Thủ tục chuyên ngành vẫn “hành” doanh nghiệp

Ngày 29-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2015. Sự phức tạp trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành được nhìn nhận đang gây trở ngại, làm khổ nhiều doanh nghiệp.
Thủ tục chuyên ngành vẫn “hành” doanh nghiệp

Ngày 29-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2015. Sự phức tạp trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành được nhìn nhận đang gây trở ngại, làm khổ nhiều doanh nghiệp.

Thủ tục chuyên ngành vẫn “hành” doanh nghiệp ảnh 1

Khai báo thuế tại Cục thuế Thành phố Hà Nội

1 tấn vải: vài triệu đồng tiền thuế, 8 triệu đồng tiền kiểm tra

Hoạt động lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật, đại diện Công ty TTHH An Đô cho biết, vài năm gần đây, họ mệt mỏi trong việc bị kiểm tra chuyên ngành (đây là 2 lĩnh vực phải kiểm tra chuyên ngành). Chỉ trong 9 tháng, doanh nghiệp đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm một nhân viên chuyên cho việc này. Các thủ tục trong việc kiểm tra chuyên ngành không linh động bởi cùng một mẫu hàng vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất một vài triệu đồng tiền thuế nhưng mất 8 triệu đồng kiểm tra chuyên ngành. “Cho nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ muốn lậu thuế cho nhanh, đỡ tốn kém”, vị đại diện công ty này than phiền và cho rằng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để đỡ tốn kém cho doanh nghiệp, khai hải quan điện tử chưa đưa lại hiệu quả khi mà tại các cửa khẩu, khâu hải quan vẫn làm thủ công…

Phản hồi về bức xúc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong công tác hải quan, thông quan hàng hóa là khâu mất nhiều thời gian nhất: 38% trong số 7 triệu lô hàng xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra về độ an toàn thực phẩm. Sự kiểm tra là cần thiết. Đồng tình với ý kiến của doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, mặc dù mất thời gian nhiều nhưng vẫn chưa đưa lại sự an tâm cho doanh nghiệp, người dân, chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, thời gian lưu kho quá lâu. Chính vì vậy, giữa tháng 9, Bộ Tài chính đã gửi công văn lên Chính phủ và Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi ban hành các sản phẩm cần kiểm tra hàng hóa. Đối với vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, theo ông Tuấn, trong thời gian kiểm tra, doanh nghiệp có thể mang hàng hóa về kho bảo quản. Thuốc bảo vệ thực vật là mặt hàng có điều kiện, do đó không nên giải phóng mặt hàng, cần kiểm tra tại chỗ thay vì giải phóng hàng đối với thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Đại diện Công ty cổ phần Thương mại Citycom (chuyên kinh doanh thép), cũng than phiền: “Liên quan tới vấn đề kiểm tra chuyên ngành, đối với hàng hóa thường xuyên nên giảm tần suất kiểm tra liên ngành. Hiện tại với chi phí kiểm tra liên ngành mất khá lớn trong chi phí của doanh nghiệp”. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, ông đồng tình với việc những hàng hóa nhập khẩu trực tiếp (tức là sản phẩm thép mà trong nước chưa sản xuất được để phục vụ chế tạo) thì giảm tần suất và yêu cầu kiểm tra. Còn đối với những mặt hàng khác thì vẫn giữ nguyên.

Còn nhiều việc phải làm

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thuế, hải quan là hai lĩnh vực trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải cải cách trong thời gian qua. Với sự quyết liệt của Bộ Tài chính trong quá trình tham vấn, đối thoại nên đã tạo được những chuyển biến tích cực thời gian qua. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự nỗ lực của ngành thuế trong việc điều chỉnh chính sách thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu… góp phần tăng thu ngân sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay. Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, Việt Nam đã tăng 3 bậc so với bảng xếp hạng năm trước. Việt Nam đứng vị trí thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được xếp hạng. Tuy nhiên, theo ông Lộc, chỉ số về nộp thuế của Việt Nam dù tăng từ hạng 172 lên 168 nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng bởi đây là lĩnh vực trọng điểm trong mục tiêu cải thiện của Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ và hiện doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, chưa hài lòng với ngành tài chính.

Dù có nhiều cải cách nhưng theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thực hiện Nghị quyết 19, ngành thuế và hải quan đã có nhiều chuyển biến có lợi cho doanh nghiệp, mặc dù vậy công tác hải quan và thuế cần làm nhiều việc hơn nữa thông qua việc lắng nghe ý kiến, sửa và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, với các giải pháp đã triển khai thực hiện, tổng số giờ nộp thuế đã giảm được 420 giờ. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi cả nước, giải pháp này sẽ giảm được trên 10 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp. Cũng theo ông Cao Anh Tuấn, đến hết tháng 10, việc triển khai nộp thuế điện tử đã đạt được các kết quả cụ thể. Tổng số doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử qua cổng của Tổng cục Thuế là 457.500 doanh nghiệp, đạt trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động. Một số cục thuế đã đạt kế hoạch 90% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ như: Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An, Bắc Ninh…

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục