Sẽ kiểm tra từ khâu thiết kế các công trình thủy điện

Sẽ kiểm tra từ khâu thiết kế các công trình thủy điện

Từ sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng:

Trao đổi về sự cố vỡ đập công trình thủy điện Ia Krêl 2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ những nhận định ban đầu về nguyên nhân vỡ đập. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định:

Hiện chưa có đủ căn cứ để khẳng định vỡ đập do chất lượng kỹ thuật có vấn đề. Nhưng theo xác định sơ bộ có thể do đập vỡ ngay tại điểm tiếp giáp. Chỗ tiếp giáp lẽ ra trong quá trình thi công phải có lớp đất sét rất tốt để làm bám viền này nhưng nếu thi công không tốt sẽ có ít đất sét và làm cho chỗ tiếp giáp này úng cục bộ. Do vậy, khi nước vào một đằng là cứng, đằng là mềm sẽ tạo ra khe và từ đó làm thấm và moi đất ra. Đây là đập đất nên khi nước thấm qua không như bê tông.

* Phóng viên:
Từ sự việc vỡ đập này đặt ra nhiều câu hỏi về thẩm định và chất lượng công trình thủy điện?

* Bộ trưởng TRỊNH ĐÌNH DŨNG:
Do tính chất đặc thù, các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn cộng đồng. Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 09/7/2012 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra, đánh giá và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý chất lượng an toàn toàn bộ hệ thống hồ đập thủy lợi, thủy điện trên phạm vi cả nước. Chúng tôi đã tổng rà soát và có báo cáo sau khi kiểm tra toàn bộ hồ đập các công trình thủy điện. Công trình nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, công trình thủy điện nào thuộc trách nhiệm các bộ, địa phương, công trình hồ đập thủy lợi thuộc trách nhiệm Bộ NN-PTNT sẽ phải được xác định. Nếu biết công trình nào không an toàn chắc chắn phải dừng.

* Như vậy có thể thấy từ trước tới nay công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng có nhiều vấn đề bất cập?

* Trước đây, hệ thống văn bản pháp luật quản lý các công trình xây dựng chủ yếu chỉ tập trung và điều chỉnh các hoạt động của chủ đầu tư và các nhà thầu, chưa phân định rõ trách nhiệm kiểm soát chất lượng công trình và an toàn công trình của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, đặc biệt đối với các công trình có ảnh hưởng đến an toàn của cộng đồng. Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng cũng chưa phân định rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; trách nhiệm của các bên trong các hình thức thầu; chưa quản lý được thông tin về năng lực các nhà thầu; hoạt động kiểm tra và nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng chưa được pháp lý hóa trong văn bản quy phạm pháp luật… Đó đều là những yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng cần được khắc phục.

Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Đức Cơ, Gia Lai) ngày 12-6. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Đức Cơ, Gia Lai) ngày 12-6. Ảnh: ĐỨC TRUNG

* Những bất cập trên sẽ được khắc phục như thế nào trong thời gian tới?

* Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng đã nhìn thấy những bất cập nêu trên và đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, thay vì như trước đây giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm chất lượng xây dựng thì tới đây, chủ đầu tư vẫn là người quyết định nhưng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, mà thẩm định phải là tiền kiểm từ khâu thiết kế kỹ thuật (trước đây là hậu kiểm, kiểm tra khi công trình đã xong). Đặc biệt, đối với công trình có ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của cộng đồng thì thiết kế kỹ thuật chỉ được phê duyệt khi đã được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm định...

* Với sự cố đã xảy ra tại thủy điện Ia Krêl 2 thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa bộ trưởng?

* Bây giờ đã vỡ đập thì khắc phục không chỉ một lúc được mà phải xác định nguyên nhân khi công trình có sự cố, trách nhiệm và sau đó là biện pháp khắc phục. Phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân từ đó mới xác định trách nhiệm cụ thể và trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Nếu sự cố trên gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân thì phải tập trung khắc phục triệt để ngay.

* Số liệu thiệt hại về tính mạng chưa có nhưng về tài sản đã có thì hướng khắc phục ra sao?

* Địa phương phải tập trung khắc phục. Còn Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải đứng ra yêu cầu địa phương đánh giá kỹ về nguyên nhân vì đây là thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh và Sở Công thương địa phương.

* Cảm ơn bộ trưởng!

NGỌC QUANG - BÍCH QUYÊN 

Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ việc làm cho người dân vùng thủy điện

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với các hộ dân bị thu hồi đất dưới 30% thuộc công trình thủy điện An Khê - Ka Nak (nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai). Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Gia Lai tiếp thu ý kiến của Bộ TN-MT, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp dưới 30% thuộc công trình thủy điện An Khê - Ka Nak theo đúng quy định. Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak do EVN làm chủ đầu tư, triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), có tổng công suất lắp máy 173 MW. Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak được khởi công xây dựng ngày 14-11-2005 và đến ngày 18-10-2012 nghiệm thu tổng thể, đưa vào sử dụng.

Khi thực hiện dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, tổng diện tích đất mà BQL Dự án thủy điện 7 (thuộc EVN) thu hồi tại huyện Kbang và thị xã An Khê là trên 3.100ha, bao gồm cả đất tự nhiên, đất sản xuất và đất ở của người dân. Ngoài ra, việc tích nước hồ thủy điện còn làm ngập hàng trăm hécta đất sản xuất của nhân dân khai hoang và ổn định sản xuất từ những năm 1989-2000. Tuy nhiên, việc đền bù, tái định cư chỉ được thực hiện nửa vời, khiến hơn 2.500 hộ dân của huyện Kbang và thị xã An Khê bị lâm vào cảnh khốn khó.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục