Thư của một cái còi

Thưa anh Tư,

Em là còi nhôm, cũng có khi là bằng inox, thường xuyên ra sân bóng đá ở vị trí trên mồm trọng tài. Trọng tài là cha mẹ, người ta hay nói thế khi thấy trọng tài thổi còi, rút thẻ, chỉ tay. Hồi xưa nói thế, nghĩa là cấm có cãi trọng tài. Nhưng nay thì cầu thủ cãi trọng tài nhem nhẻm, cho nên cái câu đó bây giờ sai bét?

Không chỉ cãi, cầu thủ còn vái sống trọng tài trên sân, trước hàng chục ngàn con mắt coi trực tiếp và hàng triệu con mắt coi tivi. Có cầu thủ không thích cãi, cũng không vái, mà chỉ quen chửi thề ỏm tỏi sau mỗi tiếng còi. Đại khái, tuy là phận còi nhưng chính em cũng nhiều phen... điếc tai!

Nằm ở mồm trọng tài, tự dưng em cũng hưởng ké chút quyền sinh quyền sát. Mà đâu cũng thế, khi có tí quyền là người ta dễ sa ngã. Còi thì không nhận quà cáp, không ăn nhậu, không nhận bồi dưỡng nhưng cũng thích cất giọng ti toe để hù. Nói thế, nghĩa là trọng tài cũng có thế nọ thế kia, thế này thế khác. Đâu phải vô cớ mà thiên hạ chế tạo ra thuật ngữ “bẻ còi”.

Ngoài đời thế nào, bóng đá thế ấy. Trọng tài không phải chức, nhưng lại có quyền. Có quyền thì sinh lợi, mà có lợi là sinh ra đủ thứ tùm lum. Vì những thứ ấy mà đã có một ít trọng tài đi tù và “hai ít” trọng tài bị treo còi. Dù kiểu nào thì còi cũng đã hỏng.

Cũng như ngoài đời, còi kêu thế nào là do đầu nghĩ thế ấy, phải không anh Tư?

Tư Quéo

Tin cùng chuyên mục