Tròn hai năm vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ nhậm chức, phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs ngày 20-1 xác nhận rằng ông Obama đã sẵn sàng cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2012. Công bố kế hoạch vào thời điểm này được cho là thông minh vì hiện tại, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đã vượt qua mức 50%, lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái.
Còn nhớ, năm 2008, cử tri Mỹ chọn ông Obama với hai cảm xúc: chán ngán, thất vọng với những điều mà ông Bush để lại cùng với sự nóng lòng thay đổi do bị đánh trúng tâm lý bởi câu khẩu hiệu tranh cử của ông Obama: “Change we can believe in” (Chúng ta tin vào sự thay đổi). Đến nay, việc thực hiện hầu hết những lời hứa được nhắc đến liên tục trong suốt chiến dịch tranh cử của Tổng thống Obama vẫn còn xa tầm tay.
Thứ nhất là thất bại trong nhiệm vụ “quét dọn” hệ quả ở hai chiến trường Iraq và Afghanistan cũng như lỡ hẹn với kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo lẽ ra phải hoàn tất vào ngày 22-1 vừa qua. Kế đến là tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức 9,4%. Bên cạnh đó, một mối đe dọa nữa vẫn đang âm ỉ cháy trong xã hội Mỹ là những cơn sóng ngầm phản đối chính sách được thông qua dưới thời Tổng thống Obama liên quan đến cải cách y tế, luật nhập cư ở bang Arizona.
Mặt khác, Tổng thống Obama đã ghi điểm và duy trì niềm tin của cử tri ở Luật chăm sóc y tế - ước mơ bấy lâu của đảng Dân chủ được thông qua; cải cách tài chính nhằm ổn định tình hình Phố Wall, ngăn chặn tình trạng đình trệ gây sụp đổ kinh tế toàn cầu; gói kích thích 814 tỷ USD tạo được nguồn cung 3 triệu việc làm.
Về đối ngoại, Tổng thống Obama bị “tấn công” do không bảo vệ được vị thế của mình trong cuộc đàm phán về thương mại thế giới, biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó, mong muốn tiếp cận với thế giới Arập của chính quyền Mỹ đang lâm vào bế tắc. Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil không ngần ngại thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ tại khu vực của mình cũng như vị thế lãnh đạo của Mỹ trong nghị trình không phổ biến vũ khí.
Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định sức mạnh của nền kinh tế mới nổi, giàu tiềm năng và sức bật. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuần này kêu gọi có một hệ thống tiền tệ quốc tế ít phụ thuộc hơn vào đồng USD, gây khó chịu cho nhiều chính khách trong Quốc hội Mỹ.
Dù có những điều hạn chế nhưng không thể phủ nhận ông Obama đã tạo được sự kết nối cần thiết đối với nhiều đối tác. Những điều chính quyền Obama làm được trong lĩnh vực đối ngoại còn phải kể đến câu chuyện về Hiệp ước START mới với Nga, việc tiếp tục tăng cường các mối quan hệ của Mỹ với các nước Mỹ Latinh và các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Mất sự ủng hộ ở nửa đầu nhiệm kỳ thứ nhất được xem là chuyện bình thường trong lộ trình làm chính trị. Ở nửa nhiệm kỳ còn lại, liệu ông Obama có thể chuyển thử thách thành cơ hội cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 hay không vẫn còn là điều được người Mỹ mong chờ và hy vọng.
NHƯ QUỲNH