Dẫn vốn vào nông nghiệp

Dẫn vốn vào nông nghiệp

Ngành ngân hàng đang tập trung nguồn vốn lớn cho phát triển nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL, góp phần tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế toàn vùng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, sản xuất nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ lẻ, lao động trình độ thấp… đang là thách thức lớn, khiến thu nhập của nông dân chưa tương xứng tiềm năng và công sức bỏ ra.

Ưu tiên nguồn vốn

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khẳng định: “ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế, đang trở thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây… Ngành ngân hàng đã và đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của vùng, đặc biệt là các sản phẩm nông sản xuất khẩu”.

Cánh đồng lớn đang được tập trung đầu tư tại ĐBSCL. Ảnh: HUY PHONG

Ngoài các chính sách chung, NHNN phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của khu vực ĐBSCL. Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Võ Minh Tuấn dẫn chứng: “NHNN đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi vốn như: Chương trình cho vay thí điểm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình liên kết, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất cho vay ưu đãi từ 7% - 10,5%/năm và mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án. Chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá lúa. Chính sách tín dụng hỗ trợ người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn; tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ…”. Tổng dư nợ cho vay đối với khu vực ĐBSCL không ngừng tăng lên, từ hơn 271.000 tỷ đồng năm 2012 lên 334.146 tỷ đồng vào năm 2014. Trong đó, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn giữ mức 200.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, góp phần quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, xuất khẩu gạo chiếm gần 3 tỷ USD; thủy sản 8 tỷ USD; trái cây rau quả hơn 1,4 tỷ USD… Ông Võ Minh Tuấn đánh giá: “Những nỗ lực của ngành ngân hàng đã góp phần lớn trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực của kinh tế vùng ĐBSCL, ngày càng nhiều mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao; đời sống người dân không ngừng được cải thiện”.

Nhận diện thách thức

Các chuyên gia nhận định, thời gian tới, nước ta hội nhập càng sâu vào kinh tế thế giới. Chúng ta chủ động ký kết một loạt các hiệp định AFTA với các nước. Điều này mang đến nhiều cơ hội cho nông sản xuất khẩu nhưng cũng đối mặt không ít rủi ro, thách thức. Trước tiên là sự cạnh tranh của nông sản nước ta với các nước ASEAN, chưa kể các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Úc… Chúng ta còn đối mặt với các vụ kiện bán phá giá, rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, chính những khó khăn thách thức trong nội tại nền sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng cũng là những thách thức không nhỏ, như: Chính sách quy hoạch vùng và liên vùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chưa triển khai mạnh; xây dựng chuỗi tiêu thụ, xúc tiến thương mại chưa hiệu quả; tập quán sản xuất, nhỏ lẻ, tự phát. Riêng hệ thống ngân hàng, việc mở rộng mạng lưới tới vùng sâu vùng xa còn hạn chế. Quá trình kiến nghị, cải tiến các thủ tục về tài sản bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm diễn ra chưa như mong muốn. Còn bất cập trong sự phối hợp giữa các chính sách…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), phân tích: “Dù nhiều nguồn vốn đã rót vào ĐBSCL nhưng kết quả đạt được của toàn vùng chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thiếu nhất quán, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, lao động trình độ thấp… Bên cạnh đó, vai trò điều tiết sản xuất kinh doanh, điều hướng kinh tế trong vùng của tín dụng ngân hàng còn khiêm tốn. Vì vậy, thu nhập của nông dân vẫn chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra”. Theo tính toán, mỗi hộ có 4 người, canh tác khoảng 1ha đất lúa thì mỗi năm một nông dân chỉ thu nhập trung bình khoảng 4,2 triệu đồng (tương đương 200 USD). Đây là chưa tính đến việc nông dân phải đóng một số khoản phí khác.

Quan tâm đến vấn đề này, Nhà giáo nhân dân, PGS-TS Tô Ngọc Hưng (Học viện Ngân hàng) đề xuất: “Chính phủ và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần có quy hoạch tổng thể cho toàn vùng, trong đó nhấn mạnh sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương. Tín dụng ngân hàng cần hướng vào sản xuất quy mô lớn, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của vùng. Đặc biệt là chú trọng nguồn vốn vay tài trợ cho các dự án có liên kết chặt chẽ theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến tới tiêu thụ, xuất khẩu…”

HUY PHONG

Tin cùng chuyên mục