cam Ranh chỉ mới triển khai sau khi báo chí lên tiếng phản ánh. Về vấn đề này, ông Hòa cho biết: Không nhớ đã có báo cáo tỉnh hay chưa. Còn kết quả họp bàn xử lý vẫn đang kiểm tra, rà soát. Nếu phát hiện sai đến đâu xử lý đến đó. Còn xử lý như thế nào sẽ có chỉ đạo sau khi có báo cáo chính thức trình UBND tỉnh Khánh Hòa. 

Tại các lồng bè nuôi cá của người Trung Quốc ở Cam Ranh mấy ngày qua hoạt động khá ảm đạm. Một số người dân nơi đây cho biết sau khi báo chí phản ánh, chính quyền kiểm tra, họ thu dọn đồ nghề, một số người về nước đổi hộ chiếu vì đã hết hạn. Theo một số cán bộ cảng Cam Ranh, mấy ngày qua không thấy tàu bè của người Trung Quốc đến thu mua hoặc chuyên chở hải sản. Trước đó, hoạt động này diễn ra thường xuyên tại cảng, thông qua việc trung chuyển hải sản từ các lồng bè vào.

Thực tế, hoạt động của người Trung Quốc trong thời gian qua tại Cam Ranh khá công khai. Không chỉ nuôi trồng thủy sản trên biển, những người này còn ra vào các cảng một cách dễ dàng. Tại đây có các Đồn biên phòng, Cảng vụ, Hải quan, các cơ quan quản lý tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, khi báo chí đặt câu hỏi trách nhiệm quản lý, các bên đều đùn đẩy, trả lời không rõ ràng. Ông Nguyễn Khắc Toàn, Bí thư Thành ủy Cam Ranh cho biết: “Việc quản lý người nước ngoài hoạt động tại đây kém là do một số ban ngành địa phương chưa nhận thức đầy đủ vấn đề, còn chủ quan. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên trách của địa phương, cũng như giữa địa phương với các cơ quan cấp tỉnh chưa tốt, còn chồng chéo. Sau sự việc này, Thành ủy Cam Ranh kiến nghị tỉnh nên có cuộc họp để thống nhất việc quản lý chung, có bài bản và có quy hoạch tổng thể vùng biển Cam Ranh”.

Theo tin từ một số ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm này thống kê có gần 20 người Trung Quốc nuôi cá, tôm trên vùng biển Khánh Hòa, trong đó tập trung chủ yếu ở vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong. Mới đây, chính quyền TP Cam Ranh kiến nghị Công an Khánh Hòa xử phạt 5 người (mỗi người 15 triệu đồng) vì hoạt động trái phép tại vịnh Cam Ranh; phạt 2 người khác mỗi người 3,5 triệu đồng vì hoạt động không giấy phép. Đồng thời, kiến nghị không cho những đối tượng này lưu trú tại Cam Ranh.

Văn Ngọc

* Chiều 4-6, Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài), cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn các tỉnh miền Trung (từ Quảng Trị đến Khánh Hòa) và 5 tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 773 dự án FDI với tổng vốn 24,069 tỷ USD (chiếm 13,6% tổng vốn FDI của cả nước). Trong đó, Trung Quốc đầu tư 33 dự án với tổng vốn 193,9 triệu USD (chỉ chiếm 0,81% tổng vốn FDI đầu tư vào miền Trung – Tây Nguyên) và xếp thứ 13 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào miền Trung. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào điện tử, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, thức ăn gia súc… Theo nhận định của Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, hầu hết các dự án của Trung Quốc đầu tư vào khu vực này mang tính nhỏ lẻ. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, khu vực miền Trung – Tây Nguyên thu hút thêm 18 dự án FDI (tổng vốn 226 triệu USD), Trung Quốc không có dự án mới nào.

* Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Quân, Phó chủ nhiệm HTX khoai lang xã Tân Thành (Bình Tân, Vĩnh Long), cho biết tình hình tiêu thụ khoai lang hiện nay rất chậm, nhất là khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất khó khăn, mặc dù giá giảm còn 170.000 – 220.000 đồng/tạ. Đây là mức rất thấp trong nhiều năm qua. Theo thống kê, hiện các tỉnh ĐBSCL còn khoảng 5.000ha khoai lang chưa thu hoạch, đa phần là khoai đã quá lứa từ 3 củ/kg trở lên (loại khoai này thương lái Trung Quốc chê lớn không mua); trong khi bán nội địa với giá rất thấp chỉ 30.000 - 50.000 đồng/tạ. Với tình hình tiêu thụ ế ẩm hiện nay, nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở ĐBSCL đang lỗ nặng.

Ng.Hùng - A.Bình

- Về thông tin người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh - Quản lý lỏng lẻo

Tin cùng chuyên mục