Ngày 15-9, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Pakistan, tên Abu Hafs Al-Shahri, đã bị tiêu diệt hồi đầu tuần.
Theo quan chức trên, tên Abu Hafs Al-Shahri, mang quốc tịch Arập Xêút đã bị tiêu diệt tại Bắc Waziristan, khu vực bộ lạc thuộc miền Tây Bắc Pakistan - vùng đất lâu nay vẫn được coi là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố Taliban và al-Qaeda.
Giới phân tích nhận định đây là một thắng lợi đối với quân đội Mỹ trong việc loại bỏ một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng trên lãnh thổ Pakistan.
Abu Hafs Al-Shahri, là chỉ huy các chiến dịch của al-Qaeda tại Pakistan, có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Taliban tại Pakistan để tiến hành những vụ tấn công bên trong Pakistan.
Tên này cũng được coi là một trong những ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm phó tướng al-Qaeda là Atiyah Abd al-Rahma, kẻ bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hồi cuối tháng trước.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Mỹ đã đưa tổ chức khủng bố Hồi giáo Indian Mujahideen (IM) vào danh sách khủng bố toàn cầu. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ toàn bộ tài sản của IM tại Mỹ sẽ bị phong tỏa và mọi công dân Mỹ bị cấm giao dịch với tổ chức này.
Theo bộ trên, IM là tổ chức khủng bố ở Ấn Độ có liên hệ chặt chẽ với Pakistan, đứng đằng sau hàng chục vụ đánh bom trên khắp Ấn Độ từ năm 2005 khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng.
Đối tượng tấn công khủng bố của IM là những người không theo đạo Hồi nhằm đạt mục đích thành lập lãnh địa Hồi giáo ở Nam Á.
IM trước đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhằm vào thị trấn Pune của Ấn Độ vào ngày 13-2/-010 làm ít nhất 16 người thiệt mạng.
Nhóm này cũng thú nhận là thủ phạm liên quan một loạt vụ đánh bom ở thủ đô New Dehli hồi tháng 9/2008 cũng như 16 vụ nổ liên hoàn hồi tháng 7-2008 tại thành phố Ahmedabad và các vụ đánh bom cùng năm ở Jaipur.
Nhật Bản và Mỹ nhất trí thực hiện thỏa thuận về di chuyển căn cứ Futenma
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 16-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuo Ichikawa và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta đã nhất trí nỗ lực thực hiện thỏa thuận giữa hai nước về việc di chuyển căn cứ Futenma của quân đội Mỹ trong phạm vi tỉnh Okinawa của Nhật Bản.
Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Ichikawa cho biết trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Panetta kể từ khi nhậm chức, ông đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản và Mỹ cần nỗ lực hơn nữa để đạt được tiến bộ thực sự trong vấn đề di chuyển căn cứ Futenma theo thỏa thuận được ký kết vào tháng 5-2010.
Về phần mình, Bộ trưởng Panetta cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề di chuyển căn cứ Phưtenma trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ làm hết sức mình để đạt được tiến bộ. Ông Panetta vừa nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào tháng 7 vừa qua. Ông cho biết ông muốn thăm Nhật Bản trong tương lai gần.
Kể từ khi Nhật Bản và Mỹ đạt được thỏa thuận vào tháng 5-2010 về việc di chuyển căn cứ Futenma từ khu vực đông dân cư ở thành phố Ginowan tới khu vực ít dân cư hơn ở thành phố Nago, hai địa phương đều thuộc tỉnh Okinawa, đến nay vấn đề này vẫn bế tắc do sự phản đối của người dân tỉnh Okinawa, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ.
- Malaysia bãi bỏ Luật an ninh nội địa
Theo phóng viên TTXVN tại kuala Lumpur, phát biểu trên truyền hình tối 15-9 nhân kỷ niệm 54 năm ngày độc lập và 48 năm ngày thống nhất Malaysia, Thủ tướng nước này Najib Razak công bố bãi bỏ Luật an ninh nội địa (ISA) và xem xét lại một số đạo luật khác theo Chương trình cải tổ quyền dân sự, đồng thời nới lỏng những hạn chế đối với báo chí và hội họp.
Thủ tướng Najib nhấn mạnh những thay đổi lịch sử này là nhằm thiết lập một nền dân chủ vững mạnh, hiện đại và đúng chức năng, bảo đảm trật tự công cộng, tăng cường quyền tự do công dân và giữ vững sự hòa hợp sắc tộc.
Luật ISA được áp dụng tại Malaysiaa năm 1960 trong bối cảnh gia tăng các cuộc bạo loạn vũ trang, cho phép lực lượng cảnh sát bắt giữ không cần có lệnh và giam vô thời hạn đối với bất cứ đối tượng nào có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Thủ tướng Najib cho biết luật ISA sẽ được thay thế bằng hai đạo luật mới được soạn thảo trên cơ sở phù hợp với quyền con người và Hiến pháp của Malaixia.
Ngoài ISA, Sắc lệnh khẩn cấp được ban bố sau cuộc bạo loạn sắc tộc năm 1969, theo đó cho phép giam giữ các đối tượng tình nghi tối đa 2 năm không cần xét xử, cũng được bãi bỏ. Thủ tướng Nagíp còn cho biết chính phủ quyết định bãi bỏ quy định các cơ quan báo chí phải xin cấp phép xuất bản hàng năm, đồng thời sửa đổi nhiều đạo luật khác hiện đã không còn phù hợp.
Các quyết định bãi bỏ các luật trên sẽ được đưa ra quốc hội thông qua.
- WTO ủng hộ Mêhicô trong vụ tranh chấp cá ngừ với Mỹ
Ngày 15-9, Mexico đã giành thắng lợi một phần trong vụ tranh chấp cá ngừ với Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau khi WTO ủng hộ khiếu nại của Mexico đối với yêu cầu của Mỹ dán nhãn "dolphin-safe" trên các sản phẩm cá ngừ là nhằm hạn chế nhập khẩu cá ngừ của nước này vào thị trường Mỹ. Quyết định này của WTO được cho là sẽ mở đường cho việc nhập khẩu cá ngừ của Mêhicô vào Mỹ lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua.
Năm 1991, Mỹ ban hành quy định bảo vệ cá heo đối với việc đánh bắt cá ngừ. Theo đó, các nước xuất khẩu cá ngừ vào thị trường Mỹ phải đảm bảo các tiêu chuẩn đánh bắt không ảnh hưởng đến cá heo, các sản phẩm phải hội đủ điều kiện trên mới được dán nhãn "dolphin-safe". Cũng kể từ đó, Mỹ đã ngừng mua cá ngừ của Mêhicô với lý do kỹ thuật đánh bắt của Mexico đã làm ảnh hưởng tới mật độ cá heo tại khu vực này.
Tuy nhiên, Mexico đã khiếu kiện quy định nói trên của Mỹ lên WTO từ tháng 10-2008, cho rằng các biện pháp của Washington là sự phân biệt đối xử với các sản phẩm của họ nhằm hạn chế việc nhập khẩu cá ngừ của Mêhicô vào thị trường Mỹ.
Phán quyết của Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO cho rằng những biện pháp trên của Mỹ không mang tính phân biệt đối xử, song lại nhất trí với Mêhicô rằng những biện pháp đó mang tính hạn chế buôn bán nhiều hơn là cần thiết để đáp ứng các mục tiêu bảo vệ cá heo.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Mexico Bruno Ferrari, phán quyết của WTO cho thấy việc đánh bắt cá của Mexico ở Thái Bình Dương là "ổn định và không phải là mối đe dọa đối với cá heo".
- Cây hoa hướng dương không có tác dụng khử chất phóng xạ trong đất
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản đã công bố kết quả nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp khử chất phóng xạ trong đất tại tỉnh Fukushima, theo đó cây hoa hướng dương hầu như không có tác dụng khử chất phóng xạ như người ta tưởng.
Từ cuối tháng Năm, Bộ Nông - Lâm- Ngư nghiệp Nhật Bản đã sử dụng đồng ruộng tại sáu khu vực thuộc tỉnh Phưcưsima để tiến hành thực nghiệm kiểm chứng các biện pháp khử chất phóng xạ trong đất. Theo kết quả thực nghiệm, cây hoa hướng dương chỉ có thể hấp thụ 0,2% lượng chất phóng xạ sedi ở trong đất. Bộ này cho biết không thể sử dụng hoa hướng dương để khử chất phóng xạ trong đất và không có loại thực vật nào khác có khả năng hút một lượng lớn chất phóng xạ. Khoảng 95% lượng chất phóng xạ sedi đọng lại trong khoảng từ mặt đất tới độ sâu 2,5 cm, trong khi rễ cây hoa hướng dương trưởng thành đâm sâu vào lòng đất tới hơn 1 m.
Biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ chất phóng xạ trong đất là bóc đi lớp đất trên bề mặt. Theo kết quả thực nghiệm, nếu bóc đi lớp đất dày 3 cm ở nơi có cỏ rễ ngắn mọc thì sẽ loại bỏ được tới 97% lượng chất phóng xạ sedi. Nếu bóc lớp đất dày 4 cm ở những khu đất bình thường, sẽ giảm được 74% lượng chất phóng xạ này. Trong trường hợp sử dụng chất hóa học làm cứng lớp đất phía trên và bóc lớp đất đó đi, sẽ giảm được 82% lượng chất phóng xạ sedi trong đất.
TTX