Đất anh hùng đón Đại tướng anh hùng

Đất của những anh hùng
Đất anh hùng đón Đại tướng anh hùng

Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đi qua 2 huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, một phần Đồng Hới (Quảng Bình) trước khi đến nơi an nghỉ cuối cùng là đất Rồng, thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông. Cung đường trên quốc lộ 1A đoạn qua 2 huyện này được các bô lão đánh giá là cung đường kiệt xuất bởi các làng mạc ở đây có truyền thống yêu nước nồng nàn, nhiều danh tài xuất thế, cũng là nơi sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt qua nhiều đời dựng nước, giữ nước.

Những mái đình giản dị của những xã anh hùng chờ đón người con Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: MINH PHONG

Những mái đình giản dị của những xã anh hùng chờ đón người con Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: MINH PHONG

Đất của những anh hùng

Mấy ngày nay, khắp nơi của tỉnh Quảng Bình, nhất là 2 huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, một phần Đồng Hới người người, nhà nhà đều tự nguyện ra hai bên quốc lộ 1A dọn dẹp phong quang đường sá để đón Đại tướng về an giấc thiên thu.

Ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch nói trong rưng rưng: “Huyện nhà vinh dự được đón linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua nhiều xã như Lý Trạch, Nam Trạch, Nhân Trạch, Đại Trạch, Hoàn Lão, Trung Trạch, Đồng Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch, Phú Trạch, Bắc Trạch, Hải Trạch. Đó là những xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”. Phía huyện Quảng Trạch, dọc những ngôi làng hai bên quốc lộ 1A là các xã Quảng Thuận, Quảng Thọ, Ba Đồn, Quảng Xuân, Quảng Hưng, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Phương, Quảng Thanh, Quảng Đông cũng là các địa phương anh hùng thời kỳ khói lửa.

Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, xác nhận: “Rất kỳ lạ là 13 địa phương xã có đất đai hương hỏa tiễn biệt Đại tướng ra núi Rồng trùng hợp với ngày an táng Đại tướng vào ngày 13-10. Huyện Bố Trạch cũng có 13 xã dọc quốc lộ trùng ngày đại tang ấy”.

Người ra đi thời trai trẻ, khi nước nhà chịu họa xâm lăng, nay trở về, quê hương yên bình, bát ngát với những địa danh anh hùng lồng lộng. Đó như là diễm phúc cho muôn dân trong vùng. Trên cung đường đó, thi hài của Đại tướng cũng được đưa đi qua các nghĩa trang liệt sĩ xã, 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, một nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, nghĩa trang Ba Dốc. Thi hài Đại tướng sẽ đi ngang qua tượng đài chiến thắng sông Gianh, nơi Hải quân nhân dân Việt Nam chiến thắng trận đầu với giặc Mỹ.

Cũng tình cờ, thống kê của chúng tôi với các địa phương dọc hai bên quốc lộ 1A có 103 ngôi làng có lộ trạch nhìn được linh cữu Đại tướng. Các làng mạc hồn hậu mát rượi với bao tàng cây từ thời khai canh còn tồn tại. Những làng mạc này là dấu ấn của một thời kỳ khai mở nước Đại Việt của hơn 1.000 năm trước để lại. Làng có bề dày lâu nhất, thuần Việt cũng cả ngàn năm, làng trẻ nhất cũng đã 60 năm. Những mảnh làng ấy không chỉ anh hùng trong thời kỳ lửa đạn mà đã anh hùng từ thời kỳ làng khai đất, lập ấp mấy trăm năm trước. Những gì sử cũ còn chép lại vẫn rõ ràng; người của phía các làng mạc ấy đã thề hẹn với Lý Thường Kiệt bình định vùng đất từ núi Hoành Sơn vào đến Thuận Hóa, thề nguyền với Lê Lợi - Nguyễn Trãi đánh tan giặc phương Bắc. Họ cũng bao phen đánh bại nhà Tống, quân Minh, cũng dựng áo vải cờ đào theo Nguyễn Huệ quét sạch giặc Thanh. Khi vua Hàm Nghi dựng cờ Cần vương, bá tánh trong vùng cũng theo dấu vua yêu nước...

Người thương dân xuất thế

Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đưa đi qua những dòng sông tưới tắm các làng quê như sông Gianh, dòng Loan. Những ngọn núi Lệ Đệ, Hoành Sơn, Lèn Bảng... hùng vĩ tỏa bóng dõi theo ngày về của vị tướng nhân dân. Những mảnh đất của cung đường này, tự xa xưa đã xuất thế bao anh tài thương dân. Đấy là đất của khoa bảng đại thần nhập thế, nên có thơ xưa rằng: “Thập bát quận công tam tể tướng/Bách dư công sĩ nhị trạng nguyên”. Điều đó nói lên vùng đất vinh hạnh đón Đại tướng “đi qua” đã nổi tiếng từ xa xưa.

