Thư gửi chồng nhân mùa Noel

Chồng ạ, sắp đến Noel nữa rồi! Một năm trôi qua mau quá, chồng nhỉ! À, không phải vợ nhắc khéo chồng phải mua quà cho vợ cho con hay bày tiệc hoành tráng, mà vợ chỉ có đôi lời muốn nói cùng chồng.

Những ngày này, ngoài phố nhộn nhịp và lộng lẫy. Ai cũng tất bật chuẩn bị cho một mùa Giáng sinh chu đáo và lung linh. Nhưng điều đó không làm vợ quan tâm bằng hình ảnh ông già Noel tất bật đi khắp nơi để tặng quà cho trẻ em. Ngẫm lại ông già Noel có tính cách trái ngược với chồng hoàn toàn.

Ông già Noel là người giản dị, không đua đòi, không ăn diện. Điều ấy được thể hiện qua cách ông ăn mặc một kiểu đồ, tóc, nón và giày. Đặc biệt, suốt bao nhiêu năm trời ông vẫn trung thành một chiếc xe tuần lộc cũ kỹ mà không thay đổi gì. Trong khi anh, cứ đua đòi hết kiểu xe này đến kiểu xe khác. Hễ thấy dòng mô tô nào mới ra lôi cuốn là anh ao ước và đòi mua cho bằng được.

Đó là chưa nói đến việc quần áo mặc chưa được một năm anh đã bỏ đi, xếp vào tủ. Em biết là công việc của anh đòi hỏi phải ngoại giao nhiều, cần ăn mặc chỉn chu, nhưng mình có thể dùng quần áo cũ để mặc ở nhà hay đi đâu đó kia mà. Gia đình mình không đến nỗi khó khăn, nhưng cũng không phải đại gia, nên tiết kiệm là điều cần thiết.

Dù ông già Noel không quan tâm đến bản thân mình nhưng ông là người luôn yêu thương trẻ con hết mực. Ông chịu khó lắng nghe, biết tìm hiểu tâm lý trẻ con để từ đó lựa chọn cho trẻ những món quà ưng ý. Thậm chí những đứa trẻ khó tính nhất, hay dỗi hờn vẫn khuất phục trước khiếu hài hước của ông. Nhưng anh thì ít khi nào gần con. Mà có gặp thì cũng chỉ hỏi vài câu qua loa. Chưa bao giờ em thấy anh học cùng con, chơi cùng con, hỏi con thích gì...

Những món quà anh mua cho con điều xuất phát từ sở thích của anh. Anh mua như là một nghĩa vụ. Con lại gần rủ anh chơi cùng thì anh lại bảo “đi chỗ khác chơi, để cho ba làm việc”, làm thằng bé mặt mày bí xị. Em biết anh rất bận rộn, nhưng cũng nên dành cho con vài phút vui đùa để con không cảm thấy lạc lõng trong tổ ấm của mình.

Ông già Noel là người tỉ mẩn, điềm tĩnh, chịu thương chịu khó và biết lắng nghe. Dù phải làm công việc trong tiết trời giá rét, kẹt xe, chui ống khói dơ bẩn, hay bị khách hàng thúc hối liên tục (thậm chí là cằn nhằn) nhưng ông vẫn lạc quan vui cười. Còn anh, cứ ra phố bị kẹt xe một tí là anh chửi thề, mặt mày nhăn nhó khó coi. Điều đó rất dễ phát sinh ra mâu thuẫn với những người tham gia giao thông khác.

Trong những bữa cơm tối, khi nào có quá ít thức ăn thì anh lại buông lời trách móc: “Tôi làm cực cả ngày mà cho ăn thế này đây?”. Anh bệnh, em ra phố mua thuốc không kịp về thì coi như điện thoại của em bị “khủng bố” cuộc gọi liên tục. Nhiều việc rất chi là vô lý nhưng em không muốn giải thích, vì lúc nóng giận, anh chẳng bao giờ biết lắng nghe ai. Hãy một lần điềm tĩnh, nhẹ nhàng, anh sẽ thấy mọi thứ trở nên dễ chịu, vô ưu.

Có thể anh cho rằng sự so sánh ấy rất chi là phi lý, bởi ông già Noel chỉ là nhân vật huyền thoại. Thì đúng là thế. Em mượn hình tượng ông già Noel để nói lên nỗi lòng của em, cũng như cho anh hiểu về trách nhiệm của người chồng (hoặc vợ) trong gia đình.

Tất nhiên chẳng người chồng nào chu toàn được như ông già Noel, nhưng chí ít cũng có vài ưu điểm để lấn át khuyết điểm. Gia đình là điểm tựa, nguồn sống tuyệt vời nhất.Em và con mong anh sửa sai, thay đổi vài khuyết điểm như em vừa nêu để anh trở thành một người chồng, người cha hoàn hảo.

Tin cùng chuyên mục