Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học công nghệ của cả nước và là đầu mối giao lưu quốc tế. Tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số của cả nước nhưng TPHCM lại đóng góp tới 22% GDP và 30% tổng thu ngân sách cả nước.
Để có được kết quả đó, nhất là những thành tựu đạt được sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thành phố là nơi tập trung số lượng lớn các nhà đầu tư, nhà khoa học Việt kiều về làm ăn, sinh sống, đồng thời cũng là địa phương thu hút kiều hối, dự án đầu tư và những đóng góp khác từ các doanh nhân, chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài nhiều nhất cả nước. Trước những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, việc TPHCM cần có những biện pháp mang tính đột phá để phát huy nguồn lực kiều bào, góp phần “xây dựng TPHCM từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á” mà Nghị quyết 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền TPHCM tạo nhiều điều kiện thuận lợi, ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút, phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp phát triển thành phố.
Việc đóng góp của đội ngũ doanh nhân, trí thức Việt kiều ở TPHCM ngày càng tăng, thể hiện chủ yếu trong các lĩnh vực như tư vấn, góp ý chính sách; trực tiếp tham gia hoặc hỗ trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức, công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, các hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao; làm cầu nối cho các hoạt động hợp tác về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo với nước ngoài; cung cấp thông tin cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… Gần đây, TPHCM thực hiện chính sách về bố trí, sử dụng trí thức Việt kiều đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học với chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động. Hiện nay có khoảng 200 chuyên gia, trí thức từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại TPHCM, đồng thời có trên 2.500 doanh nghiệp của kiều bào đang thực hiện 122 dự án. Trong 10 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về TPHCM mỗi năm tăng 10% - 15% và trong tổng số kiều hối gửi về nước, TPHCM chiếm gần 50%. Dòng tiền này đã giúp TPHCM ổn định tỷ giá ngoại tệ, ổn định thị trường ngoại hối, tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế, đóng góp cho tăng trưởng của thành phố. Sự đóng góp này cho thấy đội ngũ doanh nhân, trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài luôn là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, sự đóng góp của bà con đối với đất nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của TPHCM.
Do vậy, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (diễn ra từ ngày 11 đến 14-11 tại TPHCM) với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” có vai trò hết sức quan trọng. Đây là cơ hội tốt để TPHCM tiếp nhận những ý kiến đóng góp, hiến kế của kiều bào nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả cho các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của thành phố. Đó là những vấn đề về định hướng phát triển chung, chính sách phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, giáo dục, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư giữa kiều bào với TPHCM và các địa phương khác. TPHCM cũng mong muốn thông qua cuộc gặp gỡ lần này nhằm xây dựng cơ chế hợp tác mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành các nhóm chuyên gia kiều bào chuyên tư vấn cho lãnh đạo thành phố để thúc đẩy, hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, chương trình được nêu ra. Tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng các mô hình Việt kiều vừa là trí thức và là doanh nhân (doanh nhân - trí thức); hoặc vừa tham gia nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, vừa làm quản lý doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và có quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới… Để tạo bước đột phá, Trung ương xem xét cho TPHCM xây dựng được một cơ chế đặc biệt nhằm thu hút mạnh mẽ hơn những nguồn lực cả về kinh tế lẫn chất xám của chuyên gia, trí thức kiều bào.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nhân, chuyên gia, trí thức có nhiều kinh nghiệm muốn về nước sinh sống, tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảng dạy. Thế hệ trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc và đều muốn tìm mối liên hệ với cội nguồn để đóng góp công sức xây dựng quê hương. Do vậy, nếu có chính sách tốt và môi trường đầu tư thuận lợi sẽ tạo ra “luồng gió mới” trong thu hút nguồn lực từ kiều bào.
TUẤN SƠN