Miền Trung - Tây Nguyên: 14 người chết và mất tích do bão, lũ

Miền Trung - Tây Nguyên: 14 người chết và mất tích do bão, lũ

* Bão không đổ bộ vào đất liền như dự báo
* Lũ trên các sông ở miền Trung đang lên

(SGGPO).- Theo tin từ Trung tâm Phòng chống lụt bão Miền Trung - Tây Nguyên, sáng sớm nay (19-9), sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6. Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km suy yếu và tan dần.

Miền Trung - Tây Nguyên: 14 người chết và mất tích do bão, lũ ảnh 1

Lũ dâng cao, nhiều vùng ở hạ lưu sông Vu Gia (Quảng Nam) ngập trong nước. Ảnh: Nguyễn Hùng

Sáng nay, theo ghi nhận của PV SGGP, hầu hết người dân các địa phương miền Trung cho rằng, bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi còn cách đất liền hàng trăm km và tan ngay trên biển chứ không đổ bộ vào đất liền như dự báo.

Anh Lê Hoàng Phúc, nhà ở ven biển quận Sơn Trà, nói rằng: Nghe tin đài báo là bão sẽ đổ bộ vào bờ lúc 4 giờ sáng, nên tôi phải thức để trông chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu ở sông Hàn. Thế nhưng từ cuối giờ chiều ngày 18-9, sau khi mưa rất to thì không thấy gió gì cả. Thức đến sáng cũng không thấy bão vào. Đến sáng nay thì trời quang mây tạnh, nắng ráo. “Mấy ông làm dự báo kiểu này thì khổ cho người dân chúng tôi. Tôi tin chắc không chỉ mình tôi thức, lo lắng suốt đêm qua mà hàng nghìn, hàng chục nghìn người dân miền Trung cũng vậy” – anh Phúc bức xúc.

Mặc dù, bão số 8 không đổ bộ vào miền Trung như dự báo, nhưng nó cũng đã gây ra những thiệt hại lớn do mưa, lũ.

Theo số liệu của Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, thống kê sơ bộ từ các địa phương đến sáng nay cho biết: Đã có 3 người chết (1 người ở Quảng Trị bị nước cuốn trôi khi đi làm rẫy tại thượng nguồn sông Đắk Rông vào trưa ngày 18-9; 1 người ở Đắk Lắc chết trên cây chưa rõ tung tích và 1 người ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam bị lũ cuốn trôi). Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm 11 người (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) mất tích. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực tìm kiếm và xác định danh tính. Bên cạnh đó, trong đợt mưa lũ vừa qua cũng đã làm gần 100 nhà dân ở Đắk Lắc bị ngập và cuốn trôi, hàng chục héc-ta hoa màu, cà phê bị hư hại…  Bão số 8 cũng đã làm 3 chiếc tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị đánh chìm do neo đậu quanh đảo Lý Sơn.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tại nhiều hồ, đập ở Đắk Lắc đã xảy ra sự cố rò rỉ qua thân đập.

Cũng theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, mặc dù đến sáng nay, mưa đã giảm trên hầu hết các địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, nhưng hiện lũ trên các sông ở miền Trung đang lên và ở mức cao. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam đang ở mức Báo động 1, báo động 2; riêng lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Vu Gia (Quảng Nam) ở mức trên báo động 3. Lũ trên 2 sông này ở mức cao nên trong sáng 19-9, tại những vùng hạ lưu của sông Vu Gia và Thạch Hãn nhiều vùng bị nước lũ cô lập, có nơi ngập sâu đến hơn 1m.

NGUYỄN HÙNG


Vụ 11 người bị lũ cuốn trôi ở Đắk lắk: Cứu được 3 người sống, tìm được 2 thi thể

Sáng 19-9, ông Nguyễn Đình Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp - Đắk Lắk, cho biết: Lực lượng bộ đội, công an huyện đang tổ chức tìm kiếm 10 người dân bị lũ cuốn trôi tại lâm phần của Công ty Rừng Xanh (thuộc xã Ia Lơi) quản lí.

Theo ông Toản, khu vực những người dân trú ngụ trước khi gặp lũ hiện đã bị quét sạch. Đến 11 giờ sáng nay, 19-9, lực lượng cứu hộ huyện Ea Súp - Đắk Lắk đã tìm thấy và đưa được 2 thi thể là ông Đào Văn Lý (49 tuổi) và bà Hầu Thị Mỵ (44 tuổi, cùng ngụ ở xã Cư K’bang) về mai táng. Lực lượng cứu hộ cũng đã đưa 3 mẹ con bà Lý Thị Pằng (47 tuổi, vợ ông Lý), Đào Thị May (16 tuổi) và bé Đào Thị Thủy (16 tháng tuổi) vào khu vực an toàn. Hiện vẫn còn 6 người mất tích, trong đó có 2 con gái bà Pằng là Đào Thị Phương (7 tuổi) và Đào Thị Thúy (4 tuổi). Chiều cùng ngày, 3 mẹ con bà Pằng đã được đưa về Trạm y tế xã Ia Jlơi để theo dõi sức khỏe. Bác sĩ Đinh Thị Lương cho biết hiện 3 mẹ con chị Pằng sức khỏe đã ổn định, cháu bé cũng bắt đầu ăn được.

Miền Trung - Tây Nguyên: 14 người chết và mất tích do bão, lũ ảnh 2

Ba mẹ con bà Pằng đã được cứu sống. Ảnh: Công Hoan

Bà Pằng kể lại: Sáng 16-9, bà cùng chồng và 4 con vào khu vực rẫy thuộc xã Ea Rốk để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Khu vực này bị bao quanh bởi 2 dòng sông. Khoảng 7 giờ sáng ngày 17-9 mưa lớn cộng với việc nước từ thượng nguồn đổ về mạnh nên họ đã lên chòi rẫy để trú. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, nước càng dâng cao nên 2 gia đình gồm 6 người làm gần đó cũng qua chòi rẫy nhà bà trú mưa vì chòi họ thấp hơn nên bị ngập trước. Lúc đó, bà nghĩ chắc nước cũng chỉ lên tới đây, nhưng không ngờ khoảng 1 tiếng sau nước tiếp tục đổ về rồi đột ngột cuốn trôi chòi rẫy cùng 12 người trong đó. Do biết bơi nên bà cõng bé Thủy trên lưng bám được vào một cây gỗ lớn rồi kéo theo bé May trôi theo dòng nước. Sau đó, cả ba dạt vào một bụi tre và bám trụ từ đó tới sáng nay. Những người còn lại chỉ có ông Đào Văn Thanh là bơi được vào bờ những người còn lại thì đã bị nước cuốn trôi.

Hiện lực lượng cứu hộ huyện Ea Súp và tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chạy dọc theo dòng sông Ea H’leo để tìm kiếm 6 nạn nhân mất tích.

Trước đó, vào ngày 18-9, 11 người dân xã Ea Lơi đi làm rẫy tại khu vực nói trên đã bị lũ cuốn trôi. Trong chiều cùng ngày, cơ quan chức năng đã tìm thấy một thi thể người dân (chưa rõ danh tính) gần khu vực giáp gianh giữa xã Ia Lơi và xã Cư Kbang.

CÔNG HOAN


Thừa Thiên – Huế: Quốc lộ 49 sạt lở nghiêm trọng

Sáng nay 19-9, thời tiết tại Thừa Thiên – Huế tạnh ráo sau 2 ngày mưa lớn do ảnh hưởng bão số 8. Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, do ảnh hưởng mưa bão số 8, toàn tuyến Quốc lộ 49A đang thi công có 4 điểm sạt lở và sụt lún, gồm: Km 67+700 với khối lượng 1.000m³ đất đá; Km 73+100 với khối lượng khoảng 500 m³ đất đá; Km 75+150 và khu vực hạ lưu mố nón cầu tại Km 70+655.

