Hôm nay nguồn nước đổ về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh

* ĐBSCL cấp bách trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp
Hôm nay nguồn nước đổ về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh

* ĐBSCL cấp bách trữ nước ngọt phục vụ nông nghiệp

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), dòng chảy thượng lưu trong đợt xả nước giữa tháng 3 bắt đầu tác động đến ĐBSCL. Dự kiến lưu lượng nước về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh vào hôm nay 5-4 và có hiệu quả đẩy mặn, lấy ngọt tại các vùng cửa sông (cách biển 25-40 km) từ ngày 12-4.

So với ngày 2-4, dòng chảy tại trạm Tân Châu (sông Tiền) tăng 170 m³/s. Dòng chảy tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tăng 38 m³/s. Dự báo sau ngày 12-4, mặn xâm nhập trên cửa sông Cửu Long có thể giảm từ 10-15 km so với hiện tại. Nước ngọt có khả năng xuất hiện các vùng cách biển từ 25-40 km vào lúc triều thấp. Tại khu vực ven biển Tây đã bắt đầu có sự ảnh hưởng của xả nước thượng lưu, độ mặn đang có xu thế giảm.

Dự kiến lưu lượng nước về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh vào hôm nay 5-4. (Trong ảnh: Nạo vét kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng Ảnh: TRUNG HIẾU)

Dự báo nguồn ngọt từ sông Hậu về vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang), tỉnh Hậu Giang sẽ cải thiện từ nay đến ngày 15-4, tuy nhiên sau đó mặn có thể gia tăng trở lại.

* Tại các tỉnh ĐBSCL, độ mặn đã giảm mạnh, trong khi nước ngọt về nhiều nên người dân tranh thủ lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.

Chiều 5-4, ông Huỳnh Minh Trí, cán bộ nông nghiệp xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Chúng tôi vừa đo độ mặn trong sáng cùng ngày thì rất mừng là nước mặn đã bị đẩy lùi còn 0‰ , một số nơi cao nhất cũng chỉ 0,2‰  mà thôi. Trong khi tháng trước độ mặn tấn công vào khu vực này tới 5‰ trở lên. Hiện tại, mặn đã gần như không còn và nguồn nước ngọt dồi dào, vì thế UBND xã đã thông báo rộng rãi để bà con bơm nước tưới cho 1.300ha vườn cây đặc sản. Bên cạnh đó là tích trữ nước ngọt vào ao mương… nhằm có phương án sử dụng cho sản xuất nông nghiệp lâu dài”.

Cùng niềm vui trên, ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) tiết lộ: “Hầu hết diện tích mía ở Cù Lao Dung bị “khát” nước từ nhiều ngày nay. Thời gian qua đã có hơn 2.000ha mía thiệt hại do hạn, mặn. Do đó, độ mặn giảm làm cho nông dân mừng như nhặt được vàng. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân chủ động các điều kiện, nhưng phải chờ vài hôm nữa khi độ mặn thật sự đẩy lùi thì mới bơm nước ngọt vào cứu ruộng mía”.

Tại các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre), nhiều nhà vườn trồng bưởi da xanh đang túc trực bơm nước ngọt vào ao mương để tưới cho cây ăn trái. Ông Đào Văn Minh, Tổ phó Tổ hợp tác Bưởi da xanh Phú Thành, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành tiết lộ: “Nếu như hồi tháng 3 độ mặn ở đây là 4‰ , có lúc lên hơn 5‰ , thì nay giảm còn 2‰ , những nơi gần sông lớn giảm xuống mức 1‰ . Riêng nguồn nước ngọt trên các sông cũng tăng rất nhiều. Mặn giảm - nước ngọt về nhiều đã giúp các vườn cây ăn trái xanh tươi trở lại, không còn xơ xác lá, héo úa như trước. Tổ hợp tác đã vận động nhà vườn chuẩn bị ao mương… để tích trữ thật nhiều nguồn nước ngọt sẽ về mạnh hơn trong những ngày tới. Từ đó đảm bảo lượng nước tưới cho cây trái trong thời gian dài”.

Nông dân huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp

Theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), do ảnh hưởng nước mặn tấn công dữ dội trong những ngày qua đã làm thiệt hại hàng triệu cây giống như: sầu riêng, chôm chôm, cóc, xoài… khiến nông dân mất khoảng 26 tỷ đồng. Dấu hiệu tích cực hiện nay là độ mặn bình quân ở huyện giảm còn khoảng 2‰ , một số nơi giảm thấp hơn; tuy nhiên phải chờ khi độ mặn giảm từ 0,5‰  trở xuống thì mới khuyến cáo để người dân tưới đại trà cho cây giống, hoa kiểng, vườn…”.

Đối với các huyện chuyên canh vườn cây ăn trái và rau màu như Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh (Đồng Tháp); Bình Tân, Long Hồ, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang)… việc tập trung lấy nước ngọt, dự trữ nguồn nước đang được nhiều nông dân tích cực thực hiện. Ông Đặng Văn Lòng, ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Xứ Lai Vung nổi tiếng với cây quýt hồng đặc sản. Thời điểm này các vườn quýt đang vào giai đoạn lấy bông và ra trái non, vì vậy nguồn nước tưới là không thể thiếu, dù chỉ một ngày. Để có lượng nước ngọt dồi dào, nông dân đang nạo vét ao mương để dự trữ nước càng nhiều càng tốt, đề phòng hạn hán sẽ còn gay gắt trong thời gian tới”.

HƯƠNG GIANG - HUỲNH LỢI 

Tin cùng chuyên mục