Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Lập trạm thu phí Trung Lương là để khuyến khích đầu tư

“Việc lập thêm trạm thu phí Trung Lương trên QL1 (đoạn Bình Chánh - Trung Lương) là cần thiết và hợp lý. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai sớm việc thu phí”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 19-3.

- Phóng viên: Hiện dư luận đang có phản ứng về việc lập thêm trạm thu phí Trung Lương trên QL1 trong khi đã có trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, ông có thể giải thích rõ hơn lý do lập trạm thu phí này?

Thứ trưởng NGUYỄN NGỌC ĐÔNG: Ngay sau khi thực hiện thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, có một thực tế là QL1 đã trở nên quá tải bởi các phương tiện đổ dồn về để tránh bị thu phí. Như vậy, QL1 sẽ rất nhanh bị xuống cấp, đồng thời tuyến cao tốc sẽ càng trở nên khó thu hồi vốn. Quan điểm của Bộ GTVT là phải tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các nhà đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông, nhất là trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang thiếu vốn trầm trọng như hiện nay. Vì vậy lập thêm trạm thu phí QL1 sẽ có nhiều mục đích, vừa để giảm tải cho QL1, vừa tạo điều kiện cho tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương khai thác hiệu quả hơn. Việc lập thêm trạm thu phí trên QL1 nên được hiểu như là một chính sách để khuyến khích đầu tư vào các tuyến cao tốc.

- Thế nhưng có ý kiến cho rằng lập trạm thu phí trên QL1 để “ép” xe đi vào cao tốc như vậy là không công bằng và mâu thuẫn với đề án Quỹ Bảo trì đường bộ vừa được phê duyệt?

Trong tương lai chúng ta sẽ có 1 tuyến cao tốc Bắc Nam và một tuyến QL1 song hành. Theo kế hoạch, toàn tuyến mở rộng QL1 sẽ có khoảng 24 trạm thu phí, trong đó 19 trạm BOT đang có và bổ sung thêm 5 trạm tại một số đoạn tuyến chưa có. Hiện trên QL1 có một số trạm đang thu nộp ngân sách. Nếu theo Đề án Quỹ Bảo trì, những trạm này sẽ xóa bỏ vào năm 2015, thế nhưng khi mở rộng nâng cấp QL1 theo hình thức BOT, những trạm này phải chuyển sang trạm BOT để có thể thu hồi vốn cho các nhà đầu tư. Với trạm thu phí trên QL1 đoạn Bình Chánh, mặc dù không phải dự án BOT nhưng Bộ GTVT đã xác định ngay từ đầu là sẽ bán quyền thu phí. Do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam trả lại quyền thu phí nên trước mắt Nhà nước phải đứng ra thu để bù lại. Hiện các cơ quan quản lý vẫn đang lập hồ sơ và sẽ đấu thầu công khai cho các nhà đầu tư nào muốn khai thác.

- Về ý kiến cho rằng mức thu phí đề xuất là cao hơn 1,5 lần so với mức thu thông thường tại các trạm thu phí được đầu tư bằng ngân sách nhà nước là quá cao, quan điểm của Bộ GTVT về vấn đề này như thế nào?

Thực tế là mức thu phí đường bộ của chúng ta hiện nay quá thấp so với khu vực, và so với chính thời giá trong nước leo thang trong những năm vừa qua. Hơn nữa, QL1 đoạn Bình Chánh - Trung Lương gần đây đã được đầu tư nâng cấp với chất lượng tốt, giao thông thuận lợi, do vậy mức đề xuất thu tại cao tốc tôi cho là hợp lý. Hiện công việc để triển khai việc thu phí Trạm Trung Lương đang được hoàn tất theo trình tự thủ tục. Tuy nhiên, mức thu phí đề xuất của Bộ GTVT có được áp dụng hay không thì chúng ta còn phải chờ văn bản của Bộ Tài chính.

Bích Quyên (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục