Thủ phủ mía vùng Nam Trung bộ thoái trào

Thị xã Ninh Hòa tỉnh (Khánh Hòa) được ví là thủ phủ mía vùng Nam Trung bộ, nhưng gần đây, do ảnh hưởng của giá mía nguyên liệu trong nước, diện tích trồng mía ở đây đang giảm không phanh. Nhiều người dân bao năm gắn bó, nay cũng phải bỏ cây mía để tìm loại cây trồng khác. 
Nông dân Ninh Hòa gặp khó khi giá mía xuống thấp
Nông dân Ninh Hòa gặp khó khi giá mía xuống thấp

Sống khó hơn với cây mía

Đi theo tỉnh lộ 5, chúng tôi tìm đến các vùng chuyên canh mía ở các xã Ninh Xuân, Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) và chứng kiến việc thu hoạch mía khá trầm lắng. Nhiều ruộng mía còi cọc, kém phát triển do nông dân bỏ bê không đầu tư chăm sóc. Xen lẫn giữa những ruộng mía còi cọc là những khoảng đất trống bị bỏ hoang.

Các vùng chuyên canh mía Ninh Hòa không còn cảnh bạt ngàn màu xanh thời cây mía lên ngôi. Ruộng mía bây giờ vào mùa thu hoạch cũng ảm đạm, buồn nhiều hơn vui.

Theo nông dân trồng mía tại đây, hiện giá mía nguyên liệu được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua dao động từ 920.000 - 950.000 đồng/tấn (loại 10 chữ đường - CCS). Đây là mức giá được đánh giá cao so với những năm gần đây, song nông dân thu hoạch cũng không phấn khởi như thời cây mía ăn nên làm ra. Điển hình như tại xã Ninh Tân, 5 năm về trước, cây mía đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ trồng diện tích lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây mía không đem lại cho họ cuộc sống sung túc nữa. 

Ghé ruộng mía 1,5ha của chị Võ Thị Hậu Phương, ở thôn Trung, xã Ninh Tân, ruộng mía này thuộc loại tốt trong vùng đang thu hoạch bán cho nhà máy của Công ty Đường Việt Nam. Chị Phương cho biết, vụ này gia đình thu hoạch mía cho năng suất khoảng 40 tấn/ha, chữ đường trên 10 CCS. Đó là nhờ gia đình chị đầu tư chăm sóc mía, chứ nhiều ruộng mía xung quanh còi cọc chắc chắn cho năng suất rất thấp. Với năng suất, chữ đường và giá mía bán ra vụ này cao nhưng chị Phương nhẩm tính chỉ lãi chút ít.

Còn hộ anh Lê Minh Tuấn, ở thôn Bắc, xã Ninh Tân có trên 3ha mía. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng mía, anh Tuấn dự kiến tổng sản lượng thu hoạch toàn bộ diện tích trên khoảng 100 tấn, với giá hiện nay cũng không hiệu quả lắm, chỉ đủ ăn.

“Gia đình tính sau vụ thu hoạch này sẽ cho thuê một phần đất, hoặc tạm thời tìm cây trồng phù hợp để chuyển đổi. Nếu không có cây nào phù hợp thì sẽ trồng keo lai, chứ tình hình này khó bám lấy cây mía thêm nữa”, anh Tuấn thông tin.

Tìm hướng chuyển đổi cây trồng

Vốn dĩ là “thủ phủ mía”, là niềm tự hào trong cơ cấu nông nghiệp, nhưng nay nhiều nông dân Ninh Hòa quyết định chuyển đổi cây trồng, bỏ hoang ruộng đồng cũng là bất đắc dĩ.

Theo ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, việc trồng mía không còn hiệu quả nên diện tích mía trên địa bàn liên tục giảm sâu. Vụ mía năm nay toàn xã chỉ còn 500ha, giảm 800ha so với niên vụ 2018 - 2019. Theo giải thích của lãnh đạo xã Ninh Tân, cây mía trồng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân. Trong đó, phần do biến đổi khí hậu, mưa nắng, bão lũ thất thường dẫn đến ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây mía.

Thêm vào đó, nông dân thu hoạch mía cũng gặp nhiều khó khăn, như lao động khan hiếm, chi phí vận chuyển mía tăng cao, trong khi giá mía thu mua ở mức thấp. Như niên vụ 2017 - 2018, giá mua mía chỉ khoảng 780.000 đồng/tấn, khiến nông dân thua lỗ nặng. “Địa phương rất trăn trở chưa biết định hướng, khuyến khích cho nông dân chuyển mía sang trồng cây gì cho phù hợp, bởi xưa nay cây mía là chủ lực. Hiện xã cũng đang chờ cấp trên định hướng”, ông Vũ phân trần.

Thực tế, hiện nhiều nông dân ở thị xã Ninh Hòa đã chủ động chuyển đổi một số diện tích mía sang trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng chưa đồng bộ nên chưa thể là giải pháp căn cơ để phát triển vùng nông nghiệp chuyên canh, thay thế cây mía vốn đang thoái trào.

Ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng, cây mía hiện không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Điều này thể hiện rõ khi vụ mía 2020 - 2021 toàn thị xã chỉ còn 6.200ha, trong khi trước đây khoảng 8.200ha. Trước tình hình ruộng mía bỏ hoang, thị xã Ninh Hòa đã có kế hoạch quy hoạch lại bản đồ thổ nhưỡng, nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, từ đó sẽ đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện liên kết các hợp tác xã để chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả hoặc bỏ trống sang trồng cây mới.

Vụ mía 2020 - 2021, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 12.790ha, trong khi niên vụ 2016 - 2017 là gần 20.000ha. Hiện Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Khánh Hòa đã tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở cho sở xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân.

Tin cùng chuyên mục