Báo cáo Chính phủ tình trạng vi phạm đê điều nghiêm trọng

Trước tình trạng vi phạm đê điều đang xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa bàn (Báo SGGP đã có loạt bài phản ánh “Ẩn họa đê điều xuống cấp - xe quá tải đi trên đê và san bãi sông làm bãi giữ xe” đăng ngày 29 và 30-8), hôm qua 6-9, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về những vi phạm đê điều đang xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội.

(SGGP). – Trước tình trạng vi phạm đê điều đang xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa bàn (Báo SGGP đã có loạt bài phản ánh “Ẩn họa đê điều xuống cấp - xe quá tải đi trên đê và san bãi sông làm bãi giữ xe” đăng ngày 29 và 30-8), hôm qua 6-9, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về những vi phạm đê điều đang xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội.

Bộ NN-PTNT nhận định, sau khi Luật Đê điều được áp dụng, công tác quản lý đê điều đã có những chuyển biến tích cực. Các địa phương đã chủ động hơn việc củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dân sinh, kinh tế trong thời gian qua cũng có những tác động tiêu cực, gây khó khăn, phức tạp trong công tác bảo vệ, củng cố hệ thống đê điều, nhất là khai thác, sử dụng lòng sông, bãi sông. Ở một số địa phương, đặc biệt những đoạn đê đi qua các khu đô thị, dân cư tập trung, bãi sông có nhiều dân cư sinh sống… tình hình vi phạm đê điều vẫn diễn ra liên tục, nhiều vụ vi phạm chưa được quan tâm xử lý dứt điểm, hiện tượng tái phạm còn phổ biến và gia tăng các vụ vi phạm mới.

Trên địa bàn TP Hà Nội tình hình vi phạm Luật Đê điều đang có diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm có xu hướng tăng cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng. Trong khi công tác xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ vi phạm đã được xử lý dứt điểm còn ít, còn nhiều tồn đọng. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, thời gian xử lý kéo dài và không xử lý dứt điểm được.

Tính từ năm 2008 đến quý 1-2012, Hà Nội đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm, trong đó mới xử lý được 741 vụ, còn tồn đọng 875 vụ. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là chính quyền địa phương ở một số nơi còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm. Một số địa phương, cơ quan còn cho phép thực hiện các hoạt động không đúng thẩm quyền.

Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành văn bản yêu cầu TP Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung nghiêm túc thực hiện việc ngăn chặn và xử lý dứt điểm các vi phạm.

PH.VĂN

Tin cùng chuyên mục