Thư gửi thầy cũ

Thư gửi thầy cũ

Thưa thầy, nhận được thư thầy trong những ngày cận tết em rất vui. Thầy luôn động viên và cho em nhiều ý kiến trong chuyên môn lẫn trong công việc. Nhờ những lời động viên của thầy, thời gian qua em đã hoàn thành nhiều việc và góp vài thành quả có ích cho hoạt động văn hóa nghệ thuật của TPHCM, nơi em đang sống và làm việc.

Thưa thầy, hiện em đang quản lý một trường đại học thuộc loại đặc biệt: đào tạo đội ngũ những nhà quản lý, sư phạm, nghệ sĩ biểu diễn, sáng tác, nghiên cứu âm nhạc. Qua hơn 6 năm làm công việc quản lý, điều hành một đội ngũ hơn 300 giảng viên, cán bộ, viên chức phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, biểu diễn âm nhạc, em nhận ra một số điều còn băn khoăn…

Minh họa: K.T

Minh họa: K.T

1. Học phí của học sinh, sinh viên các trường âm nhạc vẫn được tính ngang bằng với các trường đại học khác, dù ai cũng biết đối với ngành âm nhạc, thông thường phải theo mô hình: 1 thầy dạy 1 trò (cho hầu hết các chuyên ngành âm nhạc); 2 thầy 1 trò (thanh nhạc); 3 thầy 1 trò (chỉ huy). Cũng có khi cả dàn nhạc từ 60-80 diễn viên để đệm cho 1 sinh viên học nhạc cụ khi biểu diễn, hoặc thi (concerto), hoặc cho sinh viên khi thi chỉ huy…

Trong lúc đó, các trường âm nhạc trên thế giới, kể cả những nước có nền âm nhạc chuyên nghiệp phát triển sau ta như Singapore, Indonesia, Thái Lan… đều có mức học phí riêng, tùy theo từng ngành học. Với các ngành nghệ thuật, đặc biệt với âm nhạc, việc tạo điều kiện để các em có cơ hội được thực hành trên sân khấu và được có khán giả phê bình, động viên là vô cùng cần thiết.

Do đó, kinh phí đào tạo cho 1 học sinh, sinh viên âm nhạc vô cùng tốn kém. Biên chế thì ít, để có đủ giảng viên uy tín, nhà trường phải mời rất nhiều giảng viên thỉnh giảng để phục vụ giảng dạy, biểu diễn thực tập… Vì vậy, dù mức trả không cao, nhưng tổng kinh phí để trả cho giáo viên và dàn nhạc rất lớn. Nguồn ngân sách hàng năm dành cho nhà trường có hạn, với mức thu học phí như hiện tại, thật sự làm đau đầu các nhà quản lý và khó khăn cùng cực cho những người thầy còn yêu nghề, gắn bó với nghề nghiệp vốn dĩ “lắm công phu” như nghề âm nhạc của chúng em.

2. Yêu cầu về bằng cấp của các trưởng khoa ở các trường nghệ thuật cũng cần xem xét lại một cách thấu đáo, nếu không chẳng ai muốn làm công tác quản lý. Hiện tại, hầu hết các nước trên thế giới và nhất là ở nước ta chưa đào tạo tiến sĩ các ngành biểu diễn âm nhạc (kể các các ngành nghệ thuật khác). Rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn tiếng tăm, đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ tài năng đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, nhưng chỉ có bằng cử nhân âm nhạc. Nguyên nhân, do họ chỉ chú tâm vào công việc biểu diễn hoặc sáng tác, giảng dạy nên nếu muốn học cao hơn phải đổi sang chuyên ngành khác, như Lý luận âm nhạc nay được gọi là Âm nhạc học. Như vậy, họ sẽ phải chú tâm vào nghiên cứu và bỏ hẳn thời gian dành cho thực hành nghề nghiệp. Biểu diễn thực chất là nghề cần sự chú tâm và khổ luyện hàng ngày. Có những tài năng chỉ phát lộ khi chỉ có riêng họ với cây đàn và được bay bổng với những dòng cảm xúc vô tận ở đó. Nếu chuyển họ sang môi trường tư duy lý luận sẽ gặp nhiều bất cập...

Hiện nay, ở các trường nghệ thuật đây là vấn đề nan giải cho các nhà quản lý, vì khi bổ nhiệm nếu không có bằng tiến sĩ chỉ được chấp nhận chức vụ phó phụ trách hoặc quyền trưởng khoa, trung tâm. Sự bất ổn định trong cương vị quản lý dễ dẫn đến mất ổn định trong điều hành, quản lý là điều tất nhiên.

