Thử thách lớn

Cuộc họp thượng đỉnh khối các nước cánh tả Mỹ Latinh (ALBA - gồm 9 nước Antigua & Barbuda, Bolivia, Cuba, Dominica, Ecuador, Nicaragua, Saint Vincent & the Grenadines, Venezuela và Saint Lucia) đánh dấu kỷ niệm năm thứ 10 thành lập vừa bế mạc vào ngày 14-12.

Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên gặp khó khăn về kinh tế và sức ép ngày càng lớn của chính sách cấm vận từ Mỹ. ALBA ra đời vào năm 2004 theo sáng kiến của cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ Latinh mong muốn ALBA có thể thay thế mô hình kinh tế và xã hội của nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh ALBA gồm 40 điểm, trong đó phản ánh các vấn đề hàng đầu trong khu vực, chẳng hạn như cách để giúp Bolivia, đất nước không có biển tiếp cận dễ dàng hơn với đại dương; đẩy nhanh tiến trình hòa bình, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập niên ở Colombia; cực lực lên án lệnh cấm vận của Mỹ kéo dài 52 năm qua chống Cuba.

Nền kinh tế Venezuela, thành viên sáng lập ALBA, đang trong bối cảnh rất khó khăn khi tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao (đến 60%, số liệu của Reuters) cũng như dự trữ ngoại tệ xuống thấp. Giá dầu-mặt hàng chiến lược của quốc gia này đang rớt giá càng gây thêm nhiều khó khăn cho đất nước của cố Tổng thống Hugo Chavez. Mới đây, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cấm thị thực, đồng thời phong tỏa tài sản của các quan chức Chính phủ Venezuela được cho là đã “đàn áp các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập làm 43 người chết hồi đầu năm nay”. Dự luật còn chờ Tổng thống Mỹ Barack Obama phê chuẩn. Khi được áp dụng, Venezuela càng bị cô lập hơn. Điều này đã dẫn đến cuộc tuần hành lớn của hàng ngàn người tại thủ đô Caracas hôm 15-12 với sự tham dự của Tổng thống Nicolas Maduro phản đối lệnh cấm vận của Mỹ.

Mặc dù khó khăn như vậy, song theo Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh ALBA, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nói với các đồng minh cánh tả từ Mỹ Latinh rằng ông muốn mở rộng chương trình Petrocaribe cung cấp dầu theo giá ưu đãi cho các thành viên trong khối. Thậm chí, nhà lãnh đạo Venezuela còn bàn tới việc mở rộng chương trình Petrocaribe lên đến 18 nước. Thực tế là trong năm 2013, chương trình Petrocaribe giảm lượng cung 11%, mức thấp nhất kể từ năm 2007, buộc nhiều nước tiếp nhận phải chuyển sang các nguồn cung khác. Báo Guardian dẫn lời ông Arturo Lopez-Levy, nhà kinh tế Cuba và là nhà nghiên cứu tại Đại học Denver, cho biết việc giảm giá xăng dầu “có thể có gia tăng gánh nặng đối với các cam kết quốc tế của Venezuela với ALBA và cả các nước được hưởng lợi từ nguồn năng lượng ưu đãi”. Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã có sáng kiến thành lập Petrocaribe vào năm 2005 để giúp các nước láng giềng đối phó với chi phí năng lượng tăng cao, cho phép Venezuela tài trợ đến 40% lượng dầu bán cho các nước thành viên ALBA.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, ALBA đang trong giai đoạn thử thách lớn. Tuy nhiên, kết quả các cuộc tổng tuyển cử gần đây ở khu vực Mỹ Latinh cho thấy mô hình phát triển kinh tế - xã hội dành nhiều ưu đãi cho người dân nghèo mà đa số các chính phủ thành viên ALBA đang áp dụng vẫn còn được ủng hộ mạnh mẽ.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục