Thu phí để quản lý vỉa hè hiệu quả

Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè đang gây dư luận trái chiều. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo SGGP ghi nhận ý kiến của các quận - huyện liên quan đề xuất này.
20 hộ bán hàng rong trên vỉa hè ở quận Tân Bình được bố trí bán ở chợ Phạm Văn Hai vào ban đêm Ảnh: KIỀU PHONG
20 hộ bán hàng rong trên vỉa hè ở quận Tân Bình được bố trí bán ở chợ Phạm Văn Hai vào ban đêm Ảnh: KIỀU PHONG
Ngày 7-6, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM chính thức gửi tờ trình cho UBND TPHCM về Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác.
Thu phí nhưng phải quản lý tốt 
“Qua công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn, chúng tôi ghi nhận được nhu cầu của người dân sử dụng vỉa hè, lòng lề đường là rất lớn. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng đề xuất cho phép thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác là rất phù hợp”, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình (TPHCM) Lê Thanh Bình nói.
Theo ông Bình, trên địa bàn quận Tân Bình có một số đường như Đồng Đen, Cách Mạng Tháng Tám (đoạn qua địa bàn phường 6)… có vỉa hè rộng trên 5m. Do vậy, việc cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường là rất phù hợp nhằm sắp xếp, bố trí cho người dân của quận sử dụng buôn bán, để xe.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết, huyện đã trao đổi với một số xã, thị trấn và người dân trên địa bàn thì các xã và người dân hoàn toàn đồng tình với việc thu phí sử dụng vỉa hè. Ông Lưu dự kiến trên địa bàn huyện có một số đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Tạo… có vỉa hè rộng, có thể sử dụng một phần và chừa phần còn lại đảm bảo cho người đi bộ. Các đường khác, do vỉa hè quá nhỏ hoặc không có vỉa hè, thì không bố trí thu phí.
“Ở những đường có vỉa hè rộng rãi, người dân có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè và họ sẵn sàng trả phí để được sử dụng đàng hoàng. Người dân cho rằng, nếu dọn dẹp hàng hóa vào bên trong nhà thì khó bán buôn. Nhiều người dân ở huyện cũng đề nghị được trả phí để sử dụng vỉa hè từ lâu nhưng do TPHCM chưa có quyết định cụ thể nên huyện chưa giải quyết”, ông Nguyễn Văn Lưu cho hay.
ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7, cũng đồng tình với đề xuất thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Theo ông Lê Hòa Bình, việc sắp xếp khoảng 1,5m chiều rộng vỉa hè cho người dân sử dụng có trả phí là phù hợp. “Người dân sử dụng vỉa hè có trả phí nên các vỉa hè cũng cần phải đẹp, rộng rãi, xứng với đồng tiền người dân bỏ ra thuê. Và trách nhiệm của cơ quan nhà nước không chỉ thu tiền là xong, mà quan trọng phải quản lý việc sử dụng vỉa hè sao cho tốt, đảm bảo văn minh đô thị”, ông Lê Hòa Bình kiến nghị.
Linh hoạt mức thu phí
Ông Võ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận 11 nói: “Chúng tôi ủng hộ đề xuất thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM. Quận 11 đã chuẩn bị sẵn sàng. Khi TPHCM cho phép, quận sẽ tổ chức thực hiện việc thu phí”. Theo đó, đối với những vỉa hè rộng hơn 5m, quận 11 đã tiến hành họp dân để lấy ý kiến về việc sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, dịch vụ. Riêng với những đường chuyên doanh, quận 11 xin phép TPHCM cho sử dụng vỉa hè và một phần lòng đường theo giờ để giữ xe, vừa đảm bảo giao thông, vừa có điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ tại các đường đặc thù này.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng đề nghị cần áp dụng mức phí một cách linh hoạt. Chẳng hạn ở quận 11, mức thu phí vỉa hè dự kiến 35.000 đồng/m2/tháng, được áp dụng đối với tất cả các đường là chưa phù hợp, vì mỗi đường có vị trí, diện tích, lợi thế kinh doanh khác nhau.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, bổ sung: “Khi cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, làm bãi đậu xe công cộng thì nhu cầu gửi xe và nhiều người dân bán hàng rong sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm bát nháo. Bên cạnh đó, việc tổ chức thu phí ra sao, đơn vị nào thực hiện cũng cần tính kỹ vừa đảm bảo việc thu, quản lý và sử dụng phí thu hiệu quả, đúng mục đích. Đặc biệt, điều kiện sử dụng vỉa hè, lòng đường phải được đặt ra để đảm bảo khi dùng một phần vỉa hè, lòng đường để giữ xe, kinh doanh vẫn không ảnh hưởng đến người đi bộ, đến việc lưu thông”.
Đề xuất thu phí vỉa hè quận 1 mức 100.000 đồng/m2/tháng
Theo Sở GTVT TPHCM, Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác được xây dựng nhằm đảm bảo mức thu phí hợp lý, được áp dụng thống nhất trên địa bàn TPHCM để tăng cường công tác quản lý, sử dụng một phần công năng của lòng đường, vỉa hè được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông… Tất cả các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng tạm thời hoặc lâu dài một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM đều phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và phải nộp phí theo quy định. 
Mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để làm bãi đậu xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác mà Sở GTVT đề xuất là có tham khảo mức phí ở một số nơi đang thu như Hà Nội thu mức từ 20.000 - 80.000 đồng/m2/tháng. Ngoài ra, mức thu phí ở TPHCM được xây dựng dựa trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất hàng năm do UBND TPHCM ban hành và tỷ lệ % tính theo giá đất tùy khu vực. Trong đó, mức thu đề nghị ở quận 1 là 100.000 đồng/m2/tháng; quận 3 là 80.000 đồng/m2/tháng; quận 5 là 50.000 đồng/m2/tháng; quận 10 là 45.000 đồng/m2/tháng; quận Phú Nhuận là 40.000 đồng/m2/tháng; quận Bình Thạnh là 30.000 đồng/m2/tháng… Các quận 2, 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ có cùng mức thu đề nghị là 20.000 đồng/m2/tháng.
Đại diện Sở GTVT cho rằng, đề án đã được lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, trong đó Sở Tài chính đã đồng ý với công thức, cách tính mức thu; Sở Tư pháp có góp ý điều chỉnh một số căn cứ pháp lý… Trên cơ sở đó, Sở GTVT đã tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo kiến nghị UBND TP trình HĐND TP xem xét, thông qua trong kỳ họp sắp tới.

Tin cùng chuyên mục