3. Lương và các chế độ đãi ngộ cho thầy cô, nghệ sĩ tài năng trong ngành âm nhạc, nghệ thuật của nước ta so với thế giới, đặc biệt các nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines… có thể nói là quá thấp đến mức nghệ sĩ các nước không thể tin nổi. Trung Quốc là nước cùng trong hệ thống XHCN như nước ta nhưng lương chính thức và các khoản đãi ngộ từ chính phủ rất cao. Do đó, họ rất tự hào về nghề nghiệp của mình và không cần giải thích thêm, vì sao số lượng học sinh, sinh viên theo học rất đông và sự cạnh tranh trong thi tuyển hàng năm là rất lớn, nhờ đó có thể tuyển được đội ngũ học sinh, sinh viên thật sự có năng khiếu, là tiền đề cho việc đào tạo được một thế hệ mới với nhiều tài năng xuất hiện.

Đồng lương thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống nên một số giảng viên, nghệ sĩ ở các nhạc viện thường không tập trung vào việc dạy, vì họ có thể dạy với mức lương rất cao cho các học trò không chuyên người nước ngoài (tại nhà người học). Chính vì vậy, họ sẵn sàng bỏ dạy, không nhận công việc quản lý (kể các chức vụ trưởng, phó khoa, kể cả phó giám đốc nhà trường…) để kiếm sống. Thực tế đã chứng minh điều này ở nơi em đang công tác. Chỉ trong 3 năm gần đây, đã có hơn 6 cán bộ quản lý cấp trưởng, phó các khoa và phòng đã xin thôi làm công tác quản lý, về làm một giảng viên bình thường để có thể có thời gian dạy thêm, hoặc sang nước khác giảng dạy có thu nhập tốt hơn.

4. Cơ sở vật chất của các trường nghệ thuật, nhất là các đơn vị xa Trung ương thì thật “tội nghiệp”. Trường của em đang tiến hành xin và làm thủ tục xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, nhưng cũng thông hiểu một điều là bộ chủ quản phải nuôi rất nhiều đơn vị, vì vậy ngân sách khó có thể tập trung cho một đơn vị riêng biệt. Tuy nhiên với chức năng là một trong 2 cơ sở đào tạo âm nhạc lớn và uy tín của đất nước, lại được đặt tại TPHCM, một thành phố năng động và là nơi hội tụ tất cả các loại hình âm nhạc, có sinh hoạt âm nhạc sôi động, mang lại hiệu quả, có tác động nhất định về mặt văn hóa xã hội cao nhất của cả nước, trường của chúng em hoàn toàn xứng đáng để có những đầu tư về cơ sở trang thiết bị đạt chuẩn để tập trung hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện tại, nơi đây không đủ phòng dạy và học, gần 80% giảng viên thỉnh giảng của các khoa “hot” như khoa piano, thanh nhạc, guitare, keyboard… phải dạy học trò mình tại nhà của các thầy cô. Các chi phí như tiền điện, hao mòn sử dụng nhạc cụ các thầy cô phải tự trang trải… Nghe thì buồn cười nhưng lại là sự thật 100%.

Rất may mắn, chúng em lại được địa phương quan tâm hỗ trợ và nhiệt tình giúp đỡ. Thành ủy và UBND TPHCM đã hứa cấp đất để xây dựng cơ sở 2 và giúp cử người hỗ trợ làm các thủ tục cải tạo, xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất cho trường.

5. Hiện tại, cán cân giữa đầu tư cho kinh tế và cho văn hóa - giáo dục, nhất là đối với những ngành nghệ thuật, cần có sự điều chỉnh cấp bách. Muốn đất nước phát triển bền vững, nhất thiết cần phải có những con người được giáo dục tốt và đầy đủ. Cần giáo dục một thế hệ tương lai có nhân cách sống, biết yêu cuộc sống, yêu đất nước, biết cảm nhận những giá trị tinh tế mà thiên nhiên và đời sống ban tặng.

Thưa thầy, thư đã dài, chắc chắn sẽ có vài điều hơi nôn nóng và chưa thật chuẩn xác, có thể do mong muốn làm được vài điều tốt, kính mong thầy thông cảm và góp ý thêm cho những suy nghĩ của em.

                                                                                                                   Em

                                                                                                                     Văn Minh Hương
                                                                                                   (GIám đốc Nhạc viện TPHCM)

Tin cùng chuyên mục