Trên cung đường anh hùng ấy, qua xã Cảnh Dương còn lưu giữ danh tướng Phạm Chân đỗ khai khoa tiến sĩ triều Nguyễn. Khi thực dân đánh chiếm Nam kỳ, ông tình nguyện xin vào Vĩnh Long đánh giặc cứu nước, khi đồn Chí Hòa mất, ông đã tuẫn tiết để nêu cao lòng trung quân báo quốc với kẻ sĩ đương thời.

Ở huyện Quảng Trạch vẫn còn ghi sử sách một người con được nhân dân tỉnh Hưng Yên dâng sớ xin ở lại vì đức thương dân hiếm gặp. Ấy là tiến sĩ Trần Văn Chuẩn dưới thời vua Tự Đức. Ông từng làm Án sát tỉnh Thanh Hóa, đi sứ Trung Quốc cũng làm một phen kẻ sĩ Trung Quốc thất kinh về tài đối đáp. Sau đó, về làm tuần phủ tỉnh Hưng Yên. Ông là mẫu người thương dân, triều đình định đưa về An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) giúp dân biên giới xa xôi nhưng nhân dân sĩ thứ Hưng Yên đã dâng sớ xin cho ông ở lại vì nết thanh liêm cần mẫn, hết lòng lo việc dân, việc nước, nên vua y thuận cho ở lại đất Hưng Yên.

Làng Thuận Bài sát quốc lộ 1A (Quảng Thuận ngày nay) có xuất thế danh nhân Trần Đạt. Cụ là người văn võ song toàn, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều chiến công hiển hách cùng con cháu, được Lê Lợi phong cho gia đình đến 6 vị quận công, một vị quốc công, 7 vị tước hầu... vì đức hy sinh cho dân cho nước. Đất trong vùng Quảng Trạch cũng xuất thế danh nhân nổi tiếng Nguyễn Hàm Ninh là người dạy vua Tự Đức, được Cao Bá Quát phục tài mọi mặt... Cung đường linh cữu Đại tướng “đi qua” quả thật đó là nơi mà ngày xưa xuất thế những dòng tộc, những con người thương dân yêu nước, tận hiếu, tận trung, những bậc hào kiệt vì nghĩa lớn.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng xuất hiện hàng chục vị tướng ở dọc sông Gianh mà tiêu biểu là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Tư lệnh Đoàn 559. Và còn nhiều tấm gương lẫm liệt khác. Linh cữu Đại tướng “đi qua” sẽ là nơi hiện có nhiều con em đang công tác phía Trường Sa hay bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Những cựu binh ở Gạc Ma cho biết sẽ đứng chờ dọc quốc lộ để tưởng nhớ Đại tướng. Riêng người dân các xã đã hẹn nhau ngày đưa tiễn vị tướng của nhân dân, họ sẽ đứng dọc hai bên quốc lộ để tiễn đưa Đại tướng.

Ngày 10-10, Sở GTVT Quảng Bình cho biết, đoạn đường hơn 4km từ chân núi Rồng đến địa điểm an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thi công được hơn 60% khối lượng công trình. Tập đoàn Trường Thịnh được giao nhiệm vụ thi công 24/24 giờ. Các đơn vị thi công cũng được chỉ đạo làm 3 bãi đậu xe với sức chịu lực cao của các xe quân sự chở thi hài Đại tướng. Mặt đường dẫn vào khu mộ Đại tướng được rải cấp phối dày 20cm, nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 7m.

Có mặt tại Quảng Bình, Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ với đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị chu đáo các công việc tiến hành lễ tang. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện với 1.500 bộ đội và dân quân tự vệ cùng bộ đội biên phòng, công an tổ chức bảo vệ an toàn khu vực an táng; không gian tiến hành lễ an táng từ sân bay Đồng Hới đến Vũng Chùa - Đảo Yến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trao đổi qua điện thoại với PV Báo SGGP cho biết, địa điểm viếng Đại tướng được đặt tại hội trường UBND tỉnh Quảng Bình (số 6 đường Hùng Vương, TP Đồng Hới). Thời gian viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 20 giờ ngày 12-10.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, trên tinh thần kính trọng và tiếc thương vô hạn đối với vị Đại tướng của nhân dân, tỉnh Quảng Bình sẽ không hạn chế nhân dân vào viếng. Đồng thời với địa điểm tại UBND tỉnh, tại nhà lưu niệm của Đại tướng ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy cũng tiếp tục tổ chức đón nhân dân đến viếng. Tại khu mộ Đại tướng, sau khi an táng xong sẽ đón các đoàn và nhân dân vào viếng vị tướng nhân dân không giới hạn.

MINH PHONG

- Lính già nhòa lệ trước anh cả...!

Tin cùng chuyên mục