Trong đó nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở tại Km 67+700 với khối lượng hơn 1.000m³ đất đá khiến cho tuyến đường huyết mạch Huế đi A Lưới bị chia cắt trong nhiều giờ và hiện nay vẫn tiếp tục sạt lở.

Đơn vị thi công đang khắc phục vị trí sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49A.

Đơn vị thi công đang khắc phục vị trí sạt lở trên tuyến Quốc lộ 49A.

Văn Thắng


Quảng Bình: Hơn 5.000 hộ dân bị cô lập

Ngày 19-9 mưa lớn tiếp tục diễn ra trên địa bàn Quảng Bình làm xuất hiện lũ cục bộ tại một số nơi ở huyện Minh Hóa và huyện Lệ Thủy.

Tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu từ 0,5m-1m nước, giao thông ách tắc, đèo Đã Đẽo bị sạt lở nên không thể đi lại. Hiện còn một tuyến đường độc đạo duy nhất lên huyện Minh Hóa là theo quốc lộ 12A đi xuyên qua huyện Quảng Trạch, lên xã Tuyên Hóa mới vào được Minh Hóa.

Ông Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón, xã Thượng Hóa cho biết 600 người Rục ở Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ đã bị lũ cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Ông Tư cho biết, trước lũ, huyện đã trợ cấp gạo cho mỗi khẩu 30kg trong hai tháng để đề phòng lụt bão.

Mưa lớn tiếp diễn phức tạp cũng gây lũ lên hơn báo động 2 tại sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Lệ Thủy đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, áo phao, mì tôm, gạo dự trữ nhằm ứng phó khi lũ còn diễn biến phức tạp.

Chiều ngày 19-9 ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh, một phần xã Võ Ninh, xã Trường Xuân, Trường Sơn đã bị lũ cô lập.

Thông tin ban đầu ước tính có hơn 5000 hộ dân bị lũ bủa vây, cắt đứt liên hệ giao thông đi lại với bên ngoài. Quốc lộ 1A nối với đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn bị ngập hơn 2m nước. Các đường liên xã nối quốc lộ 1A với các vùng trũng bị ngập sâu khoảng 1,5m-2m nước. Các tuyến đường tỉnh lộ 10, 16 hoàn toàn bị chia cắt, có nơi ngập hơn 5m. 

Trong khi đó, tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), rốn lũ ở vùng cao, nước đã dâng ngập một số hộ dân. Ông Cao Thanh Bình, Bí thư xã Tân Hóa cho biết, mưa rất lớn, hiện địa phương đang lo nước ngập trong đêm khó ứng biến. Nếu lũ tiếp tục lên, địa phương đã có hơn 300 nhà bè để di dân. Tại các bản Dộ, Ra Mai xã Trọng Hóa có đồng bào Mày, Khùa sinh sống đều bị cô lập, đường ra biên giới ở vùng Tà Vờng bị sạt lở nhiều đoạn, hiện mưa vẫn tiếp diễn rất lớn tại Quảng Bình và thành phố Đồng Hới. Nhiều tuyến đường như Trần Hưng Đạo, đường Lê Lợi ở Cống Mười, ngã tư Hai Bà Trưng (Đồng Phú),  đang bị mưa lũ chia cắt, người dân đi lại khó khăn.

Minh Phong


Hà Tĩnh: 2 tàu đánh cá bị mất liên lạc trên biển

Sáng nay, 19-9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện 2 tàu đánh cá của ngư dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang bị mất liên lạc trên biển.

Trước đó, vào khoảng 20 giờ tối 18-9, tàu đánh cá của ông Nguyễn Văn Thắng (ở xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) bị vỡ mũi tàu ở tọa độ 19°57’N-107°30’E cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 17 hải lý về phía Đông Nam, trên tàu có 5 thuyền viên. Sau khi nhận tin báo cầu cứu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo phòng cứu hộ cứu nạn - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và điều động thêm 2 tàu của ông Nguyễn Văn Ngo, Nguyễn Văn Nam ở đảo Bạch Long Vỹ tổ chức tìm kiếm, tuy nhiên do trời tối, sóng biển, gió đánh lớn không thể liên lạc được với tàu bị nạn. Đến 6 giờ sáng 19-9, tàu của ông Ngo cũng mất liên lạc. Hiện Văn phòng Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải và điều 1 tàu SAR đi cứu nạn.

Trong khi đó, lúc 2 giờ sáng 19-9, tàu LUCKSAR của Công ty TNHH thương mại và vận tải biển Hòng Long – TP HCM, trên tàu có 8 thuyền viên. Tàu có trọng tải toàn phần 3.612,5 tấn, mớn nước đầy tải 5,86m, chiều dài 84,54m, chiều rộng 12,98m. Sau khi trả hàng tại cảng Vũng Áng, neo đậu phía ngoài cầu cảng. Do sóng to, gió lớn khiến bị đứt neo trôi dạt tự do vào Mũi Dung (cách cảng Vũng Áng 1,5km về phía Tây Bắc) bị mắc cạn. Hiện số thuyền viên đã được cứu vào bờ an toàn. Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đang chỉ đạo Đồn Biên phòng Vũng Áng tiếp cận, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho tàu và thủy thủ.

Tàu LUCKSAR bị mắc cạn

Tàu LUCKSAR bị mắc cạn

DƯƠNG QUANG


 Quảng Trị: Hàng ngàn nhà dân vùng cao bị lũ nhấn chìm

Sáng 19-9, lũ sông Sê Pôn giáp giới giữa Việt Nam- Lào đột ngột dâng cao khiến nhà cửa hàng ngàn gia đình tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu gây thiệt hại nặng nề, đời sống nhân dân bị khốn khó.

Từ 6 giờ sáng ngày 19-9, nước lũ tràn qua tuyến Quốc lộ 9 đi qua địa phận huyện Hướng Hóa. Hàng chục điểm bị ngập sâu gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Nặng nhất là ở Km 75+200m và Km 75 +500m thuộc xã Tân Long (Hướng Hóa) bị ngập cục bộ sâu vài mét. Ngoài ra, mưa to kéo dài liên tục trong nhiều giờ liền khiến các tuyến đường đi lại ở các xã vùng Lìa bị chia cắt hoàn toàn. Rất nhiều nhà dân sát các sông suối bị ngập sâu.

Ông Võ Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, tính đến 12 giờ trưa ngày 19-9, 32 thôn bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa vẫn nằm trong vùng ngập lụt. Huyện đã tiến hành di dời trên 2500 hộ dân đến nơi an toàn, trên 1100 hộ dân đang được các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang tiến hành sơ tán đến nơi an toàn.  Đến thời điểm này, bão số 8 đã gây thiệt hại trên 50ha hoa màu, nhiều công trình thủy lợi hư hỏng, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở.

Trưa 19-9, hàng ngàn nhà dân tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chìm trong nước lũ.

Trưa 19-9, hàng ngàn nhà dân tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chìm trong nước lũ.

Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, 1 người dân trong lúc đi làm rẫy tại thượng nguồn sông Đakrông đã bị nước cuốn trôi trưa ngày 18-9. Hàng ngàn hộ dân ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Hải Lăng… có nhà cửa bị ngập sâu trong nước lũ phải di dời đến nơi ở kiên cố.
 
Trước đó, vào lúc 4 giờ 30 phút sáng 18-9, một cơn lốc xoáy có sức gió mạnh đi qua địa bàn thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, làm tốc mái 18 nhà dân, trong đó có bảy nhà bị hư hỏng nặng. Cũng vào sáng nay, một cơn lốc xoáy khác kèm theo mưa lớn đi qua địa bàn thôn Phú Tài, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong làm 11 nhà dân bị hư hỏng, trong đó có 4 nhà bị tốc mái hoàn toàn; hàng trăm cây xanh bị gãy đổ, nghiêng ngã.

Văn Thắng – Bích Liên

>> Miền Trung, Tây Nguyên đối mặt với lũ lớn

Tin cùng chuyên mục