Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 có thiếu sót

Sáng nay, 28-9, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố kết quả xử lý thấm và kiểm tra đánh giá an toàn ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh).
Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 có thiếu sót

(SGGPO).- Sáng nay, 28-9, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố kết quả xử lý thấm và kiểm tra đánh giá an toàn ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh).

Tại buổi họp báo, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng báo cáo kết luận của Hội đồng có sự đánh giá của Công ty Tư vấn độc lập AF-Colenco (Thụy Sĩ). Theo đó, khẳng định quá trình thi công đạt yêu cầu thiết kế, đập được tích nước theo 2 giai đoạn để kiểm tra ứng suất, biến dạng và kiểm tra thấm qua thân đập… Tuy nhiên, chất lượng thi công các khe nhiệt chưa đảm bảo, tổ chức nghiệm thu chưa chặt chẽ dẫn đến thấm chảy nước qua khe nhiệt; Thiết bị quan trắc chưa được lắp đặt đầy đủ, một số thiết bị hư hỏng chưa được khắc phục kịp thời. Việc này ngoài trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng còn có trách nhiệm của tổ chức giám sát.

Đoàn khảo sát địa chất của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2.
Đoàn khảo sát địa chất của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2.

Về thiết kế, đập được thiết kế đúng với tiêu chuẩn áp dụng cho dự án; kết quả tính toán đập làm việc an toàn, ổn định; không phát hiện có biểu hiện của bất kỳ vết nứt nào trên thân đập, thượng lưu, hạ lưu… Đập an toàn ở điều kiện bất lợi ở mực nước dâng 175m với động đất lớn nhất (tương đương gia tốc 150cm/s2), kèm điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi các hố khoan tiêu nền đập đều bị tắc và nền đập bị nứt hoàn toàn. Đập còn có thể chịu được các tổ hợp tải trọng bất lợi hơn như động đất có gia tốc nền là 220cm/s2 và điều kiện đẩy nổi bất lợi nhất khi giả định tất cả các hố khoan tiêu nước nền đập đều bị tắ và nền đập bị nứt hoàn toàn.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 có thiếu sót ảnh 3

Việc liên tiếp xảy ra 5 đợt rung chấn mạnh với cường độ 4,2 độ richter tại Bắc Trà My khiến chính quyền và người dân lo lắng về sự an toàn của đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Về động đất, đập được xây dựng trong vùng chấn động có thể từ cấp 3-6. Các trận động đất xảy ra trong thời gian qua là động đất do kích thích liên quan đến việc tích nước hồ chứa Sông Tranh 2; Chấn động cực đại của các trận động đất lớn nhất đều không vượt quá cấp 6 và trong thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn nhưng khó có thể vượt quá giá trị động đất cực đại đã đánh giá là 5,5 độ richter. Với những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, của Viện Vật lý địa cầu, của Bộ Khoa học - Công nghệ và các chuyên gia, hiện tại đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn và làm việc ổn định.

Đơn vị thiết kế thừa nhận “có thiếu sót”
 

Trả lời câu hỏi của báo giới “vì sao trong báo cáo tác động môi trường không đề cập động đất kích thích, nhưng thực tế đã xảy ra?” - ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TVXDĐ 1, thừa nhận đây là thiếu sót. “Tôi thẳng thắn thừa nhận đây là sai sót của chúng ta. Những năm 2005, do kinh nghiệm chưa có nên chúng ta dùng những tiêu chí của tổ chức UNESCO để đánh giá nên không có đánh giá tác động của động đất kích thích. Đây là việc bị động, là thiếu sót của chúng ta. Hiện nay, chúng tôi kiến nghị, khi động đất kích thích xảy ra thì phải vào cuộc xem xét và có những khuyến cáo bổ sung để người dân được biết nhằm ứng xử với động đất. Vì động đất kích thích liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người dân nên phải tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về động đất, về biện pháp ứng phó. Đây là trách nhiệm từ chủ đầu tư cho đến các cấp chính quyền trong xử lý những tai biến do động đất” - ông Nguyễn Tài Sơn nói.

Về vấn đề này, ông Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, viện đã có tính toán và xác định đới đứt gãy đối với công trình, khảo sát toàn bộ theo bản đồ phát sinh đứt gãy đối với công trình, xem xét tất cả các yếu tố, độ dài đới đứt gãy, nền đứt gãy… Đối với Sông Tranh 2, nghiên cứu cho kết quả có thể gây ra động đất cực đại là 5,5 độ richter nhưng thân đập không nằm trên đới đứt gãy.

Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP “Mặc dù Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chưa cho tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2, song thực tế do đập thủy điện này không có cửa xả đáy, và như thế hiển nhiên mùa mưa sắp đến là tích nước ở cao trình 161m, vậy chủ đầu tư làm sao để… không tích nước?”, ông Nguyễn Tài Sơn khẳng định: “Phó Thủ tướng nói chưa tích nước theo tôi hiểu là không cho phép tích nước, tức không cho phép đóng cửa tràn để tích nước, nên mức nước tối đa là không được vượt mực nước 161m (tương đương 450 triệu m³ nước - PV). Trong điều kiện đó, áp lực tác động lên thân đập giảm thiểu đáng kể, nên với cao trình này, đập vẫn an toàn thậm chí cả đối với động đất trên cấp 9. Với động đất cấp 9 và trên cấp 9, đập vẫn an toàn. Chúng ta hoàn toàn yên tâm”.

Giải thích thêm việc không bố trí cửa xả đáy, ông Nguyễn Tài Sơn cho rằng, đối với công trình không có nhiệm vụ cụ thể nào thì không bố trí cửa xả đáy. Đối với các thủy điện khác nhận nhiệm vụ điều tiết lũ thì mới bố trí cửa xả đáy. Vì khi bố trí cửa xả đáy trong thân đập sẽ rất nguy hiểm, có thể gây sự cố cho công trình.

Trả lời câu hỏi tại sao cho đến thời điểm này, Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn chưa có giấy chứng nhận an toàn đập, trong khi hồ đã tích nước vào cuối năm 2010, đại diện HĐNTNN cho rằng, đối với công trình thuộc HĐNTNN nghiệm thu thì văn bản của hội đồng sẽ xác nhận tuân thủ các điều kiện tương ứng với các tiêu chuẩn hiện hành. Văn bản này thay cho chứng nhận an toàn đập và cho phép tích nước. Trong quá trình tích nước, hội đồng theo dõi thấm, quan trắc biến dạng,… nếu có sự cố xảy ra thì hạ mực nước để xử lý. Sông Tranh 2 là trường hợp như vậy. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận thủy điện Sông Tranh 2 là công trình chưa nghiệm thu nên chưa có văn bản chính thức chấp thuận.

GS-TSKH Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch HĐNTNN thì cho rằng: “Tích nước vừa qua chẳng qua là… thử tải công trình, giống như cái cầu muốn đưa vào sử dụng phải thử tải để quan sát, theo dõi có biến dạng, thấm hay không”.

Chung quanh vấn đề dư luận rất quan tâm là có cần xây dựng phương án ứng phó sự cố, sơ tán dân hay không, nếu vỡ đập thì trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Trần Văn Được, Phó Tổng Giám đốc EVN, khẳng định: “Theo tất cả các tính toán, việc nghĩ đến sơ tán dân ở hạ lưu chúng tôi không đề cập đến vì chúng tôi tin tưởng rằng không bao giờ xảy ra chuyện như thế. Vì thế, những phương án kia (ứng phó sự cố, sơ tán dân - PV) chúng tôi nghĩ không cần thiết”. Tuy nhiên, câu hỏi nếu vỡ đập trách nhiệm thuộc về ai thì cả ông Trần Văn Được và ông Nguyễn Văn Liên - Chủ trì buổi họp báo đều không trả lời.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng lại cho rằng mặc dù khả năng xấu nhất khó xảy ra nhưng phải tính đến tất cả các tình huống, nên Bộ Công thương có văn bản giao cho tất cả các chủ đập phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn thân đập trong đó có tình huống vỡ đập chúng ta sẽ xử lý như thế nào. Hiện thủy điện Sông Tranh 2 đang phối hợp với tư vấn và địa phương xây dựng phương án bảo vệ an toàn đập… Nếu trường hợp xấu nhất có tình huống xảy ra, chúng ta không phải bị động.

GS-TSKH Nguyễn Văn Liên cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu HĐNTNN cùng với Bộ Công thương, Bộ KHCN, Bộ Xây dựng, Viện Vật lý địa cầu cử người vào thường trực tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 trong suốt mùa lũ sắp tới để theo dõi, đánh giá hàng ngày sự làm việc của đập, ngưỡng tràn và động đất có thể xảy ra. Việc này được thực hiện trong tháng 10-2012.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng có quyết định giao cho Viện KHCN xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, vào hướng dẫn điều tra khảo sát từng công trình, cả công trình công cộng, nhà dân và hướng dẫn nhà dân có biện pháp gia cố chịu được động đất.

Nguyên Khôi

>>Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn?

>>Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào kiểm tra
 

Tin cùng chuyên mục