Chào anh Tư. Đừng có ngại khi tôi xưng hô thế, bởi di tích xưa và con người nay luôn cần phải đối xử với nhau hòa hợp, tôn trọng. Và dù tôi đã xập xệ lắm rồi theo năm tháng, nhưng vẫn phải cố giữ cái cốt cách đã từng tạo tác nên mình.
Nhìn các tiền bối của mình như chùa Một Cột, làng cổ Đường Lâm, thành cổ Tuyên Quang… hay nhiều di tích đã biến mất mà đau, nhưng tôi không còn sức để khóc. Tất cả vốn xưa đều không thể chống chọi với những lợi ích và ham muốn tân thời. Lịch sử thật mong manh trước sự thiển cận của con người hiện tại.
Di tích cổ thoi thóp và dần dà trở thành những cái xác không hồn. Di tích bị bỏ quên, còn người ta chỉ nhớ những công trình mới xây, với danh nghĩa “đồ giả cổ”. Điều đáng buồn cốt yếu là đồ giả cổ lại có sức sống vượt trội, còn những gì cổ thật sự lại bị quên lãng.
Chẳng có gì khó hiểu với chuyện đó cả. Di tích cổ chẳng thuộc sở hữu của ai. Cứ chung chung vu vơ thế ắt rơi vào cảnh cha chung không ai khóc. Chỉ có di tích mà không có con người – với lối sống và các giá trị văn hóa cộng đồng, đương nhiên việc bảo tồn sẽ chỉ là khẩu hiệu.
Di tích cứ thế sẽ chết. Người thực tâm giữ di tích thường lặng lẽ. Nhưng sẽ luôn có một ít người thích hô hào to mồm “cứu cứu”, bởi đơn giản là họ kiếm được lợi từ ngân sách trùng tu!
TƯ QUÉO