Thú chơi... phá rừng

Đưa rừng về nhà
Thú chơi... phá rừng

Những ngày này, khi Tết Tân Mão đang đến gần, ở nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai, tình trạng đào bới gốc cây quý như bằng lăng, bồ đề, lộc vừng, sung, sanh... để chơi tết đang gia tăng. Việc săn lùng gỗ quý ở miệt cao nguyên đã trở thành cao trào, gây nhiều hệ lụy.

Gỗ trắc đang bị tận diệt.

Gỗ trắc đang bị tận diệt.

Đưa rừng về nhà

Trên các trục đường Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Trần Hưng Đạo... ở phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai), những ngày cuối năm xuất hiện nhiều xe máy bán cây cảnh lưu động và nhiều điểm bán cây xanh được mở ra. Trong số cây cảnh này, có nhiều gốc cây to như lộc vừng, sanh, si, thiên tuế, bồ đề... vừa được đào bới từ rừng về, còn xanh nguyên.

Ghé vào một điểm bán cây cảnh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, chúng tôi thấy như một rừng cây thu nhỏ. Chỉ tay vào một gốc cây lộc vừng khá to, đẹp mắt, mới được giâm vào chậu tròn cao cả mét, ông chủ vườn ra giá bán 15 triệu đồng. Tôi kêu đắt, vì cây như vậy giữa năm chỉ gần 10 triệu đồng. “Bữa trước đúng vậy, cây này bán chỉ 7-8 triệu đồng, nhưng năm hết tết đến rồi, nguồn hàng ngày càng khan hiếm. Bây giờ 15 triệu đồng, nhưng đến giáp tết phải lên 20 triệu đồng. Nhiều tay chơi kiểng bây giờ không thích những cây kiểng uốn éo, thay vào đó, chỉ cần những gốc cây rừng. Gốc càng to, càng xù xì, nhiều cành thấp... giá càng cao. Cách đây 1 tuần, tôi bán được một cây lộc vừng với giá 17 triệu đồng”, thẳng thừng trả lời, ông chủ vườn cây rít điếu thuốc hả hê.

Đi về hướng đại lộ Trường Chinh, đoạn gần ngã ba Phù Đổng (TP Pleiku), đập vào mắt người đi đường là một “rừng” cây trong khuôn viên của Công ty Q.Đ. Ở đây người chơi cây cảnh phải “phát thèm” với vô số cây xanh có gốc tích từ rừng. Nhẩm tính sơ bộ, ông chủ công ty này đã chuyển hơn 20 gốc cây to từ miệt rừng Chư Prông về trang trí cho khuôn viên rộng lớn, với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Có dịp đi về các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Kông Chro, Chư Pưh và tận mắt chứng kiến những vạt rừng nham nhở, những hố sâu hoắm trong các khu rừng mới cảm nhận được sức tàn phá khủng khiếp của việc đào bới, săn lùng cây cảnh. Từ trung tâm xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), đi sâu vào khoảng 15km, có thể tìm thấy các loại cây rừng có thế và dáng đẹp. Khoảng hơn một tháng nay, nhiều người dân xã Ia Blứ tỏ ra bức xúc vì xuất hiện một số lâm tặc đến con suối gần thác nước trên địa bàn xã cưa hạ cây về làm cảnh. Trước đây, bao quanh thác nước cây cối um tùm. Nhiều cây si mọc trên thác với hình dáng uốn lượn rất đẹp nhưng nay chỉ còn bãi đá trơ trọi. Ngay cả cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi nằm dưới thác cũng bị đốn hạ.

Tại vùng biên giới của tỉnh Gia Lai, chúng tôi được biết, việc “săn” cây cảnh cổ thụ mang lại thu nhập rất cao cho một số người có sức khỏe, có phương tiện. Thấy kiếm tiền dễ mà không bị cơ quan nào kiểm tra, ngăn chặn, nhiều người cứ thản nhiên vào rừng tìm những gốc cổ thụ nhiều năm tuổi đào đem bán. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Rơ Lan Linh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Krai (huyện Ia Grai) cho biết: “Thời gian gần đây, rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã vào rừng săn tìm cây rừng to để đem về trồng bán. Chúng tôi đã họp dân, tuyên truyền cho bà con không được đào bới gốc cây rừng cổ thụ. Làm thế là sai, vi phạm pháp luật, chỉ lợi cho một số cá nhân thôi, còn bà con mình sau này sẽ thiệt hại nhiều lắm. Nhưng sự việc chỉ được một thời gian, rồi đâu lại vào đó, khó quản lý lắm. Chỉ nhờ lực lượng công an và kiểm lâm thôi...”.

