Xây cầu Cái Tàu Thượng - An Giang: Dân hết đường làm ăn

Mấy ngày qua, rất đông người dân xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã phản ứng với đơn vị thi công, đồng thời gửi đơn khiếu nại do chủ đầu tư công trình cầu Cái Tàu Thượng xây đường dẫn vào cầu cao 2,5m chắn mất cửa nhà và chừa lối đi chỉ đủ hai người chui lọt...
Xây cầu Cái Tàu Thượng - An Giang: Dân hết đường làm ăn

Mấy ngày qua, rất đông người dân xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã phản ứng với đơn vị thi công, đồng thời gửi đơn khiếu nại do chủ đầu tư công trình cầu Cái Tàu Thượng xây đường dẫn vào cầu cao 2,5m chắn mất cửa nhà và chừa lối đi chỉ đủ hai người chui lọt...

  • Vụt tắt niềm háo hức

Cầu Cái Tàu Thượng do Sở Giao thông Vận tải An Giang làm chủ đầu tư và nhà thầu là liên doanh giữa doanh nghiệp tư nhân Tiến Đạt và Công ty Xây dựng công trình giao thông 586. Dự án được khởi công vào tháng 6-2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2013 với tổng giá trị gói thầu trên 22 tỷ đồng từ vốn ngân sách, dài 56,14m, rộng 11,4m, tải trọng 19 tấn. Đường vào cầu theo chuẩn cấp IV đồng bằng. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa, chiều dài vào cầu mỗi phía 112,7m. Cầu Cái Tàu Thượng mới nằm trên Tỉnh lộ 942, nối liền hai bờ tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Đường dẫn cầu Cái Tàu Thượng bít kín nhà dân.

Đường dẫn cầu Cái Tàu Thượng bít kín nhà dân.

Dự án cầu Cái Tàu Thượng khởi đầu khá suôn sẻ khi 100% hộ dân đồng ý giải tỏa, di dời và nhận bồi thường theo mức giá bồi thường của nhà nước. Bởi lâu nay họ vẫn mong chờ một chiếc cầu mới để giao thông thêm thuận lợi. Chính vì vậy, các hộ dân đã chủ động tự tháo dỡ và di dời sớm hơn thời gian yêu cầu của phía chủ đầu tư.

Thế nhưng, các vấn đề bắt đầu phát sinh mâu thuẫn kể từ khi nhà thầu tiến hành đúc kè bê tông cốt thép cao 2,5m với chiều dài 112,7m để xây dựng đường dẫn lên cầu. Từ đó, ngăn luôn mặt tiền đường của nhà dân với quốc lộ và lối đi dân sinh. Có ít nhất 50 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và hàng trăm hộ bên trong chợ bị ảnh hưởng khi đường dẫn lên cầu được xây dựng. Đường dẫn đang đúc quá cao, che khuất toàn bộ tầng trệt các căn nhà. Đường dân sinh chỉ vừa đủ hai người chui lọt! Điều này đã khiến việc buôn bán của bà con ngưng trệ hoàn toàn, mất kế mưu sinh. Chưa kể, khoảng cách giữa đường dẫn và nhà dân quá gần sẽ bị ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và khi có tai nạn xảy ra cũng hết sức nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Ông Lê Văn Hứng, ngụ ấp 1, xã Hội An, cho biết: “Lúc đầu chúng tôi háo hức bao nhiêu thì bây giờ thất vọng bấy nhiêu. Không hiểu sao chiếc cầu dài chỉ hơn 50m và xây cao hơn cầu cũ có 70 - 80cm mà họ phải xây đường dẫn cao đến vậy? Trước đây, với căn nhà này, gia đình tôi buôn bán nhỏ nhưng cũng đủ nuôi 7 miệng ăn, trong đó có 3 cháu nhỏ đang đi học và hai ông bà già bệnh tật. Nhưng hơn một tháng nay, đường dẫn được xây dựng lên, gia đình không còn thu nhập, không biết mai này sẽ sống ra sao?”. Hầu hết các hộ gia đình bị ảnh hưởng việc xây cầu cho biết sẽ đồng ý di dời toàn bộ phần đất nhà đang ở còn lại để giao đất phục vụ công trình. Hoặc chủ đầu tư phải hạ thấp đường dẫn và mở rộng lối đi dân sinh để đảm bảo an toàn và người dân có thể buôn bán nhằm tạo ra thu nhập nuôi sống gia đình.

  • Dân bức xúc là đúng

Ông Tô Văn Lùng, Phó Chủ tịch xã Hội An, cho rằng việc bà con bức xúc rất chính đáng. Bởi ngay từ đầu, lỗi của chủ đầu tư đã không minh bạch khi thuyết trình, giới thiệu về quy mô dự án chỉ nói chung chung xây cầu mới và nâng cấp mặt đường nên hầu hết người dân rất phấn khởi và đồng ý giải tỏa, di dời; không hề đả động gì đến việc xây dựng đường dẫn cao và đường dân sinh hẹp như hiện trạng. “Cây cầu hình thành, các hộ dân hết đường làm ăn và lối đi dân sinh, đường dẫn vào chợ cũng rất nguy hiểm nên người dân bức xúc là đúng”, ông Lùng nói.

Chánh Văn phòng UBND huyện Chợ Mới Nguyễn Hùng Chiến nói: “Bản thân tôi đã có lần đến chỗ đường dẫn cây cầu, thật sự không hình dung đường dẫn lại cao như vậy, có lẽ do thiết kế cầu không hợp lý nên cần xem xét lại và đối thoại với dân. Trước mắt, UBND huyện đã có kiến nghị lên cấp trên đề nghị có kế hoạch và hướng xử lý cho hợp lòng dân”.

Đáng chú ý, việc người dân phản đối việc xây đường dẫn lên cầu chỉ xảy ra bên phía bờ tỉnh An Giang. Riêng phía tỉnh Đồng Tháp, do từ đầu UBND tỉnh đã chủ động giải tỏa, di dời toàn bộ nhà đất các hộ dân bị ảnh hưởng để mở rộng hành lang và đường dân sinh nên người dân không phản đối, khiếu nại. 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục