Thủ phạm gây ngập vùng cao nguyên

Vài năm trở lại đây, cứ sau mỗi trận mưa lớn, nước kèm theo rác thải từ thượng nguồn đổ về không thoát kịp khiến nhiều khu vực ở Đà Lạt bị ngập cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
Mưa to là ngập
Đang khẩn trương hoàn thành bờ kè quanh khu vườn hơn 3.000m2 của gia đình, ông Huỳnh Xưng (ngụ đường Trạng Trình, phường 9, thành phố Đà Lạt) cho biết, trận mưa lớn tuần trước đã gây ngập 3 sào (3.000m2) rau lô lô, cô rô và súp lơ xanh, ước tính thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.
“Từ đầu mùa mưa đến nay, đã có tới 5 trận gây ngập úng rồi. Xây bờ kè nhưng nếu mưa to, nước tràn về nhiều vẫn ngập như thường”, ông Xưng thở dài.
Ở khu vườn kế bên, gia đình bà Trần Thị Thu Hồng cũng vừa xây xong bờ kè bằng bê tông cho vườn dâu tây 500m2 hết 25 triệu đồng.
Bà Hồng cho biết: “Vườn nhà tôi cách suối tới 200m, nhưng nước tràn về vẫn gây ngập. Mỗi lần mưa to là tôi lại phải túc trực máy bơm để khi nước rút phải tưới sạch bùn đọng trên thân cây dâu, nếu không sẽ thất thu. Riêng trận mưa vừa rồi gây thiệt hại hơn 1 tháng nay tôi chưa thu hoạch dâu được”.
Thủ phạm gây ngập vùng cao nguyên ảnh 1 Nước lũ làm ngập vườn dâu tây của người dân Đà Lạt
Cách đó không xa, anh Thân Tít (đường Trạng Trình) cũng kịp thuê người dựng xong bờ ngăn bằng tôn cho khu vườn trồng rau, hoa cúc rộng hơn 4.000m2, kinh phí hết 35 triệu đồng.
Anh Tít cho biết, xây bằng bê tông mất khoảng vài trăm triệu đồng, dựng bằng tôn ngăn được rác chứ không cản được nước tràn vào vườn, nhưng chi phí thấp. Cũng vì thường xuyên bị nước ngập nên trong số hơn 4.000m2 vườn, anh Tít phải bỏ hoang gần một nửa.
“Ở Đà Lạt có được khu vườn bằng phẳng như thế này khó khăn lắm, giờ đành phải để cỏ mọc, xót xa nhưng không biết làm thế nào”, anh Tít nói.
Dọc hai đường Trạng Trình (phường 9) và Cách Mạng Tháng Tám (phường 8) ven suối Cam Ly (khu vực phía thượng nguồn hồ Xuân Hương) nhiều nông hộ ở đây cũng lựa chọn cách xây bờ kè cho từng khoảnh vườn của mình như một giải pháp trước mắt để bảo vệ vườn rau, hoa trước những đợt mưa lớn đổ về.
Tại khu dân cư Mê Linh, đường Trương Văn Hoàn (phường 9, thành phố Đà Lạt), nước ven suối dâng, kéo theo rác thải nông nghiệp tràn vào nhà, trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Minh Thành, ngụ tổ 4, đường Trương Văn Hoàn cho biết, hôm trước khi cả gia đình nghỉ trưa về nhà ăn cơm, mưa ập xuống khiến nước dâng cao tràn vào nhà gây hư hỏng toàn bộ số máy móc làm mộc để ở xưởng, ngoài ra hơn 2m3 gỗ thành phẩm cũng bị nước trôi gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Còn gia đình bà Sáu Hội (ngụ cùng tổ 4) sau nhiều lần mưa gây ngập khu vườn trồng rau, bà cũng đành phải bỏ hoang hơn 2.000m2 vườn từ đầu năm đến nay. 
Ngập ngày càng thường xuyên
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi thành phố Đà Lạt, cho biết tốc độ phát triển nhà kính trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua quá nóng, khiến cho chỉ số thấm của đất giảm sút nghiêm trọng.
Trước kia khi chưa có nhà kính, nước mưa rơi xuống sẽ thấm một phần vào đất, sau đó chảy xuống các khe suối đổ về nơi dốc. Còn nay nhà kính che phủ hầu khắp bề mặt, nhất là vùng sản xuất nông nghiệp khu vực phường 12 (thượng nguồn suối Cam Ly).
Nước dồn xuống cùng một thời điểm, trong khi hệ thống tiêu nước vẫn như nhiều năm trước, thậm chí còn bị bồi lắng theo thời gian nên gây ngập ở khu vực trũng là điều đương nhiên. Những khu vực thường xuyên xảy ra ngập do địa hình dốc thấp, khi lượng nước từ thượng nguồn tràn về đã gây ngập úng cục bộ.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, nhà kính trên địa bàn chỉ mới xuất hiện hơn 10 năm nay nhưng tốc độ phát triển không ngừng. “Trong nhiều năm, diện tích đất canh tác không có nhiều thay đổi nhưng diện tích nhà kính tăng liên tục.
Hiện nay toàn thành phố Đà Lạt có khoảng 5.200ha nhà kính, chiếm hơn 50% tổng diện tích đất canh tác”, ông Dương Ngọc Đức, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, cho biết.
Còn ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, dọc hai bên bờ suối không có đường giao thông, người dân sau khi thu hoạch nông sản đã đổ bỏ phế phẩm nông nghiệp, rác thải nông nghiệp dọc hai bên bờ suối Cam Ly, mỗi khi mưa lớn nước cuốn tất cả vào dòng chảy khiến cho tốc độ thoát nước chậm lại, đây cũng là một nguyên nhân gây ra cảnh ngập úng khi có mưa to trên địa bàn.
Có nhiều ý kiến nhận định, nếu tốc độ phát triển diện tích nhà kính tiếp tục nóng như hiện nay thì tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông nghiệp và hạn chế rủi ro do những trận mưa lớn gây ra hiện vẫn là bài toán nan giải mà người dân Đà Lạt đang trông chờ lời giải.
“Nhà kính gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa của đại bộ phận người nông dân ở Đà Lạt. Việc kìm hãm phát triển nhà kính gần như là điều không thể, bởi những lợi ích của trồng cây trong nhà kính như giảm thiểu rủi ro do mưa đá, sương muối, biến đổi nhiệt độ”, một nông dân ở phường 12, thành phố Đà Lạt cho biết.

Tin cùng chuyên mục