Thú chơi hàng độc

Tại địa bàn TP Pleiku, hiện có trên 20 cơ sở mua bán hàng đồ gỗ mỹ nghệ mà “hàng độc” chủ yếu được tuyển về từ núi rừng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, với nhiều loại sản phẩm như lục bình, sập ghép, tượng thần tiên, tượng linh vật, lư hương, lọ hoa, gạt tàn thuốc... Trong vai người đi mua hàng mỹ nghệ, chúng tôi dần thâm nhập vào thị trường hàng độc của phố núi.

Chị N.T.N., chủ cửa hàng H. trên đường Phạm Văn Đồng, phường Đống Đa (TP Pleiku) lúc đầu không muốn tiết lộ thông tin về nguồn gốc sản phẩm. Nhưng chị đã “lọt tai” khi chúng tôi đặt mua hàng với số lượng lớn để làm đại lý phân phối dưới vùng Đông Gia Lai. Lúc này chị N. hé lộ: “Hàng ở đây đều là hàng nội tỉnh và rất tinh xảo, do những thợ vùng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) vào làm. Những mặt hàng ở đây để trưng bày. Các anh muốn chọn loại nào, giá cả ra sao, kích cỡ sản phẩm cũng như chất liệu gỗ, ở đây đều đáp ứng tốt!”.

Tượng Phật được làm bằng gỗ thủy tùng có giá không dưới 100 triệu đồng.

Tượng Phật được làm bằng gỗ thủy tùng có giá không dưới 100 triệu đồng.

Rồi chị N.T.N. đưa chúng tôi rảo quanh cửa hàng và giới thiệu từng loại sản phẩm, chất liệu gỗ, nguồn gốc xuất xứ. Hầu hết, những sản phẩm ở đây đều được làm từ hàng “đặc chủng”, như hương, trắc, căm xe, thủy tùng, cẩm, cà te... và được dán tem có xuất xứ từ tỉnh Bắc Ninh. Thấy chúng tôi phân vân về tem sản phẩm và khâu vận chuyển, chị N. trấn an: “Các anh yên tâm, tem này chỉ để qua mặt cán bộ quản lý thị trường thôi. Còn khâu vận chuyển bọn em bao luôn khi hàng đến nơi mới nhận tiền”.

Cạnh cửa hàng trên, cơ sở mua bán đồ gỗ mỹ nghệ Hải Nam vài năm gần đây nổi tiếng bậc nhất ở TP Pleiku về sản phẩm lục bình, sập, tượng thần tiên, tủ đứng, giường. Hiện cơ sở này có 3 cửa hàng và đang sắp sửa khai trương một siêu thị “hàng độc” thuộc hạng tầm cỡ ở Pleiku. 70% số sản phẩm ở đây có xuất xứ trong tỉnh, số còn lại được nhập từ Campuchia, Lào và các tỉnh phía Bắc. Để hàng hóa thu phục được khách hàng gần xa, cơ sở này đã tuyển một số nghệ nhân từ các làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và La Xuyên (Nam Định) về chạm trổ. Khách hàng tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là các đại gia trong tỉnh và các thành phố khác như Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, Kon Tum và TPHCM. Tại các xã vùng biên giới như Ia Lâu, Ia Piơr (huyện Chư Prông), hay như các xã Sơ Pai, Sơn Lang (huyện Kbang), thị xã An Khê..., có đến hơn chục điểm gia công hàng gỗ mỹ nghệ và sản phẩm chủ yếu là lục bình, sập, ghế trường kỷ, tủ đứng...

Nhưng nói đến chơi hàng độc ở Gia Lai phải kể đến các đại gia hay những cán bộ hàng tỉnh, huyện. Việc sở hữu bộ bàn ghế lên đến hàng trăm triệu đồng, hay bộ sập có chiều dài 3m, bề rộng 2m là chuyện không khó. Tôi đã có dịp thăm “lâu đài” của một đại phú giàu có nhất, nhì vùng Đông Gia Lai. Sở hữu ngôi biệt thự trị giá nhiều tỷ đồng, gian phòng khách của ông đã khiến nhiều bằng hữu choáng ngợp với rất nhiều bàn, ghế, trường kỷ, linh vật, tượng thần tiên, lục bình..., làm bằng đủ chủng loại gỗ cực kỳ quý hiếm. Hay ông P., một cán bộ lãnh đạo huyện Mang Yang, có nhà tại thị trấn Đăk Đoa (huyện Đăk Đoa), “tệ xá” của ông đang sở hữu cả chục bộ lục bình thuộc hàng “top”. Ông P. cho biết, tất cả những thứ này đều do người quen cho, tặng!

Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản số 2239/TTg-KTN nghiêm cấm các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, xuất khẩu các loại cây cảnh, cây bóng mát thân gỗ có đường kính đủ quy cách gỗ tròn, có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước... Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các bộ: công an, tài nguyên và môi trường, tài chính chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có các hành vi tổ chức khai thác, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, xuất nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ trái với quy định của Nhà nước.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục