Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, khí CO2 chiếm tới 60% nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu. Chính vì vậy, khí CO2 đã trở thành đối tượng chính trong các nỗ lực của loài người nhằm giảm phát thải khí nhà kính, dưới các hình thức hoặc là giảm phát thải khí CO2 hoặc thu hồi và cất giữ nó một cách an toàn và lâu dài.
Thu hồi và cất giữ CO2 trong các thành tạo địa chất là hoạt động kỹ thuật nhằm thu hồi, vận chuyển CO2 từ các nguồn phát thải và cất giữ nó trong các thành tạo địa chất như các bể dầu và khí đã cạn kiệt, các vỉa than không thể khai thác, hay các tầng chứa nước mặn dưới sâu không thể sử dụng cho công nông nghiệp và sinh hoạt... để giảm lượng khí thải CO2 thoát vào khí quyển và qua đó giảm nhẹ quá trình biến đổi khí hậu (IEA Greenhouse Gas R&D Programme, 2009).
Cất giữ địa chất CO2 như một biện pháp giảm thiểu khí nhà kính đã bắt đầu được đề xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, có khá ít các nghiên cứu được thực hiện cho đến đầu những năm 90 khi ý tưởng này trở nên khả thi thông qua kết quả nghiên cứu của các cá nhân và của một vài nhóm nhà khoa học. Vào năm 1996, dự án cất giữ CO2 qui mô lớn đầu tiên trên thế giới đã được tập đoàn Statoil khởi động tại mỏ khí đốt Sleipner ở biển Bắc (Na Uy). Vào cuối thập kỷ 90, nhiều chương trình nghiên cứu cá nhân và nhà nước nhằm thu hồi và cất giữ CO2 đã được thực hiện ở Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, châu Âu và Úc. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu công nghệ “thu hồi và cất giữ CO2” cấp độ nhà nước vẫn chưa được triển khai. Tuy nhiên, trong năm 2009 Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (DGMV, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu mỏ - địa chất (BRGM) của Pháp để tiến hành một đề tài nghiên cứu với tiêu đề “Khả năng thu giữ khí CO2 tại Việt Nam đến đâu?” và đã báo cáo kết quả đề tài này tại kỳ họp thứ 8 Diễn đàn kinh tế - tài chính Việt - Pháp tổ chức tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 16 đến 18-11-2009. Cũng trong năm 2009, Viện Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam) đã phối hợp với Tổng Công ty Dầu khí và kim loại Nhật Bản (JOGMEC) và Công ty Thăm dò dầu khí Nippon (NOEX) tiến hành một dự án nghiên cứu tiền khả thi tiêu đề “Nghiên cứu khả năng sử dụng CO2 nhằm tăng cường thu hồi dầu ngoài khơi Việt Nam, góp phần giảm thiểu thay đổi khí hậu toàn cầu”. Ngoài ra, một số công ty ở Việt Nam đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu hồi CO2 trong quá trình phát thải để sản xuất sản phẩm mới hoặc sản xuất sạch hơn.
SƠN LAM (ghi)