Thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ

Thu hút nhân tài bằng chính sách đãi ngộ

Đọc bài viết “Loay hoay tìm người tài” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 9-3, những người được coi là lao động bậc cao hay đội ngũ trí thức đều cảm thấy trăn trở. Đúng là một khi nhà nước chưa giải quyết được bài toán trọng dụng nhân tài bằng chính sách đãi ngộ hợp lý, trả lương, thu nhập sát với giá cả nhân công trên thị trường lao động thì rất khó thu hút người giỏi, người biết làm việc vào bộ máy công quyền.

Nhiều năm qua, mặc dù nhà nước đang cố gắng tăng lương theo lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ công chức (CBCC) nhưng nhìn lại mức thu nhập bình quân vẫn còn thấp. Ngay như đội ngũ công chức có trình độ cao là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… thì thu nhập cũng chỉ đạt mức 3-5 triệu đồng/tháng.

Cán bộ công chức tại UBND quận 1 (TPHCM) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: Đức Trí
Cán bộ công chức tại UBND quận 1 (TPHCM) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: Đức Trí

Ngoài phần cứng, lương từ ngân sách - nếu cơ quan, đơn vị nào không có thêm khoản thu nhập “mềm” cho người lao động thì thử hỏi mức thu nhập này có đủ để trang trải cuộc sống đắt đỏ ở các đô thị, nói chi đến việc tích lũy để tái tạo sức lao động, tự đào tạo tay nghề, nghiệp vụ… Do ở khu vực nhà nước áp dụng hệ thống thang bảng lương lạc hậu và trả lương, thu nhập theo hướng cào bằng, chưa đúng với việc và người nên không khuyến khích người lao động có năng lực, chuyên môn giỏi làm việc với năng suất cao.

Ai cũng thấy rào cản đối với chủ trương thu hút người tài, người giỏi vào các cơ quan nhà nước bắt nguồn từ công tác tuyển dụng, bố trí CBCC, chưa phù hợp với thực tế cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động. Trong khi, ở khu vực ngoài quốc doanh, tiêu chí tuyển chọn các chức danh, vị trí quản lý trung cao cấp luôn công khai thì ở khu vực nhà nước - việc tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo chủ yếu qua khâu quy hoạch, đề bạt, cơ cấu.

Nếu cách làm truyền thống này không chặt chẽ, thiếu sự công khai, minh bạch thì sẽ dẫn đến hậu quả xấu – không những triệt tiêu sự cạnh tranh đầu vào của CBCC mà còn loại bỏ nhiều ứng viên tài giỏi khác. Đây là vấn đề được các chuyên gia về nhân sự cảnh báo từ lâu.

Là địa phương năng động, phát triển với tốc độ nhanh, TPHCM rất cần thu hút người tài vào các vị trí lãnh đạo và quản lý cao cấp. Đặc biệt, ở một số lĩnh vực phát triển nóng như quản lý đô thị, quy hoạch, kiến trúc… càng cần người có chuyên môn, kỹ năng sâu.

Thế nhưng, TP chưa chiêu mộ được nguồn nhân lực tinh hoa vào các vị trí đầu tàu. Thấy rõ lỗ hổng này, nhiều năm TP đã xới lên chủ trương thu hút người tài vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của TP nhưng… còn “tắc”.

Đúng như bài báo đã nhận định, TPHCM đã thí điểm thực hiện chủ trương thi tuyển các chức danh cán bộ quản lý - trưởng, phó phòng ban của các sở, ngành, quận, huyện nhưng… bị phá sản. Đâu là nguyên nhân? Tuy tuyển dụng công khai nhưng TP lại thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp và điều quan trọng là những người được tuyển dụng chưa được các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để phát huy đúng năng lực chuyên môn. Hơn nữa, tư duy quản lý nhân sự ở nhiều cơ quan vẫn theo lối mòn hành chính, xơ cứng. Đây chính là lý do khiến nhiều người giỏi bỏ cuộc và chọn môi trường khác để làm việc.

Thời gian qua, bên cạnh con số hàng ngàn CBCC bỏ việc vì mức lương không đủ sống, điều kiện làm việc chưa thích ứng sẽ còn có thêm bao nhiêu người bỏ việc nữa? Nước chảy về chỗ trũng! Đó là quy luật tất yếu của thị trường vốn nhân lực đang cạnh tranh khốc liệt. Một bác sĩ có học hàm tiến sĩ khi làm việc ở một bệnh viện công chỉ nhận mức lương khiêm tốn trên 5 triệu đồng/tháng nhưng khi làm cho một bệnh viện liên doanh với nước ngoài, vị bác sĩ này được trả trên 1.000 USD/tháng (gần 20 triệu đồng).

Điều này cho thấy, nếu nhà nước không đổi mới chính sách tuyển dụng và trả lương theo trình độ và công việc thì chuyện giữ người tài, người có năng lực làm việc đã khó, nói chi đến tuyển mộ nhân tài

THIỆN HÀ

Tin cùng chuyên mục