Quảng Nam: Đề nghị nghiên cứu sâu về động đất

Sau khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các bộ ngành liên quan tổ chức họp báo công bố kết luận chính thức kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2… lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp tục có một số đề nghị với các bộ ngành trung ương, đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu về động đất.

Sau khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và các bộ ngành liên quan tổ chức họp báo công bố kết luận chính thức kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2… lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp tục có một số đề nghị với các bộ ngành trung ương, đặc biệt là các nhà khoa học nghiên cứu về động đất.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải:Đề nghị nghiên cứu chuyên sâu về động đất

Sau khi Hội đồng nghiệm thu nhà nước công bố kết luận chính thức của Chính phủ về vụ Sông Tranh 2, chúng tôi lấy đó làm cơ sở để giải thích cho nhân dân yên tâm. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kiến nghị các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu hơn và có thống nhất cao trong nghiên cứu về động đất để tạo sự yên tâm cho dân ngay khi có động đất xảy ra; chuẩn bị các phương án để xử lý các thiệt hại trong tình huống xấu xảy ra.
 
Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại để tạo lòng tin cho nhân dân. Những thiệt hại vừa qua (nứt, hư hỏng nhà cửa - PV) tôi khẳng định là do động đất nên chúng ta phải giúp dân khắc phục những thiệt hại đó. Tôi nghĩ, trách nhiệm này không ai khác ngoài chủ đầu tư công trình. Chủ đầu tư công trình và chính quyền địa phương làm sao để cho dân thấy rằng, khi công trình đi vào hoạt động có tác động đến đời sống người dân. Chủ đầu tư, các cấp ủy chính quyền địa phương sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm để dân an tâm hơn, thông cảm trước những phát sinh không lường trước được như thời gian vừa qua.

Ngoài ra, đề nghị các nhà khoa học phổ biến kiến thức, hiểu biết về công trình, về động đất để dân hiểu, dân biết, tránh tình trạng một vài phát ngôn không chính xác, nói nhân dân kém hiểu biết… gây phản cảm và tạo nên những lo lắng không cần thiết. Đặc biệt, các nhà khoa học phải nghiên cứu sâu, nghiên cứu lâu dài để dân tin tưởng, an tâm.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh: Tổ chức các phương án ứng phó sự cố

Sau khi có công bố chính thức của Chính phủ trong cuộc họp báo tại Quảng Nam về khắc phục sự cố thủy điện Sông Tranh 2 và động đất tại đây, tôi tin tưởng vào kết quả mà các nhà khoa học đã nghiên cứu, công bố. Đây là kết quả của các nhà khoa học cùng với các cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ nên chính quyền địa phương căn cứ vào kết quả đó để giải thích cho nhân dân rõ và yên tâm.
 
Còn về phía EVN nói không tính đến phương án ứng phó sự cố vỡ đập, sơ tán dân… là do họ nghĩ không bao giờ có chuyện vỡ đập, tuyệt đối an toàn, nhưng về nguyên tắc phải xây dựng phương án ứng phó sự cố. Địa phương sẽ tổ chức xây dựng phương án ứng phó sự cố này trong thời gian tới.

NGUYÊN KHÔI (ghi)

Thông tin liên quan

>> Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 có thiếu sót

>> Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào kiểm tra

Tin cùng chuyên mục